Nước mặn về chậm, người nuôi tôm Kiên Giang trễ lịch thời vụ
Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi thông báo các bản tin dự báo triều cường giữa và cuối tháng 2 để tranh thủ bơm nước đủ độ mặn vào ao.
Hiện nay, mặc dù đã vào mùa hạn mặn nhưng nước mặn lại về trễ hơn so với mọi năm, nên người nuôi tôm ở vùng U Minh Thượng và huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang phải canh con nước từng giờ để lấy nước mặn vào ao thả tôm cho hơn 100.000 ha. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp gỡ khó, đảm bảo đạt chỉ tiêu sản lượng tôm nuôi đề ra năm 2023.
Hiện nay, lịch thời vụ xuống giống vụ tôm đã qua hơn 1 tháng, nhưng người dân nhiều địa phương thuộc vùng U Minh Thượng và huyện Gò Quao vẫn chưa có nước mặn để thả nuôi tôm. Do mực nước ở các trạm nội đồng trong tỉnh Kiên Giang luôn ở mức cao hơn cùng kỳ và trung bình nhiều năm từ 0,1 – 0,5m nên mặn xâm nhập trong các tháng đầu mùa khô 2022-2023 ở mức thấp. Độ mặn cao nhất khu vực sông Cái Bé, Cái Lớn trong tháng 1 mức thấp hơn trung bình nhiều năm 7‰. Nước mặn về trễ, độ mặn thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thả tôm của người dân.
Tại huyện Vĩnh Thuận còn hơn 10.000 ha đang đợi nước mặn để bơm vào ao. Ông Lê Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết, vùng chuyên sản xuất tôm lúa, chuyên canh tôm sú, tôm thẻ và cua thuộc địa bàn các xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong, 1 phần xã Phong Đông và thị trấn Vĩnh Thuận nằm giáp tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau độ mặn rất thấp tương đương khoảng 7-10‰, thấp hơn năm 2022 khoảng 10‰. Với độ mặn này, người dân không thể thả tôm, đặc biệt là tôm sú đòi hỏi độ mặn cao dưới 25‰.
“Người dân Vĩnh Thuận hiện nay rất băn khoăn, nhất là vùng Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong, Phong Đông và thị trấn Vĩnh Thuận là vùng mọi năm có nước mặn để sản xuất lấp vụ tôm lúa, tôm thẻ, tôm sú và cua nhưng năm nay thiếu nước khiến người dân rất băn khoăn. Hiện nay còn hơn 10.000 ha đã thu hoạch lúa xong, lấp trên nền để nuôi tôm xong, có những hộ đã phơi đồng, thả ao nhưng nước mặn vẫn không có để bơm vào”, ông Đủ giãi bày.
Hiện đang là vụ thả giống nuôi tôm nước lợ trong mô hình luân canh lúa – tôm, tuy nhiên năm nay nước mặn vào rất chậm, người dân chưa thể lấy đủ nước nên việc thả giống gặp khó khăn. Ông Nguyễn Văn Rạng, ở xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng thả nuôi tôm càng xanh xen với tôm thẻ cho biết, ông đã nuôi tôm trong ao vèo được 1,5 tháng, nhưng đợi mãi chưa thấy nước mặn về, quá sốt ruột nên khi nước mới được 1‰ ông cũng quyết bơm nước vào vuông.
“Tôi lấy nước vào ao từ 4 đêm từ khi thấy nước lợ nhưng hiện nước mới có 1‰ độ mặn. Mọi năm giờ này đã có mặn đến 20‰ nhưng năm nay độ mặn mới đạt 1-2‰, nên năm nay chỉ cần 7-8‰ là người dân vui vì nhiêu đó là phù hợp cho con tôm sinh trưởng”, ông Rạng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Huỳnh Phi Lơ ở xã Hưng Yên (An Biên) cho biết, vẫn đang chờ nguồn nước có độ mặn từ 7-8‰ mới có thể bơm nước vào ao để thả tôm giống. Ông đã chờ hơn 1 tháng nay nhưng chưa thấy nước mặn về nên ông rất lo, bởi tôm trong ao vèo để lâu sẽ bị thiệt hại, khi thả ra ao dễ bị chai, chậm lớn.
Trước tình hình này, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang kiến nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam có thể phối hợp, điều tiết nước mặn từ hướng cống Ninh Quới (Bạc Liêu) qua, để hỗ trợ nguồn nước mặn cho vùng lúa - tôm của huyện Gò Quao, thay vì chờ nước mặn từ biển Tây theo sông Cái Lớn vào.
Theo ghi nhận trong ngày 15 và 16/2, độ mặn đã bắt đầu tăng. Độ mặn có xu thế tăng theo kỳ triều cường đến ngày 20/2, độ mặn cao nhất ngày xuất hiện trong khoảng từ 4 – 9 giờ, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Cái Lớn khoảng 35km, trên sông Cái Bé khoảng 20km. Độ mặn cao nhất tại các trạm Thạnh Lộc (đầu kênh Cái Sắn) là 2.7‰, Cống Cái Lớn 12.5 ‰, Đông Yên 5.9‰, Gò Quao là 1.1‰ thời gian xuất hiện khoảng 3-5 giờ sáng, trên kênh Chắc Băng (Vĩnh Thuận) là 14.3‰, vẫn còn thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái. Người dân vẫn đang canh con nước từng giờ để lấy nước mặn vào ao.
Ông Nguyễn Văn Rạng ở xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao đã tranh thủ lấy nước mặn vào vuông tôm vào đêm ngày 15/2 cho biết, ông mới lấy nước được 1 đêm nhưng độ mặn chưa đạt, phải đợi khi độ mặn của nước đủ tiêu chuẩn sẽ bơm thêm 1 lần nữa phục vụ cho thả nuôi tôm.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, độ mặn tại các điểm quan trắc thấp hơn trung bình nhiều năm từ 6-7 ‰, không đảm bảo cho sự phát triển của con tôm, đặc biệt là con tôm sú cần độ mặn cao, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi thông báo các bản tin dự báo triều cường giữa và cuối tháng 2 để tranh thủ bơm nước vào ao.
Trong điều kiện độ mặn thấp như hiện tại, bà con cần lưu ý bơm ở tầng đáy để đảm bảo độ mặn. Trong quá trình vèo tôm, bà con thuần tôm từ từ để phù hợp môi trường độ mặn thấp./.