Nước nào sẽ đảm bảo an ninh cho Ukraine?
Ukraine đã chuẩn bị từ bỏ tham vọng NATO, nhưng muốn có những đảm bảo an ninh chi tiết từ các quốc gia thứ ba. Mỹ và Đức đã tiết lộ lập trường về vấn đề này.
Kiev đã liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây làm rõ lập trường của họ về việc Ukraine cuối cùng có được gia nhập NATO hay không, hoặc ít nhất là cung cấp cho Ukraine các thỏa thuận thay thế.
Việc Ukraine gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu từ lâu đã là một “lằn ranh đỏ” đối với Nga và Moscow cũng liên tục tuyên bố điều này.
Tại vòng đàm phán diễn ra ở Istanbul hôm 29/3, Ukraine đã đưa ra một đề xuất chi tiết về tính trung lập. Đề xuất bao gồm cam kết không tham gia các liên minh quân sự hoặc cho quân đội nước ngoài đồn trú, và Ukraine sẽ vẫn là một quốc gia phi hạt nhân.
Điều đó có nghĩa là Ukraine sẽ từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO, như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu.
Ukraine đề xuất các bên cung cấp đảm bảo an ninh sẽ là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) - Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga - cũng như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Canada và Ba Lan.
Một số chuyên gia cho rằng, yêu cầu đảm bảo an ninh của Ukraine là phi thực tế và bất khả thi.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Yiannis Valinakis cho rằng yêu cầu đảm bảo an ninh của Ukraine sẽ "khá rắc rối" đối với cả hai bên.
“Tôi không cho rằng ông Putin quan tâm đến việc chấp nhận các bảo đảm được đề xuất. Bản thân NATO cũng sẽ không khuyến khích các thành viên cấp bảo đảm an ninh cho Kiev”, ông Valinakis nói với Al Jazeera.
Vị cựu Thứ trưởng giải thích, nếu một thành viên NATO cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine, trong trường hợp một cuộc tấn công của Nga nhằm vào bên cung cấp đảm bảo này, Liên minh sẽ có nguy cơ phải kích hoạt Điều 5 (về phòng thủ tập thể) và do đó dẫn đến một cuộc chiến tranh Nga-NATO leo thang thảm khốc”.
Ông Samuel Ramani, nhà phân tích địa chính trị và cộng sự tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nói với Euronews rằng, bản thân ông thấy ý tưởng này "hoàn toàn phi thực tế".
Vai trò của một bên cung cấp đảm bảo an ninh sẽ giống như Điều 5 của NATO, trong đó có việc mạo hiểm xung đột vũ trang với Nga để bảo vệ Ukraine, điều mà có lẽ chưa nước nào sẵn lòng làm hiện nay.
"Toàn bộ khái niệm về bên cung cấp đảm bảo an ninh này khá u ám và nó có lẽ không thể thực thi được", nhà phân tích này lập luận.
Lập trường của Mỹ, Đức
Đức sẵn sàng cung cấp một số hình thức đảm bảo an ninh cho Ukraine, trong khi Mỹ vẫn đang "thảo luận liên tục" với Kiev, theo các quan chức của Đức và Mỹ. Các bình luận được đưa ra hôm 30/3, sau khi Ukraine công bố đề xuất của mình.
"Nếu đảm bảo là thứ cần thiết, thì Đức sẽ ở đó và đưa ra đảm bảo", Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nói với đài truyền hình nhà nước ARD hôm 30/3, tuyên bố rằng Kiev có thể dựa vào sự hỗ trợ của nước Đức. Bà Baerbock cho biết, Berlin "đoàn kết hoàn toàn, 100%" với Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 30/3 rằng, Berlin có thiện chí đưa ra các đảm bảo an ninh, theo một phát ngôn viên của Chính phủ Đức. Tuy nhiên, vị phát ngôn viên này không nói rõ liệu điều này có bao gồm hỗ trợ quân sự hay không.
Kiev đã liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây làm rõ lập trường của họ về việc Ukraine cuối cùng có được gia nhập NATO hay không, hoặc ít nhất là cung cấp cho Ukraine các thỏa thuận thay thế.
Việc Ukraine gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu từ lâu đã là một “lằn ranh đỏ” đối với Nga và Moscow cũng liên tục tuyên bố điều này.
Trong vòng đàm phán hòa bình gần đây nhất, được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3, tiết lộ rằng Ukraine đã chuẩn bị từ bỏ tham vọng NATO của mình, nhưng đổi lại phải có những đảm bảo an ninh chi tiết từ các quốc gia thứ ba.
Ngoại trưởng Baerbock hôm 30/3 nhấn mạnh rằng, tại thời điểm này, các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga chưa đủ tiến triển và do đó, sự hiểu biết của Kiev và Moscow về các đề xuất có thể hoàn toàn khác nhau.
Trong khi đó, Washington đang “thảo luận liên tục với người Ukraine” về những cách mà nước này có thể duy trì “chủ quyền và an ninh”, Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield cho biết hôm 30/3. Tuy nhiên, bà Bedingfield tuyên bố, không có gì “cụ thể” mà bà có thể chia sẻ “vào lúc này”.
Bà Bedingfield cũng nhắc lại lập trường của Nhà Trắng về việc thực hiện vùng cấm bay đối với Ukraine, cho rằng điều này sẽ có nguy cơ dẫn đến đối đầu trực tiếp với Nga.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, Euronews, RT)
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nuoc-nao-se-dam-bao-an-ninh-cho-ukraine-a548277.html