Nước Mỹ hậu FIFA Club World Cup
Ngày 11-7-2025, thế giới thể thao chứng kiến một bước ngoặt đầy kịch tính tại Mỹ. FIFA vừa công bố việc đặt văn phòng tại cao ốc Trump Tower, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tham dự trận chung kết FIFA Club World Cup. Đây là một chiến thắng lớn cho bóng đá, môn thể thao từng bị coi là 'không chất Mỹ'.

Tuy nhiên, với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Mỹ dường như đang trở thành một nước chủ nhà miễn cưỡng, nơi các VĐV và người hâm mộ quốc tế phải đối mặt với những rào cản không mong muốn tại quốc gia sẽ tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ như World Cup 2026 và Thế vận hội 2028.
Trong hơn một thế kỷ, thể thao Mỹ đã xây dựng một bản sắc độc đáo, tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới. Bóng chày, bóng bầu dục và bóng rổ - bộ ba “thánh thần” của thể thao Mỹ - được tạo dựng với những câu chuyện nguồn gốc đầy tự hào, phủ nhận mọi sự liên hệ với cricket, rugby hay bất kỳ môn thể thao nào khác. Với người Mỹ, việc chơi “trò chơi của người khác” dường như là điều không cần thiết. Văn hóa thể thao của Mỹ, được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa biệt lập, đã tạo ra một niềm tự hào dân tộc mãnh liệt. Bóng đá, môn thể thao vua của thế giới, từng bị xem là “không phải Mỹ”. Tuy nhiên, sức mạnh thương mại của Mỹ đã thay đổi cục diện. World Cup 1994, dù không làm người dân địa phương “phát cuồng”, vẫn là một thành công tài chính vang dội. Sức hút của đồng đô la đã khiến các môn thể thao toàn cầu, từ cricket đến Công thức 1, không ngừng tìm cách chinh phục thị trường Mỹ.
Liên đoàn Cricket Quốc tế (ICC) đã ra mắt “Dự án Mỹ” từ năm 2004, trải qua nhiều thất bại trước khi đạt được bước tiến với World Cup 2024, tạo ra doanh thu 1,15 tỷ USD. Công thức 1 cũng không hề kém cạnh, với ba chặng đua tại Mỹ, cùng loạt phim ăn khách trên truyền hình Netflix và một bộ phim bom tấn có sự góp mặt của ngôi sao điện ảnh Brad Pitt. Một cuộc khảo sát toàn cầu gần đây của F1 cho thấy, họ có 52 triệu người hâm mộ tại Mỹ, tăng 10% so với năm 2024, với mức độ tương tác cao hơn bất kỳ khu vực nào khác. Tuy nhiên, khi các môn thể thao quốc tế cuối cùng đặt chân lên sân khấu Mỹ, họ phải đối mặt với một thực tế phũ phàng: một vị tổng thống không mấy mặn mà với "phần còn lại của thế giới". Ông Trump hứa hẹn rằng World Cup 2026, đồng tổ chức với Mexico và Canada, sẽ là “giải đấu bóng đá lớn nhất, an toàn nhất và phi thường nhất trong lịch sử”. Nhưng lời hứa này dường như mâu thuẫn với các chính sách của ông. Những mức thuế nặng nề áp lên Mexico, lời đe dọa “sáp nhập” Canada, và các lệnh cấm nhập cảnh mở rộng đã khiến người hâm mộ từ các quốc gia như Iran không thể đến Mỹ cổ vũ đội bóng của mình. Các VĐV cũng chịu chung số phận: đội bóng chuyền nữ Cuba bị từ chối nhập cảnh vào Puerto Rico, nhà vô địch bóng bàn Brazil không được cấp visa cho giải US Smash, và đội bóng rổ nữ Senegal phải chuyển trại huấn luyện của mình. Những rào cản này không chỉ gây khó khăn cho các nhà tổ chức mà còn làm lu mờ tinh thần đoàn kết toàn cầu của thể thao. Đặc biệt, Thế vận hội Los Angeles 2028, biểu tượng của sự hòa hợp, nơi các quốc gia cùng nhau thi đấu dưới một mái nhà chung, đang đứng trước nguy cơ không được chào đón.
Mỹ từ lâu đã là miền đất hứa của thể thao toàn cầu, không chỉ vì thị trường khổng lồ mà còn vì tầm ảnh hưởng văn hóa không gì sánh bằng. Một môn thể thao chỉ thực sự được coi là “toàn cầu” khi nó chinh phục được nước Mỹ. Nhưng giờ đây, khi Mỹ đang thu mình lại, rút khỏi sân khấu thế giới, các môn thể thao phải đối mặt với một nghịch lý. Họ đã chi hàng tỷ đô la để có được “tấm vé” tham dự bữa tiệc Mỹ, chỉ để phát hiện ra rằng chủ nhà không thực sự chào đón họ. Trong 3 năm tới, Mỹ sẽ tổ chức những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, từ World Cup 2026 đến Olympic 2028. Những động thái của Tổng thống Donald Trump ở Club World Cup có thể là một chỉ dấu, thể thao toàn cầu sẽ mơ về một nước Mỹ cởi mở, nơi họ có thể tỏa sáng dưới ánh hào quang của văn hóa Mỹ. Nhưng giấc mơ đó đang bị thử thách bởi một thực tại khắc nghiệt, bởi dưới thời ông Donald Trump, mọi thứ sẽ “lớn lao, đẹp đẽ”, nhưng không hề dễ dàng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nuoc-my-hau-fifa-club-world-cup-post803558.html