Nước lũ rút chậm, nhiều diện tích chưa thể xuống giống vụ Đông Xuân 2022 - 2023
Những năm trước, vào thời điểm này, nông dân các huyện đầu nguồn như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cơ bản xuống giống dứt điểm vụ lúa Đông Xuân (ĐX). Tuy nhiên, lũ năm 2022 về muộn, nước rút chậm, nhiều diện tích chưa thể xuống giống vụ ĐX 2022 - 2023.
Tiến độ gieo sạ chậm
Dù đã kết thúc gieo sạ đợt 2 theo lịch khuyến cáo của ngành Nông nghiệp nhưng đến nay, một số nơi ở các huyện đầu nguồn Tân Hưng, Vĩnh Hưng, mực nước lũ trên đồng ruộng còn cao nên nông dân chưa thể xuống giống lúa vụ ĐX 2022 - 2023. Anh Nguyễn Văn Kết (ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) nói: "Trung bình hàng năm, vào thời điểm này, nông dân đã xuống giống lúa vụ ĐX. Tuy nhiên, năm nay, do nước lũ rút chậm nên hiện tại 2ha đất của gia đình chưa thể xuống giống, mặc dù giống, thuốc, phân bón,... đã sẵn sàng".
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng cho biết: Theo kế hoạch, vụ lúa ĐX 2022 - 2023, huyện xuống giống 37.000ha. Đến thời điểm này, huyện xuống giống được gần 14.000ha, đạt 38% kế hoạch, chủ yếu ở các xã vùng cao và một số diện tích có đê bao. Nguyên nhân khiến việc xuống giống vụ lúa ĐX 2022 - 2023 chậm so với tiến độ là do nước lũ rút chậm.
“Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện xuống giống được gần 9.500/28.300ha, tập trung ở các xã vùng cao của huyện như Hưng Điền A, Khánh Hưng, Thái Trị, Vĩnh Trị, Thái Bình Trung. Nhiều diện tích còn lại hiện vẫn còn ngập sâu trong nước, nông dân chưa thể xuống giống, làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ vụ lúa này” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Bằng cho biết.
Tăng nguy cơ thiệt hại cho vụ mùa tiếp theo
Khoảng 10 ngày qua, lượng mưa tại chỗ nhiều kết hợp với triều cường nên nước lũ rút chậm. Theo ông Trần Văn Bằng, hiện số diện tích còn lại trên địa bàn mực nước trên ruộng còn khá nhiều, trung bình từ 20 - 50cm nên ảnh hưởng đến lịch gieo sạ khuyến cáo của ngành và tiến độ gieo sạ trễ như hiện nay. Xuống giống trễ không những ảnh hưởng đến năng suất của vụ lúa ĐX mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Số diện tích nằm trong hệ thống đê bao lửng, nông dân cần chủ động bơm rút nước, gieo sạ sớm cho kịp thời vụ, cần cày trục vệ sinh đồng ruộng và diệt chuột, ốc bươu vàng nhằm hạn chế nguồn sâu, bệnh phát sinh và lây lan, tập trung gieo sạ đợt 3 từ ngày 08 - 25/12/2022.
Thông tin từ Sở NN&PTNT, đến thời điểm này, toàn tỉnh xuống giống vụ lúa ĐX 2022 - 2023 được 75.767/221.349ha, đạt 34% kế hoạch. Để đẩy nhanh tiến độ gieo sạ lúa ĐX 2022 - 2023, bảo đảm sản xuất lúa đạt thắng lợi, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An và các đơn vị tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa ĐX 2022 - 2023, tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương, mức độ sinh vật vào bẩy đèn, mật độ rầy nâu, sâu năn xuất hiện trên lúa ĐX sớm để vận động nông dân gia cố bờ bao, bơm rút nước xuống giống đồng loạt cho từng tiểu vùng phù hợp theo khung lịch thời vụ của tỉnh.
Đối với các huyện vùng Đồng Tháp Mười, cần tập trung vận động nông dân bơm rút nước, đẩy nhanh tiến độ gieo sạ trong tháng 11 và 12/2022, hạn chế thấp nhất việc kéo dài gieo sạ sang tháng 01/2023 vì tiềm ẩn nguy cơ dịch hại rất cao. Đối với các huyện phía Nam, các vùng không đủ nguồn nước tưới, khuyến cáo nông dân không gieo sạ lúa ĐX 2022 - 2023, chuyển sang các cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới.
Các đơn vị tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn giải pháp phòng trừ kịp thời, tập trung vào các đối tượng như chuột, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá, rầy nâu, sâu năn,…; tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật từ đầu vụ bằng nhiều hình thức để nông dân nắm bắt kịp thời; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, hạn, xâm nhập mặn để có giải pháp ứng phó kịp thời;…
ĐX là vụ sản xuất chính trong năm, quyết định sản lượng lương thực của cả năm. Vì vậy, cần có sự tập trung chỉ đạo, điều hành kịp thời, sâu sát của địa phương và quyết tâm khắc phục khó khăn của nông dân để vụ ĐX 2022 - 2023 đạt thắng lợi./.