Nước Nga quay về các sản phẩm thời Liên Xô

Bị ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận của phương Tây, nhiều công ty nước ngoài đã và đang rút khỏi Nga. Chính vì vậy, nước Nga bắt đầu chuyển sang một nền kinh tế tự chủ với các sản phẩm thay thế từng một thời nổi tiếng bất chấp không ít khó khăn về nguyên vật liệu.

Xe hơi nhãn hiệu Lada của Liên Xô sắp hồi sinh tại Nga

Xe hơi nhãn hiệu Lada của Liên Xô sắp hồi sinh tại Nga

Tuy vẫn có thể tìm được nguồn cung cấp mới cho một số hàng hóa và linh kiện do phương Tây sản xuất ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, Nga ngày càng quyết tâm tự chủ. Chính sách thay thế hàng nhập khẩu từ sản phẩm trong nước tạm thời đáp ứng được nhu cầu của người dân. Khoảng 80% đội bay thương mại của Nga bao gồm các máy bay do nước ngoài sản xuất, chủ yếu là của Airbus và Boeing, cả hai đều đã ngừng kinh doanh tại Nga.

Hãng hàng không Ural - hãng có hơn 50 máy bay Airbus, dự báo có thể duy trì hoạt động các máy bay này an toàn trong vài tháng trước khi chuyển sang nội địa hóa linh kiện máy bay. Có thể mất ít nhất vài năm để Nga phát triển dây chuyền lắp ráp máy bay thương mại được sản xuất hầu như chỉ bằng các linh kiện trong nước. Rosaviatsiya, cơ quan quản lý hàng không của Nga, đã nới lỏng các quy định về bảo dưỡng máy bay khi các công ty phương Tây không còn hoạt động ở Nga. Nhiệm vụ này sẽ chuyển sang các công ty địa phương. Hiện Nga đang bắt đầu tự cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cho các máy bay hoạt động ở Nga.

Chị Natalia, chủ một công ty hậu cần ở Moscow cho biết các nhà sản xuất Nga đã cố gắng bù đắp sự thiếu hụt nguyên vật liệu bằng cách chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ và các thị trường ở châu Á. Đặc biệt, sản xuất sẽ không dừng lại đối với giày dép, quần áo, xúc xích và Nga sẽ quay trở lại nền sản xuất tự cung tự cấp như những năm 60, 70, 80.

Sau khi hãng sản xuất ô tô Pháp Renault rút khỏi Nga, nước Nga đang bắt đầu khởi động lại nhà máy sản xuất ô tô Moskvich với các loại ô tô khá nổi tiếng một thời ở Liên Xô và các nước XHCN. Sự hồi sinh của hãng này, cùng với sự hợp tác từ Trung Quốc có thể bắt đầu cho ra các sản phẩm hoàn toàn sản xuất trong nước. Moskvich được thành lập khoảng năm 1930 và vào năm 1975, Chính phủ Liên Xô đã ký một thỏa thuận với nhà sản xuất ô tô Pháp Renault để hiện đại hóa nhà máy, tăng sản lượng lên 200.000 xe. Hoạt động sản xuất kết thúc khi Liên Xô không còn nữa và các nhà sản xuất ô tô phương Tây như Renault thay thế hoàn toàn. Ngày nay, khoảng 200.000 xe Moskvich vẫn được đăng ký ở Nga.

Renault cũng sở hữu quyền kiểm soát Avtovaz, công ty mẹ của thương hiệu xe hơi Nga nổi tiếng Lada. Giờ đây, Renault cho biết quyền kiểm soát các nhà máy tại Nga đã được bán cho Chính phủ Nga. Riêng với nhà máy sản xuất ô tô của Renault ở Moscow đã được bán cho thành phố Moscow. Theo chính quyền thành phố này, công ty sẽ cố gắng giữ tất cả các nhân viên hiện tại của nhà máy. Nhà máy sẽ bắt đầu bằng việc sản xuất ô tô chạy bằng xăng thông thường nhưng đến một thời điểm nào đó, sẽ chuyển sang sản xuất ô tô điện.

Riêng nhãn hiệu Lada - một biểu tượng của sự tự cường thời Liên Xô có thể hưởng lợi từ việc không có sự cạnh tranh của nước ngoài nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các bộ phận nhập khẩu. Công ty thông báo sẽ chuyển sang làm việc 4 ngày/tuần trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 6 để cố gắng duy trì hơn 40.000 việc làm. Họ cũng cho biết sẽ thiết kế các mẫu Lada mới để ít phụ thuộc hơn vào nhập khẩu.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//nuoc-nga-quay-ve-cac-san-pham-thoi-lien-xo-817870.html