Nước Pháp xử lý nạn bạo lực học đường thế nào?
Sau vụ tự tử của một học sinh 15 tuổi vì bị bắt nạt trong trường học, Chính phủ Pháp đã lên kế hoạch thực hiện các biện pháp mới nhằm dập tắt hoàn toàn nạn bạo lực học đường.
Sau vụ tự tử của học sinh 15 tuổi xảy ra vào hồi tháng 9 làm dậy sóng truyền thông Pháp, Chính phủ nước này mới đây đã công bố một kế hoạch chống bạo lực học đường mới.
Trước đó, theo phụ huynh của học sinh đã tự tử - nạn nhân của bạo lực học đường, gia đình đã trình báo với nhà trường và chính quyền địa phương, song vụ việc chưa được xử lý nghiêm minh và giải quyết thỏa đáng.
Trước vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp - ông Gabriel Attal khẳng định rằng, cần có một quy định mới nghiêm khắc hơn để nâng cao ý thức về nạn bạo lực học đường.
Hành vi bạo lực học đường có thể bị xử lý hình sự
Thủ tướng Pháp cho rằng, so với quy định trước đây, học sinh có hành vi bạo lực học đường sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn. Theo đó, trường hợp phát hiện học sinh có hành vi bắt nạt người khác thì học sinh này phải tham gia các khóa đào tạo công dân đặc biệt, tập trung vào vấn đề chống bạo lực.
Đồng thời, các vụ bạo lực học đường được báo cáo chính thức cũng sẽ được chuyển trực tiếp đến các công tố viên tiểu bang.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne
Có thể áp dụng hình phạt tù đối với những hành vi bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Pháp, chế tài phạt tù đối với hành vi bạo lực học đường cần được quy định cụ thể, tối đa có thể là 10 năm tù. Ngoài ra, đối với học sinh có hành vi đặc biệt nghiêm trọng, Tòa án Pháp có thể ra Lệnh cấm tiếp xúc với bạn học hoặc buộc phải chuyển trường.
Đồng thời, trong những trường hợp rất nghiêm trọng, tòa án vị thành niên có thể ra Lệnh tịch thu điện thoại di động vĩnh viễn đối với học sinh có hành vi quấy rối hoặc bạo lực học đường.
Hiện các nhà lập pháp Pháp cũng đang xem xét luật cấm các cá nhân truy cập vào các nền tảng mạng xã hội từ 6-12 tháng kích động bạo lực để quấy rối bạn học. Nhưng hình phạt này chỉ có thể được áp dụng nếu người phạm tội bị kết tội hình sự.
Thiết lập bảng câu hỏi phát hiện hành vi bạo lực học đường
Để phát hiện một cách kín đáo có hành vi bạo lực học đường đang xảy ra, Thủ tướng Elisabeth Borne cho biết, Chính phủ Pháp sẽ chuẩn hóa bảng câu hỏi tự đánh giá cho học sinh.
Thiết bị này tuy đã tồn tại nhưng sẽ được mở rộng hơn thông qua một thuật toán tự động để giúp giáo viên nắm bắt được tình hình lớp học và phát hiện sớm hành vi bạo lực học đường có nguy cơ xảy ra,
Bắt đầu từ ngày 9/11 - Ngày Chống bạo lực học đường quốc gia tại Pháp, bảng câu hỏi sẽ được phát cho tất cả học sinh từ 8 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng sẽ tăng cường sự liên kết, phối hợp và trao đổi giữa nhà trường, lực lượng cảnh sát, tư pháp. Đồng thời mở đường dây nóng khẩn cấp 3018 để phản ánh về tình trạng bạo lực học đường
Ngoài ra, Bộ trưởng Gabriel Attal nói rằng, mỗi trường học ở Pháp sẽ thành lập một bộ phận chuyên trách để phòng chống vấn đề bạo lực học đường. Hội đồng này gồm các nhà tâm lý học trẻ em và những người đã được đào tạo để xử lý các vấn đề bắt nạt học đường.
Khóa học đồng cảm
Bắt đầu từ năm học 2024-2025, mỗi tỉnh của Pháp sẽ có một trường thí điểm triển khai các khóa học về sự đồng cảm - theo mô hình ở Đan Mạch. Lớp học này sẽ dành cho học sinh mầm non và cấp tiểu học.
Theo đó, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh lựa chọn thảo luận về các chủ đề như: tình bạn, tinh thần tương thân tương ái, lòng dũng cảm để khiến họ tôn trọng và biết đồng cảm với bạn bè của mình.
Vấn đề bạo lực học đường ở Pháp nghiêm trọng đến mức nào?
Theo con số thống kê của Chính phủ Pháp, 14% học sinh Pháp từng bị quấy rối nghiêm trọng ở trường. Trong đó, tỉ lệ các vụ bạo lực học đường xảy ra ở các cấp học như sau: 54% xảy ra ở các trường đại học và cấp trung học cơ sở; 23% xảy ra ở cấp tiểu học và 13% xảy ra ở cấp trung học phổ thông.
Cụ thể, tại cấp trung học cơ sở, cứ mỗi lớp học lại có 2 học sinh trở thành nạn nhân của các hành vi quấy rối hoặc bạo lực học đường. Đồng thời, cứ 5 học sinh thì có 1 học sinh cho biết các em từng là nạn nhân của ít nhất một vụ bắt nạt trên mạng xã hội và khoảng 50% cho biết các em đã bị quấy rối ít nhất một lần trong năm qua.
Trong khi đó, đối với phụ huynh Pháp, quấy rối và bắt nạt trên không gian mạng trở thành mối lo ngại nhất. Cụ thể, trong một cuộc khảo sát về cách nuôi dạy con cái, khoảng 56% các bậc cha mẹ ở Pháp đã liệt kê bạo lực học đường là một trong những điều khiến họ lo lắng nhất khi con đến trường.
Nguồn: The Local, The Connexion