Nước Mỹ ngoài giấc mơ Mỹ của Ocean Vương
Tiểu thuyết mới của nhà văn, nhà thơ người Mỹ gốc Việt vừa ra mắt hôm 13/5, tiếp tục là một sáng tác hư cấu mang nhiều màu sắc tự truyện.

Ocean Vương. Ảnh: theatlantic.
The Emperor of Gladness xoay quanh một người nhập cư gốc Việt trẻ tuổi tên Hải và một phụ nữ Litva 82 tuổi tên Grazina mắc chứng sa sút trí tuệ. Hải cuối cùng trở thành người chăm sóc cho bà.
Trong phỏng vấn với The New York Times, Ocean Vương kể về trải nghiệm có thực đã tạo nên chất liệu cuốn sách: Sau khi Ocean Vương bỏ học ngành kinh doanh ở Đại học Pace, đang lúc lang thang thì một người bạn ngỏ lời mời anh đến sống với người bà đang bị bệnh của mình. Ocean đã ở đó hai năm rưỡi và giúp chăm sóc bà. Mối quan hệ giữa anh và người bạn ngày một thân thiết, họ dần trở thành một gia đình.
Chuyện nước Mỹ ngoài giấc mơ Mỹ
Cuộc đời của Ocean Vuong giống một truyện cổ tích thời hiện đại trong bối cảnh nước Mỹ. Năm 1990, anh và mẹ đến Mỹ. Ở thị trấn nhỏ Connecticut, gia đình anh vật lộn kiếm sống bằng những công việc bấp bênh trả lương bèo bọt; chịu cách biệt về văn hóa. Vương kẹt bên lề xã hội, cho đến khi anh khám phá ra văn học và năng khiếu viết lách của mình.
Hiện tại, Ocean Vương thuộc số những nhà thơ danh tiếng nhất nước Mỹ. Tập thơ Trời đêm những vết thương xuyên thấu (2016) của anh được trao giải TS Eliot và giải Whites Award. Anh giành Học bổng MacArthur danh giá (còn được gọi là "khoản tài trợ thiên tài") năm 2019; hiện là giáo sư chính thức tại khoa sáng tác văn học tại Đại học New York.
Tiểu thuyết đầu tay của anh Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (2019) trở thành cuốn sách bán chạy và theo thời gian, được xem là tác phẩm kinh điển đích thực của thế hệ millennial. Sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và A24 mua bản quyền để chuyển thể thành phim. Bằng ấy tiếng tăm, mà anh mới chỉ bước sang tuổi 36.
Tiểu thuyết mới của anh, The Emperor of Gladness, xuất bản vào ngày 13/5, dày hơn 400 trang, quy tụ dàn nhân vật đông đảo với nhiều chi tiết hài hước, đề cập đến công việc ở tiệm thức ăn nhanh, chăm sóc người già và nhịp sống bất di dịch của hầu hết người Mỹ. Nhà báo David Marchese nhận định rằng theo mọi khía cạnh, Emperor lớp lang và nhiều chiều sâu hơn cuốn tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vương.

Tiểu thuyết mới của Ocean Vương The Emperor of Gladness ra mắt ngày 13/5. Sách đã được Nhã Nam mua bản quyền phát hành tiếng Việt.
Trong cuộc phỏng vấn, Ocean Vương tâm sự về trải nghiệm làm việc tại các cửa hàng thức ăn nhanh đã góp phần tạo nên chất liệu cho cuốn sách. Lúc đó anh sống trong một nơi do Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị Mỹ cấp, nơi chỉ dành cho những gia đình thu nhập thấp hơn một mức nhất định mới được ở.
Mùa hè, anh làm việc tại một trang trại thuốc lá, với mức lương 9,5 đôla, không bị chính phủ ngó ngàng tới. Vì nỗi ám ảnh "Đừng kiếm quá nhiều tiền, bằng không ta sẽ phải ra đường" mà anh đến làm ở Boston Market, "trải nghiệm giúp mở mang tầm mắt về cuộc sống Mỹ", anh nói.
Tại đây, Ocean Vương học được về thế giới của những gia đình lao động tạo thành một phần lớn của nước Mỹ: Qua thời gian, người ta nhận biết nhau qua tiếng ho, qua mùi mồ hôi. Khoảng cách càng thu hẹp hơn trên chiếc xe buýt ken kín.
Nhưng ai nấy đều hiểu rõ: Đấy không phải lối thoát. Quản lý nhận mức lương 13-15 đôla. Nhân viên như Ocean Vương nhận 7,15 đôla. Nhưng những gì quản lý chịu đựng khiến các nhân viên không mặn mà gì chuyện lên chức.
"Cửa hàng thức ăn nhanh làm lu mờ nhân tính của những người lao động, bởi ai cũng khoác lên mình cùng một bộ đồng phục. Tài sản quý giá nhất là đôi tay, chứ không phải nhân cách của bạn".
Ocean Vương
"Cửa hàng thức ăn nhanh làm lu mờ nhân tính của những người lao động, bởi ai cũng khoác lên mình cùng một bộ đồng phục. Tài sản quý giá nhất là đôi tay, chứ không phải nhân cách của bạn". Ocean Vương thuật lại khoảnh khắc đứng cùng đồng nghiệp của mình lau chiếc tủ lạnh 2 mét, ông đột nhiên tâm sự: “Đây là điều tôi không bao giờ có thể nói với vợ mình. Tôi có ba đứa con trai, nhưng tôi chỉ yêu mỗi một đứa mà thôi”.
Nền văn hóa Mỹ đã luôn tràn ngập những "đại tự sự" về hành trình vươn lên, phát triển. Ocean Vương tự hỏi liệu anh có thể viết một cuốn sách không theo mô típ được hay chăng, vì đó mới là điều anh quan sát thấy trong cộng đồng của mình: Anh trai anh làm ở Dick's Sporting Goods cả đời. Cha dượng anh làm việc tại một công ty phụ tùng ôtô trong 25 năm, đều đặn từ 3 giờ chiều đến 12 giờ đêm mỗi ngày.
Ocean Vương từng muốn đi tu
Khi được hỏi vì sao lại trở thành nhà văn, Ocean Vương từng chọn cách đưa ra câu trả lời có vẻ hợp lý: Anh thử học kinh doanh vì muốn phụ giúp mẹ, nhưng không làm được nên chuyển qua học Ngữ văn Anh, rồi sau đó trở thành nhà văn. Nhưng đối với anh, có một sự kiện khác khiến anh "liễu ngộ" rằng "mong muốn trở thành nhà văn có lẽ bắt đầu từ mong muốn dấn thân để thấu hiểu khổ đau".
Năm 15 tuổi, có lần anh đã toan giết một người. Anh làm việc ở trang trại thuốc lá, ngày ngày đạp xe 5 dặm tới chỗ làm. Ngày nọ từ trong phòng nhìn ra cửa sổ anh thấy có người đã lấy trộm xe đạp của mình, một người sống cùng khu, một kẻ buôn ma túy. Cậu bé 15 tuổi lao ra liền bị kẻ cắp đuổi đi.
"Tôi băng qua đường tới nhà bạn mình, Big Joe. Tôi gõ cửa sổ. Tôi nhớ mình đã đặt cả hai tay lên bệ cửa. Tôi không mặc áo. Đầm đìa mồ hôi, giận dữ, tôi nói, 'Làm ơn cho tớ mượn súng của cậu'". Kể đến đây, Ocean Vương bật khóc. Bạn anh lúc ấy đáp: "Ocean, không được đâu. Cậu phải về nhà đi".
Ocean Vương nghĩ mình đã được tha thứ chính nhờ satori của Big Joe - anh giải thích là "chốc thoáng qua" mà người theo đạo Phật cho phép cái hiểu biết đó thay đổi cuộc đời mình. Một tuần sau đó, Oean Vương khởi sự lui tới đến thư viện công cộng cùng bà mình. Anh bắt đầu đọc sách Phật giáo. Anh quan tâm đến việc hiểu về khổ đau, ấn tượng với Tứ diệu đế, mở đầu "Đây là khổ" (Khổ đế).
Khi ấy Ocean Vương muốn đi tu, còn cố vấn hướng nghiệp lại thuyết phục anh vào cao đẳng cộng đồng. Tiết học đầu tiên về Baldwin, Annie Dillard, Foucault. Anh ngộ ra rằng "viết lách không phải là soạn một email chỉn chu đi xin việc. Đó là phương tiện để thấu hiểu khổ đau". Bước ngoặt đến với Ocean Vương từ đó. "Viết lách đã trở thành phương tiện giúp tôi nỗ lực nhằm hiểu được bản chất của lòng tốt", anh nói.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nuoc-my-ngoai-giac-mo-my-cua-ocean-vuong-post1552056.html