'Nước cờ' sai lầm của Đức khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân
Đức đã phải tăng cường nhập khẩu điện trong 6 tháng đầu năm, sau khi chính phủ quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng còn lại của nước này để chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, hãng tin Bild đưa tin hôm thứ Hai 3/7.
Từ ngày 1/1 đến ngày 12/6, nền kinh tế lớn nhất của EU phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện từ các nước láng giềng, hãng tin này cho biết, trích dẫn phản ứng của nội các về một cuộc điều tra của quốc hội.
Báo cáo cho biết nước Đức không còn có thể đáp ứng nhu cầu của mình bằng điện sản xuất trong nước do “thảm họa” chính sách năng lượng xanh khiến các nhà máy hạt nhân phải đóng cửa để nhường chỗ cho năng lượng tái tạo. Hiện Berlin phụ thuộc vào nhập khẩu điện được sản xuất tại các cơ sở nguyên tử của Pháp và nguồn cung cấp được sản xuất tại các nhà máy than ở Cộng hòa Séc.
“Theo dữ liệu công khai, Đức đã chuyển từ một nước xuất khẩu điện thành một nước nhập khẩu. Điều này rất có thể là do việc từ bỏ các nhà máy điện hạt nhân”, chuyên gia năng lượng Andre Tess nói với hãng tin TASS.
Trước đó, các giám đốc điều hành ngành công nghiệp của Đức đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu điện sắp xảy ra, có thể gây nguy hiểm cho khả năng cạnh tranh của Đức với tư cách là một trung tâm công nghiệp.
“Là một trung tâm công nghiệp, Đức tồn tại một vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi không có nhiều năng lượng như chúng tôi cần,” người đứng đầu công ty năng lượng RWE, ông Markus Krebber, đã cảnh báo vào tháng trước.
“Khoảng cách này dẫn đến giá cao và do đó dẫn đến những lo ngại chính đáng về khả năng cạnh tranh,” ông nói, đồng thời cho biết thêm: “chúng ta đang thấy những dấu hiệu đầu tiên của quá trình phi công nghiệp hóa”.
Đức cam kết từ bỏ năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011 của Nhật Bản. Vào tháng Tư, Berlin đã đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, chấm dứt chương trình hạt nhân kéo dài sáu thập kỷ để hướng tới sản xuất điện tái tạo hoàn toàn vào năm 2035.
Kế hoạch ban đầu của nước này là sử dụng nhiều khí đốt của Nga hơn trong giai đoạn chuyển tiếp thông qua các đường ống Nord Stream, đường ống được xây dựng để vận chuyển nhiên liệu giá rẻ từ Nga. Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Đức đã đáp ứng tới 40% nhu cầu khí đốt của mình từ quốc gia bị trừng phạt này. Tuy nhiên, vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt tự nhiên và các hình phạt của phương Tây đối với Moscow đã khiến Berlin phải tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế.
Năm ngoái, Berlin đã thay thế một khối lượng khí đốt của Nga bằng việc nhập khẩu LNG từ Mỹ và Trung Đông. Nhưng các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng Đức sẽ mất nhiều năm để thay thế hoàn toàn nguồn cung cấp năng lượng của Nga bằng các nguồn năng lượng khác.