Nước Pháp tê liệt vì hơn 800.000 người xuống đường phản đối TT Macron
Công nhân ngành vận tải Pháp lên kế hoạch đình công từ ngày 5/12 để ép TT Emmanuel Macron xem lại chính sách cải cách hưu trí, gây ra nguy cơ không có phương tiện công cộng để đi.
Hơn 800.000 người đã tuần hành tại các thành phố trên khắp nước Pháp khi các nhân viên đường sắt, giáo viên và nhân viên bệnh viện tổ chức một trong những cuộc đình công lớn nhất trong nhiều thập kỷ để phản đối kế hoạch của Tổng thống Emmanuel Macron, người dự định xem lại chế độ hưu trí.
Cuộc đình công khiến nước Pháp rơi vào tình trạng tê liệt dự kiến kéo dài trong vài ngày tới vì sự quyết tâm của người tuần hành. Họ cho rằng kế hoạch thay đổi chế độ lương hưu của tổng thống sẽ khiến hàng triệu người phải làm việc lâu hơn hoặc nhận ít lương hưu hơn, theo Guardian.
Các loại hình giao thông công cộng: xe lửa, metro và xe buýt bị ảnh hưởng nặng nề, một số chuyến bay bị hủy và nhiều trường học phải đóng cửa như thách thức lớn nhất với ông Macron kể từ khi cuộc biểu tình áo vàng chống chính phủ nổ ra vào năm ngoái.
Tại Paris, cảnh sát đã bắn vòi rồng vào người biểu tình vào đầu giờ chiều 5/12. Một số người biểu tình giận dữ đã đốt xe, đập vỡ cửa sổ và phá hủy các trạm chờ xe buýt. Lực lượng cứu hỏa phải theo sau dập lửa.
Hơn 6.000 cảnh sát chống bạo động dàn hàng trên tuyến đường của người biểu tình từ Paris Gare du Nord đến phía đông thành phố để ngăn những người khác tham gia và kiểm tra tư trang cá nhân của họ. Đến cuối buổi chiều đã có hơn 70 vụ bắt giữ.
Cuộc tuần hành ở Paris gồm nhiều thành phần: nhân viên bệnh viện, nhân viên điện lực, lính cứu hỏa, giáo viên và học sinh cũng như những người biểu tình áo vàng. Họ hô vang các khẩu hiệu: “Macron từ chức”.
Isabelle Jarrivet, 52 tuổi, từng làm nhân viên tòa thị chính phía bắc Paris trong 20 năm, cho biết: “Đây là câu hỏi về sự sống còn của hệ thống xã hội Pháp đang bị Macron phá hủy. Chúng tôi đã được đưa trở lại khoảng thời gian trước năm 1945, khi chúng tôi có nguy cơ mất trợ cấp xã hội. Các quỹ hưu trí tư nhân đang chờ đợi để được hưởng lợi”.
Bà nói thêm: “Những cuộc biểu tình áo vàng đã khiến mọi người suy nghĩ và nói nhiều hơn về chính trị và mọi người quyết tâm không để mọi thứ trôi qua. Bạn có thể cảm thấy tâm trạng bất tuân trong không khí”.
Chính phủ Macron lập luận rằng việc hợp nhất hệ thống lương hưu và cắt bỏ 42 cơ chế đặc biệt đối với nhân viên đường sắt, năng lượng, luật sư… là rất quan trọng để hệ thống tài chính có thể duy trì khi dân số già đi. Nhưng các công đoàn cho rằng việc áp dụng hệ thống hưu trí phổ quát đồng nghĩa với việc hàng triệu công nhân phải làm việc quá tuổi nghỉ hưu quy định 62 hoặc giảm tiền lương hưu.