Nước có styrene vượt ngưỡng nguy hiểm đến đâu?
Styrene có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí phá hủy gan, các mô thần kinh, dẫn tới ung thư.
Chiều 15-10, UBND TP Hà Nội đã họp báo thông tin về vụ nước Sông Đà có mùi lạ những ngày qua tại Hà Nội.
Kết quả giám định xác định mùi lạ có tại trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất styrene có từ dầu thải gây ra.
Theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng styrene được quy định tối đa 20 mg/l. Tuy nhiên, các mẫu nước xét nghiệm cho thấy hàm lượng cao hơn quy chuẩn Việt Nam từ 1,3 đến 3,65 lần. Tại các vòi nước hộ gia đình, hàm lượng styrene thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian.
Styrene là hợp chất hữu cơ, công thức hóa học C6H5CH=CH2, là chất lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan, dễ bay hơi, vị hơi ngọt. Khi đậm đặc styrene có mùi khó chịu.
Hợp chất hữu cơ styrene thường được dùng để sản xuất polystyren và nhiều polyme khác như hộp xốp đựng thức ăn, cao su, chất dẻo, chất cách điện, sợi thủy tinh…
Theo cơ quan bảovệ môi trường Mỹ, styrene nằm trong danh mục những chất gây ô nhiễm không khí độc hại. Khi ngấm vào nước nó sẽ nhanh chóng bay hơi hoặc phân hủy do hoạt động của vi khuẩn. Styrene có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí có thể phá hủy gan, các mô thần kinh dẫn tới ung thư.
Tuy nhiên, trao đổi với VTC, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết styrene có thể có trong nước nhưng rất ít. Theo tiêu chuẩn 2009 thì styrene được xếp vào nhóm C, là những nhóm không đáng quan tâm nhiều.
“Tất nhiên, tất cả những chất được Bộ Y tế khuyến cáo đều độc hại hết, nhưng muốn đánh giá có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không còn xét tới nồng độ và nhiều các yếu tố chứ không phải cứ nói trong nước có styrene là gây bệnh này bệnh nọ”, ông Thịnh nói.
Một chuyên gia của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội cho hay Styren tồn tại khá phổ biến trong môi trường sống, có trong khói thuốc lá, khí thải phương tiện giao thông, trong công nghiệp hóa dầu, sản xuất cao su, nhựa, thậm chí có trong hộp xốp đựng thực phẩm.
Trong nước, chất này có thể bay hơi hết sau 24-48 giờ; nếu vào cơ thể, có thể bán thải sau 8-9 giờ. Tuy nhiên, trong nước sinh hoạt, hàm lượng Styren chỉ được ở mức dưới 20 mg/l.
Theo chuyên gia này, nước sinh hoạt có hàm lượng chất này cao hơn mức cho phép so với tiêu chuẩn không được sử dụng cho người dân để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, UBND TP Hà Nội khuyến cáo người dân chỉ nên dùng nguồn nước do Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà - Viwasupco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp để tắm giặt. Không sử dụng nước này cho ăn uống.
Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Sông Đà đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc- Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.