Nước mắt vợ hiền!

Câu chuyện người vợ già tảo tần hôm sớm bán khoai nuôi chồng lâm bệnh đã quen thuộc với người dân ở Khu dân cư Sông Hồng (khóm Tây Huề 2, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, An Giang) mấy tháng nay. Những ngày tới đây, người vợ ấy sẽ không biết làm thế nào trước gánh nặng nợ nần vì chi phí chạy chữa cho chồng còn nặng trĩu trên vai.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Cập và bà Nguyễn Thị Hợi

Hàng ngày, bà Nguyễn Thị Hợi thức dậy hì hục đẩy xe khoai đi bán khi gà chưa kịp gáy. Những vòng xe già nua và lặng lẽ hệt như cuộc sống của bà lúc bấy giờ! Từ ngày chồng bà là ông Nguyễn Văn Cập bị nhồi máu não phải nhập viện điều trị trong cơn “thập tử nhất sinh” đã hơn 5 tháng, bà Hợi hầu như không có lấy một ngày vui.

“Lúc ổng còn khỏe đi làm bảo vệ dân phố, thu nhập không nhiều nhưng gia đình cũng đỡ khổ. Hôm đó, ổng đi trực thì té quỵ. Anh em cơ quan dìu lên giường nằm nghỉ. Tới 3 giờ sáng, họ gọi ổng dậy thì thấy nằm cứng đơ. Người ta cho tôi hay tới chở đi bệnh viện thì bác sĩ nói đã quá muộn, nhưng “còn nước còn tát”! Nói thiệt, lúc đó tôi đã nghĩ tới chuyện hậu sự nhưng cũng ráng lo. May sao ổng dần hồi tỉnh. Sau 42 ngày nằm viện, gia đình phải tốn gần 150 triệu đồng viện phí dù chồng tôi có bảo hiểm y tế của bộ đội xuất ngũ” - bà Hợi kể.

Dù đã qua cơn nguy kịch nhưng ông Cập không còn như trước. Trí óc không được minh mẫn, chỉ quanh quẩn trong nhà, chuyện vệ sinh cá nhân cũng không tự lo được. Vì vậy, mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai người vợ tảo tần. Mỗi ngày, bà Hợi phải dậy lúc 11 giờ khuya để nấu khoai, đến 1 giờ sáng đẩy xe đi bán tới 10 giờ trưa rồi phải nhanh chóng về nhà chăm sóc chồng. Cơm nước xong, bà lại tất bật đi chợ mua khoai về lột vỏ đến chiều, đợi tối nấu để bán tiếp cho ngày hôm sau. Cuộc sống khắc khổ in hằn lên gương mặt của người phụ nữ ấy.

Khi tôi hỏi về chi phí lo bệnh cho ông Cập, bà Hợi thở dài. Gia đình vốn nghèo nên phải mượn nợ trả viện phí cho ông. Đến nay, bà còn nợ khoản tiền đến 46 triệu đồng phải đóng lãi hàng tháng. Bằng thu nhập ít ỏi từ xe bán khoai, bà Hợi khó lòng trang trải được số nợ này.

“Cô bác thương cho mình vay tiền lo bệnh cho chồng nên cỡ nào cũng ráng trả cho họ, nhưng không biết làm sao trả nổi tiền cho người ta. Đứa con trai làm phụ hồ gửi tiền về trả nợ tiếp nhưng chẳng thấm vào đâu. Đời tôi dù có nghèo nhưng chưa bao giờ rơi vào tình cảnh khốn cùng như bây giờ!” - bà Hợi nghẹn ngào.

Từ ngày ông Cập ngã bệnh, gia đình nhận được sự hỗ trợ của địa phương và các nhà hảo tâm về nhu yếu phẩm, tiền thuốc men nhưng vẫn không đủ trang trải cho khoản chi phí điều trị quá lớn. Mỗi đêm ngồi canh lửa nồi khoai, nhìn chồng nằm ngủ trong cơn bệnh mà bà Hợi xót xa cùng cực. Lại nghĩ đến khoản nợ kia, nước mắt bà chảy dài theo từng bước chân nặng nhọc trong màn đêm cô tịch.

Khi được hỏi liệu có khả năng trả nợ không, người phụ ấy không nói được lời nào. Đôi mắt của bà đỏ hoe, chất chứa bao nỗi buồn đau, tủi cực. Trong gian nhà nhỏ, không khí trở nên trầm lặng, với giọng nói nghẹn ngào của bà Hợi và những cử chỉ vô thức của người chồng nằm trên giường bệnh. “Giờ tôi chỉ mong được các nhà hảo tâm thương giúp đỡ. Nói thật, tôi chỉ ráng làm để kiếm đồng nào hay đồng nấy, chứ không biết làm sao trả nợ cho người ta!” - bà Hợi nghẹn ngào.

Tôi tạm biệt đôi vợ chồng nghèo khó ấy mà vẫn không quên dúi vào tay bà Hợi chút lòng thành của mình. Khi tôi ra cửa, ông Cập còn nhìn theo bập bẹ 2 tiếng “cám ơn” một cách khó nhọc. Có lẽ, để ông nói trở lại 2 từ đơn giản đó bà Hợi phải đánh đổi bằng rất nhiều nước mắt!

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn- Chi nhánh An Giang.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nuoc-mat-vo-hien--a293829.html