Nước Mỹ tranh cãi khi ông Trump bán chip cho UAE
Trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Đông kể từ khi tái nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump biến vùng Vịnh Ba Tư – trở thành trung tâm tiềm năng của AI.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các phái viên từ Thung lũng Silicon thúc đẩy nhiều thỏa thuận lớn ở Trung Đông, biến vùng Vịnh Ba Tư – vốn từng là “người mới” trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo – trở thành một trung tâm tiềm năng của công nghệ này.
Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để cung cấp hàng trăm nghìn chip AI tiên tiến từ Nvidia mỗi năm, phần lớn dành cho các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ. Khoảng 100.000 chip sẽ được chuyển cho G42 – công ty AI hàng đầu của UAE. Song song đó, Mỹ cũng đã ký các thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD để bán chip Nvidia và AMD cho Ả Rập Xê-út và đang đàm phán về một hợp đồng AI lớn hơn nữa với quốc gia này.
Chính quyền Trump công bố các thỏa thuận này hôm 15/5, cùng với kế hoạch xây dựng một khuôn viên AI tại Abu Dhabi với công suất điện lên tới 5 gigawatt – dự án lớn nhất ngoài lãnh thổ Mỹ. Mục tiêu là phục vụ khách hàng tại châu Phi, châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, chi tiết về các lô chip không được tiết lộ và vẫn có khả năng thay đổi.

Trong chuyến công du ngoại giao lớn đầu tiên ra nước ngoài của Tổng thống Trump, bao gồm chuyến thăm Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, ông đã thể hiện sự quan tâm của một người theo chủ nghĩa toàn cầu trong việc xuất khẩu AI. (Ảnh: NYTimes)
Tranh cãi ở Mỹ
Những thỏa thuận gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ chính quyền Mỹ. Nhiều quan chức và cựu quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp kiểm soát công nghệ có thể không đủ mạnh để ngăn chặn khả năng công nghệ lọt vào tay Trung Quốc – đặc biệt khi G42 từng có liên hệ với Bắc Kinh. Một số cảnh báo rằng nếu xu hướng này tiếp diễn, những trung tâm đào tạo AI lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới có thể không còn nằm tại Mỹ mà sẽ chuyển sang Trung Đông.
Mối lo ngại càng sâu sắc khi các thương vụ này do hai cố vấn AI hàng đầu của Trump – David Sacks và Sriram Krishnan – đứng sau thương lượng. Cả hai đều là các nhà đầu tư công nghệ kỳ cựu và tin rằng việc mở rộng mạng lưới hợp tác toàn cầu sẽ củng cố vị thế của các công ty Mỹ trong cuộc đua AI.
Ông Krishnan nói: "Chúng tôi muốn AI Mỹ lan tỏa toàn cầu".
Tuy nhiên, các chỉ trích từ phe “Nước Mỹ Trước tiên” (America First) cho rằng chính quyền đang tự mâu thuẫn. Ông Trump vốn chỉ trích mạnh mẽ việc ngành công nghiệp Mỹ bị chuyển ra nước ngoài và áp thuế cao để khôi phục sản xuất trong nước. Nhưng giờ đây, ông lại khuyến khích việc xuất khẩu công nghệ AI chiến lược sang Trung Đông – nơi ông và gia đình có nhiều mối quan hệ tài chính. Theo báo cáo, chỉ riêng tháng vừa qua, các doanh nghiệp của ông Trump nhận khoảng 2 tỷ USD đầu tư từ Trung Đông, bao gồm một thương vụ tiền mã hóa được Ả Rập Xê-út hậu thuẫn và kế hoạch mua chuyên cơ mới từ Qatar.
Đầu tư hay đánh mất vị thế chiến lược?
Chính quyền Trump lập luận rằng Mỹ không thể một mình đáp ứng nhu cầu xây dựng trung tâm dữ liệu toàn cầu, nhất là khi nước này đang gặp khó khăn về năng lượng và cấp phép xây dựng. Các nước vùng Vịnh, giàu tài nguyên dầu khí, lại có khả năng xây dựng nhanh các trung tâm lớn. Một trung tâm dữ liệu ở Mỹ hiện chỉ có thể hỗ trợ khoảng 25.000 chip AI của Nvidia; trong khi các dự án ở UAE hay Ả Rập Xê-út có thể hỗ trợ tới 100.000 chip trở lên.
Một quan chức cấp cao cho biết nếu Mỹ tiếp tục ngăn UAE tiếp cận công nghệ, nước này có thể chuyển sang sử dụng chip AI của Trung Quốc. Do đó, các đối tác vùng Vịnh cam kết sẽ cung cấp bảo đảm an ninh, cho phép Mỹ kiểm soát vị trí và cách sử dụng chip. Hơn nữa, UAE đã đồng ý rằng mỗi trung tâm dữ liệu họ xây cho công ty Mỹ ở Trung Đông sẽ đi kèm với khoản đầu tư tương ứng vào một trung tâm tại Mỹ.

Các quốc gia trên thế giới xếp hàng để mua chip Nvidia và ký kết thỏa thuận với A.I. của Mỹ. (Ảnh: NY Times)
Tuy nhiên, những biện pháp trên chưa đủ để xoa dịu chỉ trích. Một quan chức trong chính quyền cảnh báo rằng việc phê duyệt hợp tác với G42 có thể khiến trung tâm đào tạo AI mạnh nhất thế giới năm 2029 không nằm ở California mà ở Abu Dhabi. Các nhà phê bình cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc đánh mất hàng ngàn việc làm xây dựng, giảm thu thuế địa phương và mất kiểm soát đối với lợi ích kinh tế – quân sự từ AI.
Jimmy Goodrich, cố vấn cao cấp tại RAND, gọi việc xây dựng hạ tầng AI ở Trung Đông là “đường tắt dễ dãi”, và cảnh báo Mỹ không nên lặp lại sai lầm như khi để mất ngành công nghiệp năng lượng. “Chúng ta từng chứng kiến kịch bản này, và không nên để nó tái diễn".
Sam Winter-Levy, học giả tại Viện Carnegie, cũng đặt câu hỏi: “Tại sao lại chuyển hạ tầng cho công nghệ trọng yếu của tương lai ra nước ngoài? Đó có phải là cách làm phù hợp với chính sách 'Nước Mỹ Trước tiên' không?”
Cân bằng lợi ích hay từ bỏ vị thế?
Cuộc tranh luận hiện nay cho thấy sự mâu thuẫn giữa tham vọng toàn cầu hóa ngành công nghệ Mỹ và nỗ lực phục hồi sản xuất trong nước. Các thỏa thuận chip có thể mang lại lợi nhuận ngắn hạn và giúp công nghệ Mỹ mở rộng thị phần quốc tế. Nhưng cái giá phải trả có thể là một tương lai mà vai trò lãnh đạo của Mỹ trong AI – và lợi ích chiến lược đi kèm – không còn được đảm bảo.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nuoc-my-tranh-cai-khi-ong-trump-ban-chip-cho-uae-ar943501.html