Nước ngập thành phố, trước hết tại chính con người
Có một nghịch lý ở miền Tây Nam Bộ năm nay, trong khi nhiều vùng thường ngập lũ không có nước hoặc nước về muộn, rất thấp, thì tại những thành phố lớn, người dân phải vật lộn với nước ngập!
Ở xã Nhơn Ái, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ, những ngày qua nhiều người dân vẫn ung dung đi lại, thoải mái thăm vườn. Vườn ruộng của họ, lượng nước vừa phải, dù ngoài sông Cần Thơ, sông Hậu... cách đó không xa, đợt triều cường đầu tháng âm lịch khiến nước dâng trào, chảy xiết.
Hay như nhiều vùng ở các huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) - nơi hằng năm bị ngập nặng nề vào mùa nước, hiện mực nước trong các con kênh nội đồng vẫn vừa phải. Chẳng do phép màu gì cả, do con người thôi. Chính những vùng đê bao khép kín, ngăn nước không cho chảy vào đồng ruộng, khiến người dân nông thôn ung dung ngay trong mùa nước.
Mùa lũ ở miền Tây, năm nay về trễ. Vài ngày trước, nhiều người dân ở miệt đầu nguồn Tân Châu (An Giang) khẳng định nước trên sông Hậu vẫn thấp so với cùng kỳ. Vậy nhưng, cùng lúc, các đô thị như TP.Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), các quận Ninh Kiều, Bình Thủy... (TP.Cần Thơ), TP.Long Xuyên (An Giang), nước dâng đỉnh điểm, dường như cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ngay tối qua - 1.10, một phụ nữ 50 tuổi ở khu vực 3, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ đã thiệt mạng bởi triều cường. Sập tối, nước đang lên, bà dắt xe ra khỏi nhà, chạy nhầm vào vùng nước ngập mênh mông, mất phương hướng, lọt xuống hồ Bún Xáng, chết thảm!
Một người phụ nữ đã điều khiển xe chạy vào khu vực này, lọt xuống hồ chết thảm - Ảnh: Thanh Nguyên
Chiều 1.10, Giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ Lê Tiến Dũng thừa nhận trong đợt triều cường mấy ngày qua, Q.Ninh Kiều có 61 tuyến đường bị ngập, Q.Bình Thủy có 14 tuyến, Q.Cái Răng có 10 tuyến, ngập từ 0,2 - 0,4m.
Nguyên nhân ngập, theo ông Dũng do tác động của một số yếu tố gồm: thành phố có hệ thống sông rạch chằng chịt, được bao gọi bởi sông Hậu, sông Cần Thơ và kênh Cái Sắn, triều cường vào chủ yếu từ 3 con sông này.
Một nguyên nhân nữa là hiện nay, ở 3 quận trung tâm Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng hệ thống thoát nước đã cũ, nhỏ, xuống cấp, thậm chí một số tuyến đường chưa đầu tư hệ thống thoát nước tương xứng.
Trước đây cốt nền của Cần Thơ chỉ từ 1,7 - 1,8m, sau này một số tuyến có cốt nền 2,5 - 2,7m. Đỉnh triều hôm qua ở mức 2,25m nên các tuyến có cốt nền cũ bị ngập hết, còn các tuyến có cốt nền sau này không bị ngập…
Cũng theo ông Dũng, nguyên nhân khác là việc xây dựng nhiều khu dân cư, lấp hết các kênh rạch, khiến nước tràn vào đô thị không có chỗ chứa. Điều này đã được lên tiếng từ lâu nhưng chẳng ai quan tâm kiểm tra và ngăn chặn, xử lý triệt để, chẳng hạn chính Sở GTVT cũng chỉ biết... lên tiếng.
Các phường như An Bình, An Khánh (Q.Ninh Kiều); Long Hòa, Long Tuyền, An Thới (Q.Bình Thủy)... dù là trung tâm thành phố, nhưng trước đây kênh rạch rất nhiều, lưu thông và giữ nước.
Diện tích đất nông nghiệp cũng nhiều. Nếu đất vườn, cứ giữa hai bờ vườn lại có con mương để tưới nước. Mỗi mảnh ruộng, tứ phía đều có những con mương nhỏ giữ nước... Khi lũ dâng, triều cường, nước tràn vào đó trước tiên chứ đâu, và bị chứa ở đó, không tràn lên phố.
Giờ đất nông nghiệp thành khu đô thị, kênh rạch bị san phẳng để thành đường phố. Nước chẳng có chỗ chứa khi triều cường, thì cứ thế tràn lên đường, thoát đâu bây giờ. Một con rạch chỉ cần chiều ngang 2m, sâu khoảng 2m, dài chừng 1.000m, đã có thể trữ đến 4.000 mét khối nước! Nhưng, cứ lấp hết!
Cứ hô hào hệ thống thoát nước không tốt, nhưng tốt cách mấy cũng không thể thoát, khi nước ngoài sông cao hơn các khu đô thị. Nước tràn vào. Thậm chí, nếu cống rãnh tốt, nước sông tràn vào càng nhiều hơn. Nước ở các sông, bị con người ngăn dần các nhánh rẽ, lấp hết các kênh mương, nên hầu như chỉ còn dòng chính để thoát, mực nước phải dâng lên, chảy xiết hơn, thay vì được san sẻ, chia đều để giảm.
Khu An Khánh (Q.Ninh Kiều) này trước đây có rất nhiều kênh mương, giờ lấp hết để thành đô thị - Ảnh: Quang Lợi
Và ông Dũng còn quên một điều, chính sự phối hợp không nhịp nhàng của các sở ngành, địa phương cũng khiến đô thị ngập nặng. Như đã nói, nhiều vùng nông thôn đang khá ung dung, trong khi cùng thời điểm người đô thị phải “vật lộn” với nước. Vì sao? Nước không tràn được vào các vùng đê bao khép kín, thì kéo về đô thị, chứ đi đâu.
Nếu như, Sở NN-PTNT chủ động điều tiết lịch mùa vụ, những ngày qua cho nước vào các vùng đê bao khép kín, vừa giúp nông dân “rửa đất”, bồi thêm phù sa, vừa giảm áp lực nước đổ về hạ nguồn, về các khu đô thị thì quá tốt.
Nhưng không, đê bao khép kín vẫn khép kín, ngăn nước, vì lý do... bảo vệ mùa màng. Như ở An Giang, dự kiến vài ngày nữa, khi đợt triều cường đã qua, mới cho xả đập Trà Sư! Không hề có sự phối hợp, nên đừng trách sao đô thị ngập úng.
Các chuyên gia cứ đổ cho biến đổi khí hậu, do đất lún, do thời tiết thất thường... Thế sao, không ai lên tiếng yêu cầu chính những người lãnh đạo, điều hành phải biến đổi tư duy, nhìn xa, trông rộng.