Ông Trump 'ập đến' cùng tư tưởng nước Mỹ trước tiên, chính quyền Biden vớt vát những nỗ lực cuối cùng, EU bật báo động
Việc ông Donald Trump đem theo chính sách 'nước Mỹ trước tiên' tái đắc cử tổng thống Mỹ khiến Liên minh châu Âu (EU) nhìn nhận lại vai trò quân sự của mình, trong khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden cố gắng thực hiện nỗ lực cuối cùng nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh quan trọng.
Ngày 13/11, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã tới Brussels, Bỉ, và có các cuộc tiếp xúc với giới chức lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
Chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Mỹ được đánh giá là nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden Washington nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh quan trọng trước khi nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo kết thúc.
Tổng thống đắc cử Trump, người đã đặt câu hỏi về sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, tuyên bố ông sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột ở quốc gia Đông Âu, làm dấy lên mối lo ngại trong số các đồng minh châu Âu của Mỹ rằng, ông có thể cố gắng buộc Kiev chấp nhận hòa bình theo các điều kiện của Moscow.
Ông Trump cũng là người từng phản đối việc Mỹ phải gánh vác chi phí quân sự lớn trong NATO, đồng thời đòi hỏi các quốc gia thành viên liên minh quân sự phải gia tăng khoản chi tiêu dành cho lĩnh vực này.
Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, ông Blinken cho biết, hai bên đã thảo luận về các biện pháp hỗ trợ Ukraine cũng như vấn đề củng bố nền tảng công nghiệp quốc phòng của liên minh quân sự.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine nhằm giúp nước này duy trì khả năng ứng phó hiệu quả trong năm tới hoặc thậm chí giúp Kiev có lợi thế nhất định trên bàn đàm phán với Nga.
Theo ông, giới chức Mỹ đang nỗ lực hết sức nhằm chuyển toàn bộ các khoản viện trợ đã được Quốc hội Mỹ thông qua cho Ukraine trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden kết thúc.
Trong cuộc gặp với Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và đối ngoại sắp mãn nhiệm Joseph Borrell và người sắp kế nhiệm ông, bà Kaja Kalla, Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác Mỹ-EU.
Trên mạng xã hội X, ông Blinken gọi đây là “cơ hội tuyệt vời” khi có cuộc gặp với bà Kallas để thảo luận về “các vấn đề quan trọng nhất - hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu đạt được thông qua quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương vững mạnh”.
Về phần mình, người sắp trở thành Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và đối ngoại Kallas nhấn mạnh: “Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là quan hệ đối tác kinh tế và an ninh lớn nhất thế giới. Nó phải được xây dựng dựa trên những gì hiệu quả nhất cho cả hai bên. Điều này sẽ không thay đổi”.
Trong khi đó, ông Borrell nói trong một phiên điều trần tại Nghị viện châu Âu về mối quan hệ giữa EU và Mỹ sau chiến thắng của ông Trump ở cuộc bầu cử Mỹ 2024 rằng: "Việc ông Donald Trump tái đắc cử sẽ khiến chúng ta hiểu rõ rằng châu Âu cần tăng cường an ninh và tự quyết định vận mệnh của mình".
Hãng thông tấn TASS đưa tin, theo nhà ngoại giao, EU không còn chỉ là một liên minh kinh tế mà "phải thể hiện tham vọng và phát triển chiến lược quân sự của riêng mình, phải đóng vai trò quân sự".
Đại diện cấp cao EU sắp mãn nhiệm lưu ý: "Nó không xung đột với NATO, mà là đóng vai trò bổ sung cho NATO".