Nước ngoài sở hữu chung cư trăm năm, Việt Nam nên có phương án sở hữu lâu dài

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn hoặc sở hữu lâu dài đồng thời với chung cư có thời hạn và để cho người dân được lựa chọn.

 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM).

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM).

Thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo Luật Nhà ở ngày 19/6, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) cho rằng, chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn, nên cần khuyến khích xây dựng những chung cư tuổi thọ cao. Ở nước ngoài tuổi thọ chung cư càng ngày càng cao và có thể lên đến 99 năm.

“Chuyện một nơi ở dài hạn từ thế hệ này sang thế hệ khác là một nhu cầu tinh thần rất lớn và củng cố quan hệ gia đình. Ở nước ngoài có những chung cư hàng trăm năm, tất nhiên là người ta phải củng cố, sửa chữa nhưng nó trở thành những khu di tích và làm nên hồn cốt của đô thị đó. Điều này tôi đề nghị chúng ta phải thiết kế”, ông Nghĩa nêu.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng nói rằng: “Chúng ta có tổng kết hiện nay đang tồn tại bao nhiêu chung cư sở hữu không có thời hạn hay không? Hiện nay rất nhiều người sở hữu như vậy, nếu chúng ta quy định như thế này thì tất nhiên chúng ta không hồi tố nhưng vẫn phải xử lý trường hợp đó. Do đó, tôi đề nghị phải có phương án là vẫn duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn hoặc sở hữu lâu dài đồng thời với chung cư có thời hạn và để cho người dân được lựa chọn, tuy nhiên vấn đề đặt ra là xử lý an toàn như thế nào”.

Theo ông Nghĩa, có thể sở hữu dài hạn nhưng phải tuân thủ sự an toàn vì đó là an toàn chung và khi đó có nhiều cách thức. Ở Singapore những nhà ở thương mại người ta có thể sở hữu lên đến hàng trăm năm. Ở Anh hay ở Singapore sở hữu là 99 năm, nhưng khi thời hạn an toàn nó không bảo đảm nữa thì các công ty phát triển bất động sản sẽ thương thảo với người dân để mua lại căn nhà cũ, duy tu, sửa chữa hoặc xây dựng mới, 2 việc này phải kết hợp với nhau.

“Tôi đề nghị có một sự lựa chọn, chứ không nên chọn một thứ, bởi vì trong tương lai chúng ta phải khuyến khích nhà ở lâu dài tuổi thọ càng cao thì càng tốt, càng có lợi cho xã hội và nói chung là cho đất nước”, ông Nghĩa nêu.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, về cải tạo nhà chung cư, việc cưỡng chế, di dời người dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm, sập đổ là có liên quan đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Do vậy, cần quy định cụ thể vào trong luật về trình tự, thủ tục di dời, các biện pháp cưỡng chế di dời nếu cư dân không chấp hành di dời để đảm bảo hiệu quả cho việc xây dựng lại chung cư xuống cấp, cũ; nếu chung cư cũ bị sập đổ nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân thì ai sẽ chịu trách nhiệm…

Ngoài ra, theo ông Hòa, cần quy định về biểu quyết lựa chọn phương án bồi thường, tái định cư của các chủ sở hữu nhà chung cư, bởi thực tế hiện nay có sự đồng thuận của cư dân 100% là rất ít xảy ra. Nếu sau một thời gian dài nhất định mà không thống nhất được phương án bồi thường thì phương án là tái định cư do UBND cấp tỉnh quy định.

Cuối cùng, ông Hòa quyền sử dụng đất, cải tạo, xây dựng nhà chung cư phải phù hợp và được xây dựng lại, các chủ sở hữu được bố trí tại chỗ và phải đóng góp kinh phí để xây dựng nhà chung cư là phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai, đề nghị nên có sự thống nhất với nhau giữa 2 luật.

Kỳ Thư

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nuoc-ngoai-so-huu-chung-cu-tram-nam-viet-nam-nen-co-phuong-an-so-huu-lau-dai-20180504224285637.htm