Nước Mỹ đã ghi nhận hơn 900.000 ca tử vong vì COVID-19

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho một phụ nữ tại San Antonio, Texas, Mỹ, ngày 9/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn số liệu ngày 4/2 của Đại học John Hopkins cho thấy nước Mỹ ghi nhận hơn 900.000 ca tử vong do đại dịch COVID-19, chiếm 15,7% tổng số ca tử vong toàn cầu.

Theo một số so sánh, số người tử vong do COVID-19 hiện cao hơn số người Mỹ chết vì bệnh tim hoặc ung thư trong năm 2020, và tương ứng với dân số của TP Columbus, bang Ohio.

Theo phân tích dữ liệu từ Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, có khoảng 8,1 triệu thành viên các gia đình rơi vào cảnh mất người thân do đại dịch COVID-19 và khoảng 300 nghìn người Mỹ tử vong kể từ khi biến thể Delta và Omicron xuất hiện tại quốc gia này vào mùa hè 2021.

Tỉ lệ tử vong do COVID-19 tại Mỹ cao nhất ở bang Mississippi và thấp nhất ở bang Hawaii. Nhìn chung, hơn 1/5 người ở Mỹ đã bị nhiễm COVID-19, với hơn 76 triệu trường hợp được báo cáo kể từ khi bắt đầu đại dịch. Các nhóm chủng tộc và dân tộc thiểu số tại Mỹ cũng phải đối mặt với nguy cơ dương tính ngày càng tăng, làm gia tăng số ca nhập viện và tử vong do COVID-19. Khả năng tử vong do COVID-19 đối với người Mỹ gốc Phi, châu Á, Mỹ Latin và thổ dân Mỹ cao hơn người da trắng từ 1 đến 2 lần.

Mặc dù đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát tại quốc gia này, với trung bình 415 nghìn ca dương tính, 2300 ca tử vong mỗi ngày cùng 120.000 bệnh nhân đang phải điều trị tại viện, hiện vẫn còn khoảng 62 triệu người Mỹ đủ điều kiện chưa chủng ngừa, trong khi 84 triệu người khác vẫn chưa tiêm mũi vắc xin nhắc lại.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính rằng số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ cao hơn khoảng 32% so với báo cáo từ tháng 2/2020 đến tháng 9/2021. Theo dữ liệu mới nhất của CDC, những người trưởng thành chưa được tiêm chủng có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn 97 lần so với những người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ và tiêm liều tăng cường.

Đáng chú ý, nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn đáng kể đối với những người lớn tuổi, với 76% số người chết vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu thuộc nhóm tuổi từ 65 tuổi trở lên, bao gồm hơn 28% số người chết nằm trong nhóm tuổi từ 85 trở lên.

Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid, khoảng 150.000 cư dân và nhân viên viện dưỡng lão đã chết vì COVID-19, chiếm khoảng 15% tổng số ca tử vong do tại Mỹ. Trên toàn cầu, cũng theo dữ liệu của Johns Hopkins, hơn 5,7 triệu trường hợp tử vong do COVID-19 đã được báo cáo.

Tại Canada, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC), Tiến sĩ Theresa Tam ngày 4/2 nhấn mạnh Canada cần phải tìm cách tiếp cận "bền vững" hơn để đối phó với đại dịch COVID-19 và các biến thể trong tương lai của virus SARS-CoV-2.

Theo bà Theresa Tam, tất cả các chính sách y tế công cộng hiện hành, bao gồm cả hộ chiếu vắc xin của các tỉnh bang, cần được "xem xét lại" trong những tuần tới vì rõ ràng Canada và các nước trên thế giới sẽ phải vật lộn với loại virus này trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới.

Cơ quan Y tế Công cộng Canada đang trao đổi ý kiến với các đối tác ở các tỉnh bang và vùng lãnh thổ để tìm ra cách tiếp cận mới. Theo bà, các nỗ lực của Canada nên tập trung vào việc ngăn ngừa các ca nhiễm COVID-19 thể nặng thông qua tiêm chủng, thay vì ngăn chặn tất cả các ca nhiễm mới của loại virus có khả năng lây truyền cao này.

Theo tiến sĩ Tam, hai mũi đầu tiên của vắc xin mặc dù không bảo vệ hoàn toàn chống lại nguy cơ nhiễm biến thể Omicron, nhưng vẫn cung cấp "khả năng bảo vệ tốt" chống lại nguy cơ phải nhập viện và tử vong.

Bà Tam cho biết thêm, mũi tiêm thứ ba cung cấp "khả năng bảo vệ vượt trội", giúp giảm đáng kể nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng. Mũi tiêm thứ ba cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm virus. Tiến sĩ Tam cho biết ưu tiên của Canada là triển khai càng nhiều mũi tiêm tăng cường càng tốt. Nhưng chiến dịch tiêm chủng đã bị đình trệ, khi chỉ 50% số người đủ điều kiện tiêm nhắc lại đã tiêm mũi thứ ba.

Trong bối cảnh vắc xin được cung cấp rộng rãi và các liệu pháp điều trị đầy hứa hẹn như thuốc Paxlovid của Pfizer bắt đầu được sự dụng, cùng với mức độ miễn dịch tự nhiên cao hơn sau làn sóng Omicron, bà Tam "lạc quan" rằng Canada có thể tìm được sự cân bằng tốt hơn giữa việc chống lại COVID-19 và để người dân trở lại cuộc sống bình thường hơn.

Hiện hệ thống chăm sóc y tế của Canada vẫn đang trong tình trạng căng thẳng. Vẫn có hơn 10.000 người đang được điều trị tại các bệnh viện, với 1.100 ca tại các đơn vị điều trị tích cực (ICU). Canada đang phải chứng kiến khoảng 140 người tử vong mỗi ngày vì COVID-19.

Ngày 4/2, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã ký ban hành luật bắt buộc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đối với người trưởng thành, qua đó đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng quy định nghiêm khắc này.

Luật áp dụng với tất cả người lớn, trừ phụ nữ mang thai và những người được miễn trừ vì lý do y tế. Sau giai đoạn “giới thiệu” luật, những người không tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có thể bị phạt đến 3.600 euro (4.100 USD) vào giữa tháng 3 tới.

Hàng chục nghìn người Áo đã tham gia những cuộc biểu tình đều đặn vào cuối tuần trên cả nước kể từ khi luật trên mới còn là dự luật được đưa ra thảo luận hồi tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên dự luật đã nhận được sự ủng hộ chính trị rộng rãi của hầu hết các đảng trong Quốc hội, trừ một số nhóm cực hữu.

Hiện đã có 69% người Áo hoặc người thường trú tại nước này có giấy chứng nhận tiêm đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19, bao gồm cả mũi tăng cường cho những người tiêm mũi gần nhất trước đó hơn 6 tháng.

Hiện mới chỉ có một số ít nước áp dụng quy định bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19, trong đó có Ecuador, Tajikistan, Turkmenistan, Indonesia và Micronesia.

Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết hiện đang đề xuất gia hạn một năm quy định về chứng chỉ kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) về COVID-19 để công cụ chung này vẫn có thể được sử dụng cho đến tháng 6/2023.

Do đó, EU vẫn có kế hoạch sử dụng giấy chứng nhận an toàn với virus corona trong một thời gian. Đề xuất gia hạn này của EC vẫn cần nhận được sự đồng thuật của Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên.

Ngoài ra, EC cũng đề xuất điều chỉnh một chút về văn bản. Một trong những biện pháp thích ứng là mở rộng phạm vi các xét nghiệm sàng lọc được chấp nhận, bao gồm cả các xét nghiệm kháng nguyên của các hãng dược phẩm chất lượng cao.

Hiện tại, chỉ các xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (chẳng hạn như xét nghiệm PCR) được công nhận là hợp lệ ở mọi nơi, thông qua chứng chỉ kỹ thuật số COVID. Các quốc gia thành viên có thể chọn việc chấp nhận hay không một số xét nghiệm kháng nguyên nhanh như là bằng chứng hợp lệ về sự an toàn của chủ thể.

Chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU đã được giới thiệu vào mùa Xuân năm 2021 để tạo điều kiện thuận lợi và hài hòa cho việc nối lại các chuyến du lịch khắp EU. Mã QR, được in trên giấy hoặc được tải về điện thoại thông minh, cung cấp thông tin về tình trạng tiêm chủng của một người, kết quả của xét nghiệm sàng lọc gần đây hoặc sự phục hồi của họ sau khi nhiễm virus corona.

Nguyên tắc của nó là cung cấp thông tin có thể đọc được và được công nhận ở mọi nơi trong EU, các ứng dụng quốc gia khác nhau được kết nối với nhau. Trong khi EU phát triển các quy tắc để xác định những gì chứng chỉ có thể chứng minh, và cách nó nên được sử dụng cho việc đi lại giữa các quốc gia thành viên, EU không can thiệp vào việc sử dụng nội bộ, chẳng hạn nhiều quốc gia châu Âu coi chứng nhận COVID như điều kiện để vào nhà hàng.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270557/nuoc-my-da-ghi-nhan-hon-900-000-ca-tu-vong-vi-covid-19.html