Nước Pháp bước vào 'ngày im lặng' trước bầu cử tổng thống
Kết thúc các chiến dịch tranh cử kéo dài trong hơn 1 năm qua, cuộc thăm dò dư luận do hãng Ipsos-Sopra Steria thực hiện cho nhật báo 'Thế giới' (Le Monde) trong ngày 8/4 cho thấy, xu hướng bỏ phiếu của cử tri Pháp vẫn ổn định đến sát ngày bầu cử.
Mọi chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên Tổng thống Pháp chính thức kết thúc vào nửa đêm ngày 8/4 và nước Pháp sẽ có một ngày im lặng để người dân suy nghĩ về các lựa chọn trước khi chính thức đi bỏ phiếu vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp trong ngày 10/4.
Đúng nửa đêm ngày 8/4, toàn bộ chiến dịch tranh cử của 12 ứng cử viên tham gia cuộc đua vào ghế tổng thống Pháp 2022 chính thức kết thúc. Từ sau thời điểm đó, tất cả các ứng cử viên đều không được phép xuất hiện trên các kênh truyền thông để vận động tranh cử. Mục đích của quy định này là nhằm giúp các cử tri Pháp có thời gian tĩnh tâm trước khi đưa ra quyết định bỏ phiếu.
Kết thúc các chiến dịch tranh cử kéo dài trong hơn 1 năm qua, cuộc thăm dò dư luận do hãng Ipsos-Sopra Steria thực hiện cho nhật báo “Thế giới” (Le Monde) trong ngày 8/4 cho thấy, xu hướng bỏ phiếu của cử tri Pháp vẫn ổn định đến sát ngày bầu cử. Cụ thể, đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến giành được 26,5% số phiếu bầu của cử tri Pháp tại vòng 1.
Sai số của cuộc thăm dò là từ 0,2 đến 1%. Đối thủ chính của ông Emmanuel Macron là bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” đứng thứ hai với số phiếu dự kiến giành được là 22,5%, tăng khoảng 1% so với cách đây 1 tuần. Đứng thứ 3 là ông Jean-Luc Mélenchon, ứng cử viên của đảng “Nước Pháp bất khuất” với dự kiến giành được khoảng 17,5% phiếu bầu.
Kết quả nhiều cuộc thăm dò dư luận khác cũng cho các con số dự đoán tương tự, khi 3 ứng cử viên là đương kim Tổng thống Emmanuel Macron, bà Marine Le Pen và ông Jean-Luc Mélenchon gần như chắc chắn sẽ chiếm 3 vị trí dẫn đầu, bỏ xa các đối thủ khác. Một chi tiết đáng chú ý khác, đó là tỷ lệ cử tri đi bầu được dự đoán sẽ từ 70-74%, con số thấp nhất kể từ năm 2002. Việc cử tri vắng mặt nhiều sẽ có tác động tiêu cực đến bà Marine Le Pen và ông Jean-Luc Mélenchon nhiều hơn Tổng thống Macron.
Hiện tại, giới quan sát tại Pháp cho rằng điểm mấu chốt của vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ là liệu ông Jean-Luc Mélenchon có thể tạo nên đột phá vào phút cuối và lọt vào vòng 2 hay không? Ngoài ra, cách biệt số phiếu giữa Tổng thống Macron và bà Marine Le Pen cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ. Một số cuộc thăm dò, như của hãng Elabe, cho thấy bà Marine Le Pen đã thu hẹp cách biệt với ông Macron xuống chỉ còn 3 điểm, thậm chí là 2 điểm.
Đà thăng tiến mạnh mẽ của bà Marine Le Pen trong giai đoạn cuối cuộc tranh cử đang khiến những người ủng hộ ông Macron lo lắng. Nhiều chuyên gia chính trị Pháp và châu Âu cũng nhận định, khả năng bà Marine Le Pen chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay cao hơn năm 2017 và nếu Tổng thống Macron không phá vỡ được động lực thăng tiến của bà Marine Le Pen ngay tại vòng 1 cuộc bầu cử thì nguy cơ thất bại nếu ông Macron đối đầu bà Le Pen ở vòng 2 là không nhỏ.
Rủi ro này với ông Macron ngày càng lớn hơn khi trong ngày 08/04, ứng cử viên của đảng cánh hữu là bà Valerie Pécresse thông báo trong trường hợp thất bại ngay tại vòng 1, bà sẽ không đưa ra khuyến nghị bỏ phiếu cho các cử tri ủng hộ mình tại vòng 2, đồng nghĩa với việc một lượng lớn cử tri cánh hữu có thể tự do lựa chọn ủng hộ bà Marine Le Pen hay một ứng cử viên nào khác.
Ý thức được các nguy cơ này, trong phát biểu tranh cử cuối cùng trong ngày 08/04 khi xuất hiện trên Brut, một nền tảng truyền thông rất được giới trẻ ưa chuộng, Tổng thống Emmanuel Macron đã tập trung chỉ trích rất mạnh phe cực hữu của bà Marine Le Pen.
“Họ sử dụng chiến thuật gây sợ hãi trong rất nhiều chủ đề. Ngoài ra, họ chỉ đưa ra các đề xuất ngắn hạn, đôi khi là hoàn toàn mị dân và không có cơ sở tài chính nào, như trong vấn đề sức mua, nhằm tạo cảm giác rằng họ có một câu trả lời cụ thể. Nhưng tôi không nghĩ thế và tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy tại sao”, ông Macron nói./.