Nước ngoài ngăn chặn và trừng phạt những CĐV bị cấm vẫn cố tình quay lại sân thế nào?
Sự kiện tại sân Lạch Tray dấy lên tranh cãi rằng làm thế nào để ngăn cản những CĐV đã bị cấm tới sân bóng và nếu phát hiện ra việc cố tình vi phạm lệnh cấm thì sẽ xử lý ra sao.
Tối 4.2, hình ảnh CĐV Trần Tiến Dũng xuất hiện trên sân Lạch Tray được lan truyền trên mạng xã hội. Ông Trần Tiến Dũng đang trong thời hạn bị cấm xuất hiện ở các giải đấu do VPF tổ chức. CĐV Trần Tiến Dũng nhận án cấm đến sân trong khuôn khổ các giải đấu do VPF tổ chức (trong đó có V-League) trong 3 năm do hành vi tấn công trọng tài Hoàng Ngọc Hà hôm 19.7.2022, trong trận đấu của CLB Hải Phòng trên sân nhà Lạch Tray.
Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn xác nhận CĐV Trần Tiến Dũng có vào sân và xuất hiện trên khán đài. Ông Vũ Xuân Thành, Trưởng ban Kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết đơn vị này phải chờ báo cáo, biên bản của giám sát trận đấu để nắm tình hình.
VPF cho biết cũng chờ biên bản của giám sát trận đấu để họp bàn, tính toán đến bước xử lý tiếp theo, trong đó không loại trừ đưa ra án phạt với cá nhân ông Trần Tiến Dũng và Ban tổ chức sân Lạch Tray nếu xác nhận có vi phạm.
Điều này dấy lên tranh cãi rằng làm thế nào để ngăn cản một CĐV bị cấm trở lại sân bóng và nếu phát hiện ra việc cố tình vi phạm lệnh cấm thì sẽ xử lý ra sao. Chuyện này không chỉ nóng ở Việt Nam mà cũng từng khá phổ biến ở nước ngoài. Ngay cả ở Mỹ cũng không ngoại lệ và năm 2016, báo Washington Post đã có một bài viết phân tích hiện trạng này.
Trong những tháng sau khi chính thức bị cấm thi đấu suốt đời tại sân vận động Giants cũ ở New Jersey vào năm 2003 vì một số hành vi nói chung là bạo lực, bao gồm đổ bia và đấm vào một số CĐV đối phương, Gabe (người đề nghị báo giấu tên thật) đã không ít lần có ý định bất chấp lệnh cấm để quay trở lại sân. Thậm chí dù điều đó khiến anh ta có nguy cơ bị bắt giữ nếu bị phát hiện.
Gabe nói: “Tôi tin rằng nếu mình đội một chiếc mũ khác, mặc áo thi đấu khác và cư xử bình thường thì họ sẽ không nhìn thấy tôi. Nhưng tôi không thực sự muốn thử điều này”.
Hầu hết các trường hợp một CĐV bị cấm đến sân vận động, cho dù vì chạy vào sân, đánh nhau trên khán đài hay một số hành vi phạm tội khác, thì quy trình xử lý rất đơn giản, nhanh chóng và ít nhiều vô hình đối với công chúng. CĐV vi phạm được đưa đến một căn phòng bên trong sân vận động và phải ký vào văn bản đồng ý với lệnh cấm. Các bức ảnh được chụp và phân phát cho những ban quản lý sân vận động cũng như nhân viên an ninh trong trường hợp CĐV bị cấm thi đấu quyết định thử đột nhập. Còn trận đấu vẫn tiếp tục.
Hồi tháng 10.2016, trong một trận đấu ở giải bóng đá Mỹ NFL ở sân Rogers, một CĐV Blue Jays - người mà cảnh sát đã xác định là Ken Pagan - đã ném một lon bia đầy vào tay của cầu thủ đội Baltimore Orioles. Đây gần như hành động tấn công cầu thủ đối phương.
Pagan, 41 tuổi, đã tự đầu thú vào hai hôm sau và theo Sở Cảnh sát Toronto (các đội Canada cũng tham gia thi đấu tại giải chuyên nghiệp Mỹ) thì Pagan bị buộc tội gây rối. Pagan bị cấm đến sân Rogers suốt đời và trong trường hợp này, đã có đủ sự công khai rộng rãi để đảm bảo Pagan sẽ bị phát hiện trong trường hợp gắng vào sân bất chấp lệnh cấm.
Nhưng theo các quan chức của sân vận động và đội bảo an, trong phần lớn các trường hợp, lệnh cấm suốt đời vốn rất khó thực thi. Và không ai biết chắc chắn một người hâm mộ bị cấm đã quay lại sân được bao nhiêu lần.
Rick Nafe, phó chủ tịch điều hành và cơ sở của Tampa Bay Rays cho biết: “Có những vấn đề liên quan đến việc cố gắng ngăn người đó quay trở lại. Chúng tôi có thể chụp ảnh và dán tại cổng vào và cho đội an ninh biết rằng những người trên ảnh đã bị cấm. Nhưng việc đó không thể sai sót? Hoàn toàn không… Nó có thể dễ dàng như bạn mặc ngược chiếc áo phông và đội mũ”.
William D. Squires, cựu quản lý các sân vận động Yankee, Cleveland Browns và Giants cho biết ông thường bố trí nhân viên an ninh chìm, một số người trong số họ mặc áo thi đấu của đội đối phương, trên khán đài để tìm kiếm, phát hiện người hâm mộ nghi ngờ bị cấm đến sân nhưng vẫn cố gắng phá luật.
Squires nói: “Thử thách mà bạn gặp phải là những người bị đuổi khỏi sân vận động có thể đã làm điều gì đó rất ngu ngốc và điều đó không khiến họ thông minh hơn vào ngày hôm sau. “Họ sẽ nghĩ, chà, ta sẽ quay lại. Nhưng nếu ai đó bị cấm và họ vẫn cố tình, thì bây giờ họ sẽ bị bắt vì tội xâm phạm".
Gabe, CĐV đã bị đuổi ra khỏi sân vận động Giants vào năm 2003 được đề cập ở đầu bài viết, cho biết đã bị yêu cầu ký vào một văn bản về hành vi đã làm và bị chụp ảnh đang cầm văn bản - xem như là một tuyên bố thừa nhận hành vi phạm tội và lệnh cấm đến sân sau đó. Gabe cho biết mình được thông báo rằng bị cấm vào khuôn viên sân và sẽ bị bắt vì tội xâm phạm nếu cố tình quay lại.
Tại giải NFL, bắt đầu từ năm 2015, một CĐV bị cấm vào một sân vận động sẽ bị cấm vào tất cả các sân vận động NFL; giải đấu chia sẻ thông tin giữa các đội thông qua cơ sở dữ liệu tập trung và thuê một công ty công nghệ và bảo mật để hỗ trợ biện pháp này. Giải bóng chày Major League đã không đưa ra lệnh cấm phổ biến tương tự, mặc dù giải đã chia sẻ thông tin với các đội khi một CĐV có vấn đề gây rắc rối ở sân vận động.
Tại Nationals Park, khi giải Washington Nationals khai mạc năm 2016, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh không cho phép đội cấm suốt đời một CĐV quậy phá mà chỉ cấm tối đa là 5 năm. Theo ước tính của Frank Gambino, Phó trưởng ban điều hành sân Nationals Park, trung bình mỗi mùa thì mỗi sân có khoảng 4 - 6 lệnh cấm như vậy được đưa ra
Khi được hỏi những hành vi nào bị trục xuất tối đa, Gambino nói: “Nếu bạn nhảy vào sân và làm gián đoạn trận đấu, vâng. Nếu bạn đã cố gắng làm bị thương một cầu thủ. Nếu bạn tham gia vào một cuộc ẩu đả trên khán đài, bạn sẽ không nhất thiết bị bắt trừ khi bị buộc tội, nhưng bạn sẽ bị đuổi ra khỏi sân và có thể bị cấm tới địa điểm thi đấu”.
Tuy nhiên, việc ngăn những người hâm mộ bị cấm quay lại sân vận động vẫn là một điều khó khăn. Với Ban quản lý sân Nationals Park, giống như nhiều sân khác, họ sẽ kiểm tra qua hệ thống bán vé để xem liệu đối tượng bị cấm đã mua vé cho các trận đấu sắp tới bằng cùng một thẻ tín dụng hay chưa. Trong trường hợp phát hiện, những vé đó sẽ bị hủy. Tất nhiên, một người hâm mộ bị cấm luôn có thể nhờ một người bạn mua vé giùm cho mình, nhưng trong trường hợp đó, người bạn đó phải chịu trách nhiệm pháp lý và có thể bị trừng phạt.
Mark Burk, Giám đốc Sân vận động Rice-Eccles của Đại học Utah và là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà quản lý sân vận động cho biết: “Đó là một phần của chính sách vé tiêu chuẩn được in ở mặt sau của mỗi tấm vé. Theo tôi được biết, ở hầu hết các sân vận động, người mua vé phải chịu trách nhiệm với người thực sự sử dụng vé. Nếu họ đưa vé của mình cho người đã bị cấm, điều đó vi phạm chính sách dành cho người hâm mộ và người mua vé theo mùa đó có thể mất một số đặc quyền”.
Những tiến bộ trong công nghệ đã giúp việc xác định những người hâm mộ cụ thể trở nên dễ dàng hơn khi họ qua cổng kiểm soát, như trường hợp của Pagan, người đã được nhận dạng một phần nhờ cảnh quay từ truyền hình và camera an ninh.
Nhưng “Chén thánh quản lý đám đông” - phần mềm nhận dạng khuôn mặt, loại hiện được nhiều cơ quan liên bang sử dụng tại các sân bay và các địa điểm an toàn khác - vẫn còn nhiều năm nữa mới được triển khai rộng rãi tại các sân vận động.
Joe Abernathy, Phó chủ tịch điều hành sân vận động của Sân vận động Busch ở St. Louis và là cựu Chủ tịch Hiệp hội Các nhà quản lý sân vận động cho biết: “Tôi không nghĩ có ai đó hào hứng việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, nhưng đó là điều khả thi. Chúng ta có hệ thống camera ở đúng nơi và chúng ta đang theo dõi người hâm mộ khi họ vào sân. Chúng ta chưa có khả năng nhận dạng khuôn mặt, nhưng nó chắc chắn sẽ đến”.