Nước Đức chia rẽ vì đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng

Đức đã trì hoãn việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng thêm vài tháng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine.

Từ ngày 15/4, 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức đã chính thức ngừng hoạt động. Một số chính trị gia hoan nghênh động thái này, trong khi một số người khác cảnh báo rằng khi năng lượng tái tạo chưa đủ để bù đắp toàn bộ công suất của điện hạt nhân, sẽ cần nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn.

Ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức – Isar 2 ở bang Bavaria, Emsland ở bang Lower Saxony (Niedersachsen) và Neckarwestheim 2 ở bang Baden-Württemberg – đã chấm dứt 6 thập kỷ hoạt động, theo các công ty năng lượng vận hành các lò phản ứng.

Vài giờ trước khi 3 nhà máy chính thức đóng cửa, một số nhà lập pháp cánh tả và trung tả và các nhà hoạt động môi trường đã bày tỏ hoan nghênh động thái này, trong khi các chính trị gia ủng hộ doanh nghiệp và bảo thủ cảnh báo rằng rủi ro đối với an ninh năng lượng của đất nước vẫn còn.

Việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân – vốn phải hoàn thành vào cuối năm 2022 – đã bị trì hoãn thêm vài tháng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine.

Phản ứng trái chiều

Bà Ricarda Lang, Chủ tịch Đảng Xanh (Greens) thân thiện với khí hậu, đã viết trên Twitter rằng sự kết thúc của năng lượng hạt nhân “đánh dấu một bước tiến dứt khoát vào thời đại năng lượng tái tạo”.

Trong một bài đăng trên Twitter, Đảng Greens tuyên bố, Đức đã tạo ra khoảng 50% lượng điện năng từ các nguồn tái tạo, và “chúng tôi muốn tiến tới 80% vào năm 2030”.

Đảng Greens cho biết, năng lượng tái tạo giá cả phải chăng sẽ đảm bảo cung cấp năng lượng, bảo vệ khí hậu, giúp nước Đức độc lập khỏi các nhà độc tài và đặt nền tảng cho một nền kinh tế vững mạnh và việc làm tốt.

Hơi nước bốc lên từ nhà máy điện hạt nhân RWE Emsland ở Lingen, miền tây nước Đức, ngày 18/3/2022. Ảnh: NV Daily

Hơi nước bốc lên từ nhà máy điện hạt nhân RWE Emsland ở Lingen, miền tây nước Đức, ngày 18/3/2022. Ảnh: NV Daily

Nhóm nghị sĩ của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz thì viết trên Twitter: “Tạm biệt năng lượng hạt nhân. Tạm biệt chính sách năng lượng không an toàn, ô uế, lãng phí”.

Trong khi đó, nhóm nghị sĩ của Đảng Dân chủ Tự do (FDP) thân thiên với giới kinh doanh, thuộc liên minh cầm quyền với SPD và Greens, tuyên bố trên Twitter rằng họ không hài lòng với việc từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân.

Lãnh đạo đảng FDP Christian Lindner, người đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Đức, đã viết trên Twitter rằng, mặc dù tương lai là năng lượng tái tạo, nhưng “trong thời gian chờ đợi, chúng ta phải đảm bảo nguồn cung của mình cho đến khi có đủ công suất”.

Ông Lindner cho biết, nếu ông được quyết định, Đức sẽ giữ lại 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng để dự trữ.

Các chính trị gia bảo thủ đối lập cũng tỏ ra thất vọng.

Hôm 13/4, vài ngày trước khi các nhà máy điện hạt nhân đóng cửa, Thủ hiến bang Bavaria, Markus Söder, đã lên án quyết định của chính phủ liên minh là “hoàn toàn mang tính ý thức hệ”, bổ sung rằng đó là một “sai lầm nghiêm trọng khi từ bỏ năng lượng hạt nhân vào thời điểm này”.

Đảng của ông, Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đã viết trên Twitter hôm 15/4 rằng, việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của đất nước “đánh dấu một ngày đen tối đối với người dân, ngành công nghiệp và công cuộc bảo vệ khí hậu ở Đức”.

Hơi nước bốc lên từ tháp tản nhiệt của nhà máy điện hạt nhân Neckarwestheim 2 ở bang Baden-Württemberg, Đức, ngày 22/8/2022. Ảnh: NV Daily

Hơi nước bốc lên từ tháp tản nhiệt của nhà máy điện hạt nhân Neckarwestheim 2 ở bang Baden-Württemberg, Đức, ngày 22/8/2022. Ảnh: NV Daily

Người đứng đầu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Friedrich Merz hôm 14/4 khẳng định rằng 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng là “an toàn nhất trên thế giới”.

“Không quốc gia nào khác đang phản ứng với xung đột ở Ukraine và tình hình cung cấp năng lượng ngày càng xấu đi như Đức”, ông Merz nói với đài truyền hình công cộng NDR.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm ông Peter Adrian, chủ tịch Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), đã kêu gọi chính phủ “mở rộng nguồn cung năng lượng và không hạn chế thêm nữa” trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá cả đắt đỏ.

“Lội ngược dòng”

Trước khi các nhà máy đóng cửa, ông Martin Kaiser, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) Đức, kêu gọi các Bộ trưởng đảm bảo xử lý an toàn chất thải hạt nhân tích tụ, thứ mà ông cho rằng sẽ vẫn còn phóng xạ trong hàng triệu năm.

Greenpeace đã tổ chức các lễ kỷ niệm tại Cổng Brandenburg ở Berlin và ở thành phố Munich ở miền Nam để đánh dấu sự kiện kết thúc kỷ nguyên năng lượng hạt nhân ở đất nước.

Hơi nước bốc lên từ nhà máy điện hạt nhân Isar 2 ở Essenbach, Đức, ngày 3/3/2022. Ảnh: NV Daily

Hơi nước bốc lên từ nhà máy điện hạt nhân Isar 2 ở Essenbach, Đức, ngày 3/3/2022. Ảnh: NV Daily

Hồi kết của điện hạt nhân ở Đức đã được định đoạt hơn một thập kỷ trước bởi bà Angela Merkel – lúc bấy giờ là Thủ tướng, theo sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản và thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 ở Ukraine.

Nhưng kế hoạch đóng cửa 3 nhà máy còn lại vào tháng 12/2022 đã tạm thời bị đình chỉ do cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông năm ngoái khi giá khí đốt và điện ở châu Âu tăng chóng mặt sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Thời hạn đóng cửa các nhà máy đã được dời lại đến ngày 15/4. Quyết định này được cho là “lội ngược dòng” so với nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh, những nước đang trông cậy vào năng lượng hạt nhân để thay thế nhiên liệu hóa thạch. Ngay cả Nhật Bản cũng đã lùi lại kế hoạch loại bỏ dần năng lượng hạt nhân.

Những người ủng hộ năng lượng hạt nhân ở Đức lập luận rằng nó tạo ra lượng khí thải nhà kính ít hơn nhiều, và được sử dụng để giúp nền kinh tế hàng đầu châu Âu đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045.

“Bằng cách loại bỏ năng lượng hạt nhân, Đức phải sử dụng than đá và khí đốt vì không phải lúc nào cũng có đủ gió thổi hay mặt trời chiếu sáng”, ông Rainer Klute, người đứng đầu hiệp hội phi lợi nhuận ủng hộ điện hạt nhân Nuklearia, cho biết.

Tuần hành trước Cổng Brandenburg, Berlin, đánh dấu việc ngừng hoạt động các nhà máy hạt nhân cuối cùng ở Đức, ngày 15/4/2023. Ảnh: NV Daily

Tuần hành trước Cổng Brandenburg, Berlin, đánh dấu việc ngừng hoạt động các nhà máy hạt nhân cuối cùng ở Đức, ngày 15/4/2023. Ảnh: NV Daily

Một nhà hoạt động của Greenpeace tham gia tuần hành trước Cổng Brandenburg, Berlin, đánh dấu việc ngừng hoạt động các nhà máy hạt nhân cuối cùng ở Đức, ngày 15/4/2023. Ảnh: NV Daily

Một nhà hoạt động của Greenpeace tham gia tuần hành trước Cổng Brandenburg, Berlin, đánh dấu việc ngừng hoạt động các nhà máy hạt nhân cuối cùng ở Đức, ngày 15/4/2023. Ảnh: NV Daily

Mọi người tham gia tuần hành ở Munich, đánh dấu việc ngừng hoạt động các nhà máy hạt nhân cuối cùng ở Đức, ngày 15/4/2023. Ảnh: NV Daily

Mọi người tham gia tuần hành ở Munich, đánh dấu việc ngừng hoạt động các nhà máy hạt nhân cuối cùng ở Đức, ngày 15/4/2023. Ảnh: NV Daily

Chính phủ Đức đã thừa nhận rằng trong ngắn hạn, nước này sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào than đá và khí đốt – những nguồn gây ô nhiễm – để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình, ngay cả khi nước này tiếp tục đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Nhưng Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, một thành viên Đảng Greens, nhấn mạnh rằng nguồn cung năng lượng sẽ vẫn được đảm bảo ngay cả sau khi nhà máy điện hạt nhân cuối cùng bị đóng cửa.

Trong khi đó, 2/3 người Đức ủng hộ việc kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân hoặc kết nối các nhà máy cũ trở lại lưới điện, chỉ 28% ủng hộ việc loại bỏ dần, một cuộc khảo sát của Viện Forsa cho thấy vào đầu tuần này.

“Tôi nghĩ rằng sự ủng hộ này chắc chắn được nuôi dưỡng bởi nỗi sợ rằng tình hình nguồn cung đơn giản là không an toàn”, nhà phân tích Peter Matuschek của Forsa nói với hãng tin Reuters.

Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn các nhà máy điện hạt nhân, hôm 15/4, Thủ hiến Söder của bang Bavaria, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Isar 2, cho biết Bavaria muốn Chính phủ Liên bang thay đổi luật về năng lượng hạt nhân để cho phép các bang tự chịu trách nhiệm vận hành các nhà máy điện hạt nhân như vậy.

“Cho đến khi cuộc khủng hoảng kết thúc và quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo thành công, chúng ta phải sử dụng mọi dạng năng lượng vào cuối thập kỷ này”, báo Bild am Sonntag dẫn lời ông Söder cho biết.

Minh Đức (Theo DW, Reuters)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nuoc-duc-chia-re-vi-dong-cua-3-nha-may-dien-hat-nhan-cuoi-cung-a603305.html