Nước Mỹ dậy sóng sau khi ông Trump đổ lỗi điện gió hại chết cá voi
Những tuyên bố của cựu Tổng thống Donald Trump về việc điện gió ngoài khơi đe dọa cá voi, đã nổi lên như một điểm nóng trong cuộc chiến về tương lai của năng lượng tái tạo.
Hồi tháng 10, ông Trump tuyên bố: “Tua-bin gió đang khiến cá voi chết với số lượng chưa từng thấy trước đây. Chúng dạt vào bờ biển. Tôi đã chứng kiến cảnh này hồi cuối tuần, có ba con đã dạt vào. Quý vị không thường thấy cảnh này mỗi năm một lần. Bây giờ hiện tượng này xuất hiện hằng tuần”.
AP vừa qua đã có bài phản pháo với tuyên bố của ông Trump. AP dẫn lời các chuyên gia cho biết không có bằng chứng nào cho thấy việc xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi Đại Tây Dương đã trực tiếp dẫn đến cái chết của bất kỳ con cá voi nào.
Tin điện gió hại chết cá voi bắt đầu lan truyền sau năm 2016, khi người ta phát hiện một số lượng bất thường cá voi chết hoặc mắc cạn trên các bãi biển ở New England mà AP khẳng định đó là hiện tượng có từ trước khi xây dựng trang trại gió lớn ngoài khơi (vốn bắt mới đầu vào năm nay ở New England).
Aaron Rice, nhà sinh vật học tại Đại học Cornell, cho biết: “Với việc cá voi mắc cạn dọc theo vùng đông bắc vào đầu năm nay ở những nơi như New Jersey, thực tế là nguyên nhân không phải do trang trại điện gió ngoài khơi”.
Khi trả lời các câu hỏi về việc cá voi mắc cạn vào đầu năm nay, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia đã báo cáo rằng khoảng 40% xác cá voi được gom có bằng chứng cho thấy chúng chết do vướng vào ngư cụ hoặc do va chạm với tàu. Những trường hợp khác không rõ nguyên nhân cụ thể.
Ở châu Âu, điện gió ngoài khơi đã được phát triển trong hơn ba thập niên. Suốt quãng thời gian này, các cơ quan chức năng cũng chưa tìm thấy mối liên hệ nhân quả giữa các trang trại điện gió và tai nạn của cá voi.
Trong khi đó, các nhà khoa học Mỹ đang thu thập dữ liệu gần các trang trại gió ngoài khơi để theo dõi mọi tác động có thể xảy ra với cá voi, chẳng hạn như thay đổi hành vi hoặc thay đổi tuyến đường di cư.
Doug Nowacek, nhà sinh vật học tại Đại học Duke, người tham gia việc đặt thiết bị theo dõi cá voi ngoài khơi Massachusetts trong chương trình kéo dài 5 năm do liên bang tài trợ, cho biết nghiên cứu này vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ. Do vậy, Nowacek chưa thể khẳng định nguyên nhân xác cá voi trôi dạt bờ là vì điều gì.
Mặc dù nguyên nhân chính xác của hầu hết các vụ cá voi mắc cạn dọc bờ đông nước Mỹ gần đây vẫn chưa được sáng tỏ, nhưng có thể khẳng định cá voi đang phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm từ các hoạt động của con người.
Theo các nhà khoa học và cả chính quyền liên bang, mối đe dọa lớn nhất với cá voi là va chạm vào tàu và vướng vào ngư cụ. Họ nói rằng ô nhiễm tiếng ồn dưới nước chính là mối lo ngại nhất vì nó khiến cá voi bị mất phương hướng khi loài này định vị phương hướng bằng sóng âm.
Kể từ năm 2016, cá voi lưng gù đã chết với tỉ lệ ngày càng cao - chính phủ liên bang gọi đây là “sự kiện tử vong bất thường”. Loài cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương vốn cực hiếm, cả thế giới chỉ còn ít hơn 360 con, cũng đang trải qua sự kiện tử vong bất thường.
Theo báo cáo, trong 1 năm qua, đã có 83 con cá voi đã chết ngoài khơi bờ đông. Khoảng một nửa là cá voi lưng gù tử vong ở khu vực nằm giữa Massachusetts và Bắc Carolina. Trong đó còn có hai con cá voi đầu bò tử vong ở Bắc Carolina và Virginia.
Luật liên bang đặt ra các giới hạn đối với âm thanh do con người tạo ra dưới nước kể cả với tiếng ồn liên tục lẫn tiếng nổ đột ngột trong thời gian ngắn. Các dự án xây dựng trên biển phải tìm cách giảm tác động có thể xảy ra đối với các loài động vật có vú ngoài đại dương, gồm cả việc tạm dừng xây dựng trong mùa di cư, sử dụng “rèm bong bóng” để ngăn âm thanh từ hoạt động đóng cọc. Thậm chí, các dự án còn phải bố trí những người có chuyên môn dùng ống nhòm để cảnh báo khi phát hiện ra các loài động vật có vú ngoài khơi.
Một tiếng nói phản đối mạnh mẽ điện gió ngoài khơi là Heritage Foundation, một tổ chức có trụ sở tại Washington D.C. Bà Diana Furchtgott-Roth, giám đốc trung tâm năng lượng, khí hậu và môi trường của Heritage Foundation, đã viết vào tháng 11 rằng dự án gió ở New Jersey của công ty Ørsted là “khó coi” và là mối đe dọa đối với động vật hoang dã. Bà Furchtgott-Roth khẳng định: “Cá voi và các loài chim… sẽ được hưởng lợi nếu trang trại gió ngoài khơi bị bứng đi”.
Viện Heartland, một nhóm chính sách công khác, cũng đã phản đối các dự án gió ngoài khơi. H. Sterling Burnett, giám đốc Trung tâm Chính sách Khí hậu và Môi trường Arthur B. Robinson thuộc Viện Heartland, cho biết các dự án điện gió chỉ phải chịu những hạn chế pháp lý lỏng lẻo chứ không chặt chẽ như các dự án nhiên liệu hóa thạch. Burnett nói: “Chúng tôi nghĩ rằng nó nên phải tuân theo tiêu chuẩn giống như bất kỳ dự án dầu khí nào”.
Các nhóm chống điện gió khác ở địa phương cũng lên tiếng phản đối các dự án mà họ cảm thấy gây nguy hiểm cho cảnh quan, các ngành công nghiệp ven biển và hoạt động giải trí tại chỗ của mình.