Nước mắt đàn ông
Theo truyền thuyết, tạo hóa sinh ra người đàn bà từ một dẻ sườn của người đàn ông và ban tặng họ cả gia tài khổng lồ đó là những giọt nước mắt của suối nguồn yêu thương, đau khổ. Đàn bà khóc, đó là chuyện bình thường. Còn đàn ông, liệu họ có bao giờ rơi nước mắt?
Tôi đã hơn một lần chứng kiến nước mắt đàn ông rơi.
Cha tôi khóc, ngày mẹ buông tay cha con tôi đi theo một người đàn ông khác, mẹ mải mê kiếm tìm ảo ảnh hạnh phúc ở chân trời xa lắc mà quên đi tổ ấm bình yên. Đó là ngày đầu đông rét buốt. Trời ảm đạm, gió bấc thét gào nỗi niềm nhân thế. Ngày ấy, cha câm lặng như một pho tượng bằng đá, bàn tay thô ráp của cha cầm cái rựa chém mạnh vào cây chuối sau vườn nhà, thân chuối đứt đôi như duyên nợ của cha mẹ tôi gãy làm đôi mảnh. Lưỡi dao sắc ngọt chém toạc bóng đêm, chém rách ngọn gió đông gầy, chém rụng lời thề đá vàng tào khang. Tôi sợ hãi ôm lấy cha, hét lên: “Cha ơi, cây chuối mẹ trồng đó! Nó ra hoa rồi kìa!”. Nghe câu nói ngây thơ của tôi, cha cười đắng ngắt: “Cảnh còn, người mất, tiếc chi con!”.
Đêm ấy, nằm bên cha, tôi thao thức, nghe hai hàm răng cha nghiến mạnh để không bật ra tiếng khóc nhưng tôi vẫn cảm nhận được những giọt nước mắt mặn mòi của cha chảy ngược vào tim, tim cha buốt nhói, cha trằn trọc, tiếng thở dài kẽo kẹt nhịp chõng tre. Nhiều ngày sau đó, tôi thơ thẩn đứng bên bụi chuối gẫy thân ngóng mẹ trở về. Bàn tay nhỏ xíu của tôi lần sờ, xoa vết thương trên cây như ru vỗ nỗi nhớ mẹ trong lòng mình.
Một ngày, nhiều ngày, tôi hi vọng nhìn thấy bóng mẹ nơi ngõ nhỏ hút heo nhưng mẹ... không về thật rồi! Những buổi non trưa, đang chơi cùng bọn trẻ trong xóm, thấy chúng ùa ra đón mẹ về chợ, đứa nào, đứa ấy hớn hở nhận quà, tôi chơ vơ, lủi thủi một mình, tay vê cái gấu áo quăn tít lò xo, mặt cúi xuống tủi thân. Tôi rất sợ phải đối diện với những khoảnh khắc như thế. Cảm giác cô đơn, lạc lõng đến tột cùng. Lòng tôi như sứt mẻ, xây xát.
Có lần, thím Lụa đầu ngõ tội nghiệp tôi đã nhân hậu chia cho một phần quà rồi ôm tôi thật chặt vào lòng để xoa dịu những mất mát bấy lâu. Phần quà và vòng tay dịu dàng của thím đã sưởi ấm con tim nhỏ bé của tôi suốt thời thơ ấu hoang lạnh. Còn cha, lầm lũi làm việc.
Đêm khuya, cha mượn cút rượu cuốc lủi có cái nút lá chuối khô tìm quên. Những lúc ấy, mắt cha đỏ ngầu, cổ họng cha phát ra những tiếng khô khốc tựa lời nguyền cay độc. Khi ấy, tôi chẳng hiểu cha cười hay khóc nữa, nếu có cười thì cũng ra nước mắt mà thôi. Rồi cha nhìn trăng, ngâm ngợi đôi vần thơ chua chát:
“Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ.”
Tôi cảm nhận được vết thương trong lòng cha sâu hoắm như một cái hố. Và tôi biết cha còn thương mẹ rất nhiều. Thương và hận đã vò xé con tim rớm máu của cha. Những tháng ngày ấy, cha tôi nước mắt chan cơm vơi đầy.
Lần thứ hai cha khóc, ấy là ngày tiễn tôi đi đại học. Ngồi trên chuyến xe liên tỉnh duy nhất trong ngày, tôi ngoái đầu nhìn lại, trong làn khói bụi, cha đứng đó, hanh hao gầy, mắt cha rưng rưng. Bóng cha loang lổ trong sương mờ giăng mắc.
Tôi lên thành phố để lại trong cha cả trời thương nhớ, cả nỗi cô đơn vò võ. Cuộc sống phồn hoa chốn đô hội khiến tôi lạc lõng, thương nhớ cha nhiều hơn. Cha viết thư dặn dò tôi phải chăm chỉ học, không cần về nhà nhiều, đồn thời gian mà học, cần gì cha sẽ gửi cho. Thương cha, tôi chăm chỉ học hành, giành được học bổng cao nhất.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ, tôi dễ dàng kiếm được một công việc như mơ. Rồi tôi đẹp duyên với một chàng trai Hà thành gia giáo, tài ba. Cuộc đời như trải thảm cho tôi đi. Không! Đúng hơn là cha tôi đã dùng sự lam lũ, cay đắng đời mình để đệt thảm cuộc đời tôi.
Cha đã nuôi tôi thành người bằng những đồng tiền lấm lem, chiu chắt một nắng hai sương. Cha đã oằn lưng cơ cực để con đường tôi đi thẳng tắp. Cha đã dùng giọt nước mắt đời mình để tô hồng nụ cười trên môi tôi.
Ngày tôi lên xe hoa theo chồng, cha gọi tôi lại góc buồng của mẹ rồi cầm tay tôi thật chặt, dặn dò đủ điều về đạo dâu con và dúi vào tay tôi đôi hoa tai thủ thỉ: “Đây là kỉ vật bà nội tặng mẹ con ngày cưới, giờ mẹ đi rồi, cha thay mẹ trao lại cho con. Cha nghèo, chẳng có gì làm của hồi môn để con về nhà chồng...”.
Tôi ôm cha òa khóc, còn cha vẫn gượng cười héo hắt an ủi tôi. Nhưng tôi đâu hay cha đã khóc thật nhiều mặc dù cha cố tỏ ra cứng rắn vì không muốn tôi buồn trong ngày hạnh phúc nhất cuộc đời. Xe hoa lăn bánh rời quê nghèo, ngoái lại, tôi bắt gặp hình bóng liêu xiêu, gầy guộc của cha thẫn thờ nhìn xác pháo tung bay rợp bờ sông đỏ nắng. Đưa tay vẫy chào tôi, cha khóc, nước mắt lăn dài trên gò má sạm màu nắng gió. Bộ quần áo mới toanh, sang trọng tôi sắm cho cha không khiến cha lột xác, nó mâu thuẫn, đối lập thê thảm với bộ dạng khắc khổ của cha.
Ba Mươi Tết, vợ chồng tôi đánh xe hơi về quê. Không khí ngày xuân khiến xóm làng tưng bừng, rộn rã. Nhà nhà quây quần, đầm ấm bên mâm cơm tất niên sum vầy. Bước chân vào ngõ, lòng tôi quặn thắt nhìn ngôi nhà hiu quạnh, buồn tênh không chút sắc khí ngày xuân.
Nép sau cây rơm, tôi lặng lẽ quan sát cha. Thân hình khắc khổ của cha lọt thỏm trong tấm áo bông huyền thoại, ngọn gió mãn đông tàn nhẫn rít gào từng cơn tê tái. Hình ảnh cha khoảnh khắc ấy đóng đinh trong lòng tôi nhức buốt.
Ba Mươi tết, cha đơn chiếc, vò võ một mình. Ba Mươi Tết, cha cặm cụi, thui thủi bên chái bếp làm cơm cúng tổ tiên. Bàn tay gầy guộc của cha lóng ngóng đơm xôi, cái bánh chưng bóc vụng miếng to, miếng nhỏ, đỗ, thịt thò cả ra ngoài. Tiếng nói cười rôm rả bên nhà hàng xóm vọng lại khiến cha ngước mắt, rồi cha nhìn xa xăm như kiếm tìm điều gì đó và... một giọt nước mắt mặn mòi từ từ lăn xuống khuôn mặt khắc khổ, in hằn bao cay đắng. Không thể kìm lòng được nữa, tôi chạy đến ôm chầm cha nức nở như con nít bị đòn oan: “Cha ơi, con về với cha rồi đây!”.
Nước mắt cha tôi vẫn rơi tiếp. Ấy là ngày cuối đời của mẹ, cha bất ngờ xuất hiện. Mẹ thều thào nói lời tạ lỗi với cha con tôi trong hơi thở gấp gáp. Cha khóc nghẹn: “Bà dại lắm! Sao lại để mình ra nông nỗi này? Bà có biết tôi vẫn đợi bà trở về từng ngày không? Có kiếp sau, bà vẫn phải trả nợ cha con tôi. Tôi đưa bà về nhà mình nhé!”.
Thì ra cha vẫn yêu mẹ nhiều lắm, tình yêu và hận thù làm héo hon con tim cha. Mẹ tôi cười thanh thản, nhẹ lòng, hai tay mẹ run rẩy, chới với nắm tay tôi và cha, giọt nước mắt của cha và mẹ hòa vào nhau trên đường giao định mệnh. Mẹ trút hơi thở cuối cùng.
Đó là một ngày đông không có nắng, đám mây vần vũ phía chân trời đón mẹ về cõi hư vô để lại nỗi đau nhân tình thế thái trong lòng cha con tôi. Cha tôi... lại lặng lẽ lo ma chay cho mẹ, khuôn mặt cha thêm nhiều nếp nhăn hơn, đôi mắt ông trũng sâu hơn. Mỗi ngày cúng cơm cho mẹ, nước mắt cha lại chảy ngược vào tim. Tôi biết!
Cha tôi... đã khóc một đời! Liệu có một ai đó giúp tôi lau khô những giọt nước mắt chảy dài trên vệt đời của cha???
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nuoc-mat-dan-ong-d191812.html