Nước mắt mùa hạn
Tháng tư rát bỏng. Cây cà phê oằn mình héo rũ trong cái nắng chói chang trưa hè. Sờ từng thân cây chết dần vì khát, giọt nước mắt đắng đót chảy dài trên khuôn mặt lão nông nhăn nhúm. Đưa tay quệt mắt, ông lặng nhìn về phía quả đồi: lòng ao ăm ắp nước trước kia giờ chỉ toàn bùn khô nứt nẻ...
1. Xã Ea Sin là địa phương có mức độ khô hạn nặng nhất huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Nắng nóng kéo dài khiến hàng trăm hecta cà phê của người dân tại các buôn Ea Kring, Ea Kăp, Cư Mtâo... vàng lá, héo úa vì thiếu nước. Hơn 30 năm lập nghiệp ở Tây Nguyên, ông Nguyễn Văn Hòa (65 tuổi, ngụ tại buôn Cư Mtâo, xã Ea Sin) đã quen với mùa khô hạn. Nhưng, mùa hạn này, ông chẳng ngờ khu rẫy nhà mình, tiếng là vùng luôn dồi dào nước tưới với cái ao dưới đồi ăm ắp mạch nước ngầm, lại lâm vào cảnh không còn một giọt nước.
Những năm trước, dưới cái nắng như thiêu của đại ngàn, cái ao ấy vẫn xâm xấp nước đủ cầm cự đến cuối mùa khô để đợi cơn mưa đầu mùa. Bây giờ, mùa khô mới bắt đầu được hơn một tháng, lòng ao đã trơ đáy. Rẫy cà phê và sầu riêng xen canh hơn 2 hecta đành chịu cảnh chết khô khi hoa vừa trổ. 5 năm trời, bao nhiêu của nả, vốn liếng vay mượn, gia đình ông Hòa đều đổ hết vào nương rẫy. Cái sổ đỏ mảnh vườn cũng thế chấp ngân hàng vay 300 triệu để có tiền đầu tư sầu riêng.
Năm nay sầu riêng bắt đầu thu bói, cà phê cũng bắt đầu cho thu chính. Nghe giá cà phê, tiêu, sầu riêng... tăng chóng mặt, cả nhà khấp khởi mừng thầm. Ông nhẩm tính bèo lắm với giá cà phê 80.000 đồng/kg, sầu riêng 60.000 đồng/kg thì mùa tới nhà mình thu tiền tỉ là chuyện nhỏ. Nhưng, khi lòng ao dần vơi thì số tiền tỉ trong ước vọng ấy cũng bốc theo hơi nước. Nợ nần đè trĩu, lòng ông giờ có khác gì cái nắng thiêu đốt cả đất trời. Vuốt khẽ cụm hoa cà phê đã cháy khô trên cành, giọng ông nấc nghẹn: “Nghe giá cà phê lên cao hơn 100.000 đồng/ký, tụi tui càng đau cái ruột. Được giá mà mất mùa thì coi như trắng tay. Trời hành vầy thì bao giờ nhà tui mới trả hết nợ, lấy gì mà sống”.
Cách đó không xa, rẫy tiêu hơn 1 hecta của gia đình ông Y Hiên Niê, buôn Ea Kring cũng héo khô, trơ cành. Dưới cái nắng 38 độ, ông Y Hiên quệt mồ hôi, thở dài: "Mấy tháng trời không có lấy một giọt mưa. Nguồn nước tưới từ giếng, ao thì đều cạn trơ đáy. Vườn tiêu coi như “tiêu”. Giá tiêu có cao nhưng chắc sau đợt này tui phải nhổ bỏ hết để chuyển sang trồng cây khác”.
Có điều kiện kinh tế nên ngay từ đầu mùa khô, gia đình bà Lê Kim Liên (buôn Ea Púk, xã Ea Sô, huyện Ea Kar) đã ráo riết thuê người đào 2 giếng, khoan sâu hơn 100 mét lấy nước tưới và sinh hoạt. “Những năm trước, vào đợt cao điểm mùa hạn, cái giếng cũ thỉnh thoảng lại cạn nước. Việc dùng nước ăn uống, tắm rửa của cả nhà phải tằn tiện lại. Nhiều khi nước đục ngầu mà cũng đành phải xài vì không còn cách nào khác. Năm nay, may là nhà tui khoan giếng trước nên cũng đỡ khoản nước sinh hoạt, tưới tiêu. Nhưng, nắng nóng kéo dài như vầy, tui cũng phải dặn con cháu xài tiết kiệm” - bà Liên cho hay. Rẫy nhà bà chỉ hơn 1 hecta, trồng xen canh cây macca và sầu riêng. Macca là loài cây chịu được hạn nên gần như bà không phải tưới tiêu nhiều. Riêng cây sầu riêng lại rất cần nước. Từ khi cây bắt đầu trổ búp hoa, cứ vài ba hôm lại phải tưới một lần.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như nhà bà Liên. Nhiều hộ dân tốn vài chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng đào giếng khoan nhưng tốn tiền tốn của, rốt cuộc vẫn không có giọt nước nào. Nhà anh Nông Văn Thìn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn tốn gần 50 triệu khoan giếng sâu hơn 120 mét nhưng chỉ được một ít nước đục ngầu. Bấm bụng dùng được một tháng thì giếng cạn, gia đình anh đành xài ké nước nhà hàng xóm. “Xài chung nhưng bơm được 15 phút là hết nước. Tụi tui phải chờ sang ngày hôm sau mới bơm thêm được một ít”, anh Thìn kể khổ. Những vùng nước khan hiếm buộc bà con phải ưu tiên cho ăn uống, sinh hoạt. Còn cây trồng đành “sống chết mặc bay”.
Mùa khô ở Tây Nguyên đang vào giai đoạn khốc liệt khiến lưu lượng nước trên các sông suối, hồ thủy lợi suy giảm nghiêm trọng. Gục đầu bên bờ suối Đắk Sôr (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) lởm chởm đá nhọn như bãi chông, ông Lê Quang Lâm thất thần: “Mấy năm trước không có chuyện suối cạn. Vậy mà mới qua Tết, con suối trơ đáy. Vườn cà phê của tui chết sạch”. Tương tự, hồ thủy lợi Vụ Bổn ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc đã giảm xuống mực nước chết. Hồ chứa hơn 5 triệu mét khối nước nhưng hiện nay chỉ còn lại hơn 1 triệu mét khối. Lòng hồ lộ thiên, trơ đá sỏi. Mực nước giảm sâu khiến việc tưới tự chảy không đảm bảo cung cấp nước cho 200 hecta lúa nước đang kỳ làm đòng.
2. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có gần 800 công trình thủy lợi với tổng dung tích hồ chứa khoảng 650 triệu mét khối. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tình trạng biến đổi khí hậu, mùa khô năm nay được dự đoán gay gắt hơn mọi năm khiến cuộc chiến với hạn hán ngày càng khốc liệt. Tính đến thời điểm hiện nay dung tích các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh phổ biến đạt trên 48%, thấp hơn 5% so với trung bình nhiều năm và thấp hơn 9% so với năm 2023. Nếu tình hình nắng nóng kéo dài sẽ xảy ra hạn hán cục bộ tại các địa phương như huyện Cư Mgar, Ea Súp, Krông Pắc, Krông Bông, Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Búk, Krông Năng... với khoảng 8.000 hecta cây trồng các loại bị ảnh hưởng.
Ngoài Đắk Lắk, tình trạng hạn hán còn diễn ra gay gắt ở các tỉnh Tây Nguyên khác như như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum... khiến hàng trăm hecta cây trồng chết hạn, nông dân điêu đứng. Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên dự báo mùa mưa năm nay sẽ bắt đầu vào giữa tháng 5. Mưa có thể gián đoạn nên nguy cơ thiếu nước vẫn hiển hiện. Số liệu đo đạc cho thấy trong các tháng đầu năm 2024, lượng mưa phổ biến tại các tỉnh Tây Nguyên thấp hơn trung bình nhiều năm.
Để giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán gây ra, các địa phương vừa theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết vừa ráo riết triển khai các phương án chống hạn. Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Từ đầu năm, để ứng phó với nạn hạn hán, chúng tôi đã lên kế hoạch kiểm tra thực tế hồ đập thủy lợi ở các địa phương. Từ thực tế tình hình, chúng tôi đề xuất những giải pháp củng cố lại nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân”.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành phương án ứng phó thiên tai năm 2024, trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị hướng dẫn người dân chủ động tích trữ, sử dụng hiệu quả nguồn nước, ưu tiên sử dụng nguồn nước tại các sông suối trước, sau đó đến các ao hồ và nguồn nước tại các hồ chứa, công trình thủy lợi. Việc thi công các công trình thủy lợi lớn, trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ, đồng thời nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng, xuống cấp nhằm đáp ứng đủ nguồn nước, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trong đó việc điều tiết nguồn nước phù hợp, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả kết hợp với chuyển đổi cây trồng hoặc áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến với cây công nghiệp lâu năm đã được triển khai.
Thành công trong việc áp dụng giống cà phê chịu được hạn, ông Y Dhơn (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) không còn chịu cảnh “ngồi trên đống lửa” mỗi khi mùa khô về. Giống cà phê ghép TR4 và TR9 cho năng suất gấp đôi giống cà phê thực sinh (cây mọc từ hạt) mà không cần nhiều nước tưới, dễ dàng phục hồi sau mỗi đợt hạn. Còn ông Trần Văn Tuấn ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng thì áp dụng mô hình tưới tiết kiệm cho 2 hecta tiêu bằng hệ thống tự động. Ông chia sẻ: “Nước tưới tuy ít nhưng đảm bảo ngấm đều vào gốc. Chứ tưới dí như trước đây, nước xối mạnh dễ làm xói mòn đất và tỏa không đều”.
Đáng tiếc, những mô hình như thế vẫn chưa được nhân rộng để mùa hạn ở Tây Nguyên thôi đắng đót. Nỗi ám ảnh về những đồi rẫy chết héo vẫn đeo bám người nông dân chân lấm đất đỏ. Như đôi mắt tuyệt vọng của ông Hòa bên rẫy cà phê cháy nắng, như bờ vai run nức nở của ông Lâm trên dòng suối trơ đá sỏi...
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nuoc-mat-mua-han-i729243/