Nước đầu nguồn dòng suối Mã Đà bị ô nhiễm
Hơn một tuần nay, dòng nước trong vắt ở đầu nguồn suối Mã Đà (thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) đã chuyển sang màu đen đục và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều loại cá sinh sống tự nhiên trên dòng suối lần lượt chết…
Dòng suối Mã Đà nằm giáp ranh giữa một bên là rừng tự nhiên Đồng Nai do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (sau đây gọi tắt là Khu Bảo tồn) trực tiếp quản lý và một bên giáp ranh với tỉnh Bình Phước. Những ngày qua, lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn ráo riết đi kiểm tra nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ô nhiễm cho dòng suối Mã Đà.
Lần theo dòng nước ô nhiễm
10h ngày 14-5-2024, chúng tôi theo chân lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn đã có mặt tại khu vực đầu nguồn dòng suối Mã Đà, chứng kiến dòng suối có màu nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối, các loài cá chết nổi trên mặt suối rất nhiều.
Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Chu Văn Giang cho biết, cách đây hơn một tuần, nước dòng suối Mã Đà có màu đen đậm, đóng thành lớp váng dày trên bề mặt và mùi hôi thối nồng nặc hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong những ngày qua, trên địa bàn xuất hiện vài cơn mưa nên màu đen của nước có nhạt hơn và có phần giảm bớt mùi hôi thối.
“Lượng kiểm lâm làm nhiệm vụ canh phục đêm và tuần tra dài ngày trong rừng thường sử dụng nguồn nước suối Mã Đà cũng như các con suối nhỏ khác (chi nhánh của suối Mã Đà) vào việc nấu nướng, tắm rửa, giặt giũ áo quần… Tuy nhiên, tình trạng dòng suối ô nhiễm hiện nay đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của kiểm lâm giữ rừng, đặc biệt là nguồn nước sạch trong rừng thường khan hiếm vào mùa khô như hiện nay” - ông Giang bộc bạch.
Qua quan sát cho thấy, phía tỉnh Đồng Nai là rừng tự nhiên, không có đường để đi dọc theo suối Mã Đà. Do vậy, chúng tôi quyết định điều khiển xe máy chạy men theo lối mòn của các lô cao su bên phía tỉnh Bình Phước để lên khu vực đầu nguồn suối Mã Đà nhằm nắm rõ hơn nguồn nước bị ô nhiễm. Trên đường đi, lực lượng kiểm lâm tiến hành kiểm tra nhiều đoạn suối nhưng vẫn không tiếp cận được trực tiếp nguồn gây ô nhiễm. Điều đáng nói là càng lên đầu nguồn suối Mã Đà thì nguồn nước càng trở nên đen đậm, bọt trắng nổi nhiều và mùi hôi nồng nặc hơn.
Sau khi vượt chặng đường dài hơn 10km, chúng tôi quyết định quay về vì đầu nguồn suối Mã Đà còn rất xa. Hơn nữa, đường sá đi lại mỗi lúc một khó khăn, hiểm trở, thậm chí có đoạn phải lội suối vì không có đường đi.
Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai VÕ AN GIANG cho biết, đến thời điểm hiện tại, đơn vị vẫn chưa xác định được hết phạm vi bị ô nhiễm trên suối Mã Đà. Trong khi suối Mã Đà là đầu nguồn của sông Bé và sông Đồng Nai, nếu không xử lý được vấn đề ô nhiễm, khi mùa mưa đến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sạch của hàng triệu người dân vùng hạ lưu dọc sông Bé và sông Đồng Nai gồm các tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cần làm rõ, xử lý kịp thời
Liên quan đến dòng suối Mã Đà bị ô nhiễm, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Võ An Giang cho biết, ngày 7-5-2024, trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm Bù Đăng (thuộc Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn) phát hiện trên lâm phần tại các tiểu khu 17, 23 dọc tuyến suối Mã Đà (thuộc địa phận xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) đã phát hiện hiện tượng nước suối có mùi hôi và đục, tình trạng cá chết nổi trắng trên mặt nước.
Khi nhận được tin báo, ngày 10-5, Giám đốc Khu Bảo tồn đã chỉ đạo Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác phối hợp với Hạt Kiểm lâm tiến hành kiểm tra cụ thể sự việc. Qua kiểm tra hiện trường khu vực suối Mã Đà cho thấy, bên phía tỉnh Đồng Nai là trạng thái rừng hỗn giao và rừng thường xanh thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và phía bên kia chủ yếu là vùng trồng cây cao su (thuộc xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Thời điểm kiểm tra vào cuối mùa khô năm 2024, khu vực suối Mã Đà có lượng nước lưu chuyển rất nhỏ. Đặc biệt, nước có màu đen đậm, mùi hôi thối bốc lên rất nặng và xuất hiện nhiều cá (tràu đồi, rô bể, chạch lấu…) chết, nổi trắng trên mặt nước. Xác định trực quan ban đầu là nguồn nước bị ô nhiễm, nhưng tổ kiểm tra vẫn chưa tiếp cận được trực tiếp nguồn gây ô nhiễm.
Cũng theo ông Giang, trong giai đoạn hiện nay, việc dòng suối Mã Đà bị ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sạch cung cấp các loài động vật hoang dã tại Khu Bảo tồn. Với tình trạng khan hiếm nước, các loài động vật không có nguồn nước sẽ di chuyển ra khu vực dân cư và xảy ra xung đột với người dân. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nếu các loài động vật hoang dã sử dụng trực tiếp nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, có nguy cơ nhiễm các loại bệnh và lây lan trên phạm vi lớn. Đây là một vấn đề rất nguy hiểm và phức tạp cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại đơn vị.
“Khu Bảo tồn không đủ năng lực chuyên môn để đánh giá chính xác mức độ ô nhiễm và tác động môi trường của việc ô nhiễm dòng suối Mã Đà. Do vậy, lãnh đạo đơn vị đã có văn bản gửi cho các cơ quan chức năng các cấp để cùng vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân và mức độ nguồn gây ô nhiễm. Từ kết quả có được sẽ giúp cơ quan chức năng đưa ra hướng xử lý, chấn chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước…” - ông Giang chia sẻ.