Nước Pháp với niềm hy vọng mang tên Francois Bayrou

Tổng thống Emmanuel Macron đã bổ nhiệm Francois Bayrou làm Thủ tướng Pháp, với kỳ vọng nhà lãnh đạo trung dung này sẽ dẫn dắt đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị lớn thứ hai trong vòng 6 tháng qua.

Tại sao Tổng thống Macron chọn ông Bayrou?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Francois Bayrou làm thủ tướng vào thứ Sáu vừa qua. Chính trị gia 73 tuổi đến từ vùng tây nam sẽ là thủ tướng thứ 6 trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron sau khi Michel Barnier và chính phủ của thủ tướng này rơi vào cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lịch sử vào tuần trước.

Theo giới quan sát, việc ông Macron chọn một nhân vật trung dung dày dạn kinh nghiệm để làm trọng tài giữa các phe phái chính trị bất ổn của Pháp cho thấy những kỳ vọng rất lớn của ông nhằm tìm ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã làm tê liệt đất nước trong nhiều tháng.

Ông Bayrou (bên trái) sẽ là Thủ tướng thứ 6 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Macron. Ảnh: France24.

Ông Bayrou (bên trái) sẽ là Thủ tướng thứ 6 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Macron. Ảnh: France24.

Francois Bayrou, cựu thị trưởng thị trấn Pau là người đứng đầu đảng Phong trào Dân chủ tự do (MoDem), liên minh nhưng không phải là một phần của lực lượng trung dung của ông Macron. Dù vậy, ông đã ủng hộ tổng thống kể từ chiến dịch tranh cử thắng lợi năm 2017. Và, nhiều nhà phân tích chỉ ra, Bayrou được chọn vì ông là ứng cử viên hàng đầu có khả năng thỏa hiệp với hầu hết các bên liên quan.

“Ông ấy không phải là người được chọn ra từ sự tối tăm bế tắc", Andrew Smith - Trưởng khoa Nghệ thuật tự do tại Đại học Queen Mary London, chia sẻ với France24 về tân Thủ tướng Francois Bayrou. “Ông ấy là một trong những người ủng hộ Tổng thống Macron lâu năm và là người sáng lập nên không gian này cho phe trung dung, biến giấc mơ của ông Macron thành hiện thực từ năm 2017".

Trong khi đó, ông Christophe Boutin - nhà khoa học chính trị và giáo sư luật công tại Đại học Caen, bình luận: “Bayrou là sự lựa chọn hợp lý vì ông ấy đáp ứng được nhiều tiêu chí”. Vị giáo sư này giải thích thêm: “Ông ấy nổi tiếng trong công chúng, ông ấy không tỏ ra thù địch với hầu hết các đảng phái chính trị, và ông ấy đã có sự nghiệp chính trị rộng lớn với tư cách là một nghị sĩ châu Âu, một thị trưởng địa phương và một cựu bộ trưởng. So với (cựu thủ tướng) Michel Barnier cánh hữu bảo thủ, Bayrou sẽ dễ chấp nhận hơn đối với các đảng cánh tả ôn hòa”.

Chính trị gia cực hữu Marine Le Pen (phía sau) đã dẫn đầu nỗ lực bỏ phiếu bất tín nhiệm và phế truất cựu Thủ tướng Michel Barnier. Ảnh: FT.

Chính trị gia cực hữu Marine Le Pen (phía sau) đã dẫn đầu nỗ lực bỏ phiếu bất tín nhiệm và phế truất cựu Thủ tướng Michel Barnier. Ảnh: FT.

Theo truyền thông Pháp, các cuộc đàm phán về vị trí thủ tướng tương lai đã kết thúc trong thế giằng co. Nhiều nghị sĩ từ phong trào MoDem trung dung của ông Bayrou nói với các nhà báo rằng nếu lãnh đạo của họ không được đề cử, đảng của họ sẽ tách khỏi liên minh của Tổng thống Macron, khiến vị lực lượng của vị nguyên thủ đang gặp khó khăn này có nguy cơ mất khoảng 36 ghế. “Trong trường hợp đó, lực lượng của Tổng thống Macron sẽ còn yếu hơn nữa. Vì vậy, ông ấy cũng buộc phải chọn Bayrou thay vì các ứng cử viên khác”, Philippe Moreau-Chevrolet, một chuyên gia truyền thông chính trị, nhận định với Euronews.

Thách thức lớn chờ đón

Theo Điều 8 của Hiến pháp Pháp, Tổng thống có quyền bổ nhiệm các bộ trưởng mới “theo đề xuất” của Thủ tướng. Do đó, các ông Macron và Bayrou sẽ phải làm việc nhanh chóng để thành lập nội các. Dù không bắt buộc, nhưng sau khi nội các được bầu, Thủ tướng mới được bổ nhiệm có thể có bài phát biểu về chính sách chung trước Quốc hội. Đây là một sự kiện rất được mong đợi và theo dõi chặt chẽ vì nó có xu hướng tiết lộ bản chất của chính phủ tương lai.

“Bayrou sẽ phải nói chuyện với mọi người, để cố gắng tạo ấn tượng rằng những cuộc thảo luận này là trên tinh thần đồng nghiệp. Ông ấy sẽ cần phải thoát khỏi phong cách quản lý theo kiểu từ trên xuống của Tổng thống Macron. Điều đó cực kỳ quan trọng, nếu xét đến việc ông Macron hiện đang đánh mất nhiều sự ủng hộ”, chuyên gia Philippe Moreau-Chevrolet cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Euronews.

Quốc hội Pháp hiện đang chia thành ba khối đối lập: hàng ngũ của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen; các đồng minh ủng hộ Tổng thống Macron và Mặt trận Bình dân Mới, một liên minh bao gồm từ những người theo chủ nghĩa xã hội đến cực tả France Unbowed (Nước Pháp bất khuất).

Nếu không có những người theo chủ nghĩa xã hội tham gia vào liên minh, Tổng thống Macron có nguy cơ phải bỏ phiếu bất tín nhiệm một lần nữa đối với chính phủ của mình. Cần biết rằng, cựu Thủ tướng Barnier đã bị hạ bệ sau khi đảng cực tả France Unbowed kêu gọi biện pháp bất tín nhiệm, và lực lượng của bà Le Pen ủng hộ biện pháp này.

Le Pen đã định vị đảng của bà là người bảo vệ các hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động và trung lưu đã bị lạm phát trừng phạt. Bà đã đối đầu với cựu Thủ tướng Barnier trong cuộc chiến ngân sách, cảnh báo ông không nên thực hiện các kế hoạch tăng thuế điện, giảm tiền hoàn trả thuốc và trì hoãn việc tăng lương hưu liên quan đến lạm phát. Thủ tướng Barnier đã khuất phục trước áp lực đối với hai yêu cầu đầu tiên nhưng vẫn giữ vững lập trường về lương hưu, dẫn đến quyết định của Le Pen nhằm lật đổ ông.

Bây giờ, ông Bayrou sẽ phải đi trên một sợi dây căng tương tự. Nhưng ở giai đoạn này, mới chỉ có đảng cực tả France Unbowed tuyên bố họ sẽ thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Các đảng khác thành lập liên minh cánh tả NFP có phản ứng ôn hòa hơn. Đảng Xã hội (PS) tuyên bố họ từ chối tham gia chính phủ mới nhưng ám chỉ rằng họ sẵn sàng hợp tác nếu ông Bayrou từ bỏ việc sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.

Ưu tiên trước mắt của tân Thủ tướng Francois Bayrou là thông qua luật tạm thời để kéo dài ngân sách năm nay đến những tháng đầu năm 2025. Ảnh: Bloomberg.

Ưu tiên trước mắt của tân Thủ tướng Francois Bayrou là thông qua luật tạm thời để kéo dài ngân sách năm nay đến những tháng đầu năm 2025. Ảnh: Bloomberg.

Thất bại của cựu Thủ tướng Barnier là kết quả của việc ông sử dụng Điều 49.3 để buộc phải thông qua ngân sách quốc gia thắt lưng buộc bụng mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội. Điều này đã mở ra cơ hội để tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông Barnier, sau khi liên minh cánh tả NFP và đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen quyết định hợp tác với nhau.

Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia, Nghị sĩ châu Âu Jordan Bardella, cho biết lần này đảng của ông sẽ không bỏ phiếu chống lại Bayrou miễn là tân thủ tướng không vượt qua một số "lằn ranh đỏ" về các chủ đề như nhập cư và lương hưu.

Những nhiệm vụ cấp bách với tân thủ tướng Pháp

Những chuyên gia phân tích chính trường Pháp cho biết, tân Thủ tướng Bayrou sẽ phải soạn thảo một ngân sách mới cho năm 2025 trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về thâm hụt công của đất nước, dự kiến sẽ đạt hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội trong năm nay, gấp đôi giới hạn của Liên minh châu Âu (EU).

Việc cắt giảm thuế của Tổng thống Macron đối với các tập đoàn và hộ gia đình, cùng với các khoản trợ cấp đáng kể để chống lại đại dịch COVID-19 và giá năng lượng tăng vọt sau cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tạo ra một lỗ hổng trong những tài khoản công của Pháp, khiến cả các nhà đầu tư và cử tri đều choáng váng.

Tình trạng bế tắc về ngân sách đã gây sức ép lên cổ phiếu Pháp trong khi mức phí bảo hiểm mà các nhà đầu tư yêu cầu để nắm giữ nợ dài hạn của chính phủ đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro năm 2012.

Ưu tiên trước mắt của tân Thủ tướng Francois Bayrou vì thế là thông qua luật tạm thời để kéo dài ngân sách năm nay đến những tháng đầu năm 2025, nhằm tránh việc chính phủ đóng cửa. Sau đó, ông Bayrou sẽ phải đảm nhiệm nhiệm vụ phức tạp hơn là thông qua ngân sách quốc gia cho năm tới.

Và, với mức thâm hụt ngân sách của Pháp đã lên tới 6% GDP, thủ tướng mới sẽ phải cân nhắc việc tăng thuế nghiêm ngặt cùng với việc cắt giảm ngân sách mạnh tay. Nhưng do hoạt động của quốc hội bị đình chỉ từ ngày 20 tháng 12 đến ngày 14 tháng 1, cuộc chiến về ngân sách dự kiến sẽ không thể bắt đầu cho đến khi bước vào năm mới.

Nông dân Pháp biểu tình phản đối Thỏa thuận về thương mại tự do mà EU mới ký với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Ảnh: Euronews.

Nông dân Pháp biểu tình phản đối Thỏa thuận về thương mại tự do mà EU mới ký với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Ảnh: Euronews.

Một chủ đề nóng khác đang được thảo luận: Chính phủ mới được kỳ vọng sẽ có câu trả lời cho ngành nông nghiệp đang tức giận. Nông dân Pháp đã biểu tình trong nhiều tháng qua về thỏa thuận tạo ra một khu vực thương mại do với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) mà Ủy ban EU mới ký kết.

Thỏa thuận này sẽ xóa bỏ các mức thuế quan đối với các mặt hàng như rượu vang, pho mát, rượu mạnh hoặc chocolate… khiến nông dân Pháp tức giận vì cho rằng điều đó sẽ khiến họ bị cạnh tranh bởi các sản phẩm giá rẻ hơn đến từ Nam Mỹ. Họ sử dụng máy kéo và dựng hàng rào gỗ trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc nhằm kêu gọi chính phủ hành động nhiều hơn để bảo vệ nông dân.

Tất cả những thông điệp giận dữ ấy, cùng với sự khó khăn của ngân sách và cán cân quyền lực bấp bênh trong Quốc hội, đang khiến nhiệm kỳ thủ tướng của ông Bayrou trở nên vô cùng khó đoán định. Hy vọng rằng, nhiệm kỳ ấy sẽ dài hơn nhiều so với quãng thời gian 3 tháng mà người tiền nhiệm của ông, cựu Thủ tướng Barnier, tại vị.

Quang Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nuoc-phap-voi-niem-hy-vong-mang-ten-francois-bayrou-i753868/