Nước rút đến đâu, khắc phục đến đó...

Đợt mưa lớn vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhà nước và nhân dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Hiện, công tác cứu trợ, hỗ trợ và khắc phục hậu quả ngập lụt đang được người dân, chính quyền địa phương tiến hành khẩn trương với phương châm 'nước rút đến đâu, khắc phục đến đó'…

Ngập lụt tại Lệ Thủy.

Ngập lụt tại Lệ Thủy.

Tất bật, dọn dẹp nhà cửa

Ngày 30/10, nước đã bắt đầu rút tại "rốn lũ" huyện Lệ Thủy khoảng hơn 1,2m. Đây cũng là thời điểm người dân địa phương bắt đầu tiến hành vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa sau đợt bão lụt vừa qua.

Anh Nguyễn Đình Thiện, thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy cho hay, gia đình anh nước vào nhà gây ngập lụt gần 2m, từ hôm qua đến nay, nước bắt đầu rút dần, anh và các thành viên trong gia đình đang phải tất bật, dọn dẹp nhà cửa.

Người dân huyện Lệ Thủy tiến hành vệ sinh sau ngập lụt.

Người dân huyện Lệ Thủy tiến hành vệ sinh sau ngập lụt.

“Hiện nay, mưa trên địa bàn huyện đã tạnh, nước bắt đầu rút dần nhưng rất chậm. Từ tối hôm qua đến giờ, gia đình tôi vẫn phải theo dõi mực nước. Với người dân Lệ Thủy từ bao đời nay công tác khắc phục hậu quả mưa lụt luôn được tiến hành khẩn trương, khoa học. Với phương châm “nước rút đến đâu, khắc phục đến đó”, tôi phải tranh thủ nước lụt để nhanh chóng đẩy phù sa ra khỏi nhà. Bởi nếu không thực hiện nhanh và không có nước, thì bùn non sẽ kết lại quá khô, sau này dọn dẹp rất khó khăn…”, anh Thiện chia sẻ.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, anh Nguyễn Văn Thuần (thôn Phú Thọ, xã An Thủy) phải trực tại Trung tâm Chỉ huy của huyện Lệ Thủy. Đến sáng hôm nay, anh mới xin phép lãnh đạo tranh thủ về nhà để dọn dẹp nhà cửa, thu xếp lại đồ đạc.

“Mưa lũ khiến nước vào nhà tôi, ngập hơn 1m. Từ chiều qua đến nay, nước đã rút được hơn 1m. Hiện tại nước đã ra khỏi nhà. Gia đình tôi đã dọn dẹp xong, giờ tôi lại phải lên Trung tâm Chỉ huy để tiếp tục công việc…", anh Nguyễn Văn Thuần cho hay.

Nhiều cơ quan đã vệ sinh sạch sẽ phòng làm việc sau ngập lụt.

Nhiều cơ quan đã vệ sinh sạch sẽ phòng làm việc sau ngập lụt.

Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy Dương Đức Phố cho biết, hơn 1.600 hộ nhà dân ở xã đều bị ngập lụt, có nhiều nơi ngập sâu từ 1m trở lên. Tuy nhiên, với kinh nghiệm "sống chung" với lụt hàng chục năm qua, người dân địa phương đã rất chủ động trong công tác khắc phục hậu quả sau bão lụt. Hiện tại, địa phương vẫn còn thôn Xuân Lai và Mai Hạ nước ngập sâu…

"Sau lụt, địa phương vẫn còn nhiều bộn bề, ngổn ngang và thiệt hại nhưng bà con sẽ cố gắng khắc phục để trở lại với cuộc sống bình thường. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể và lực lượng vũ trang sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cùng nhân dân; đặc biệt là các hộ gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người già và các trường học…", ông Phố thông tin.

Chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên gia đình có thiệt hại về người do ngập lụt.

Chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên gia đình có thiệt hại về người do ngập lụt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn cho biết, địa phương đã nhanh chóng thành lập tổ tiếp nhận hàng cứu trợ tại 2 khu vực là ngã tư Cam Liên (xã Cam Thủy) và chợ Đôộng (xã Mai Thủy). Tất cả nhu yếu phẩm của các cá nhân, tổ chức sau khi địa phương tiếp nhận sẽ vận chuyển bằng thuyền của ngư dân vùng biển Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc tiếp tế cho người dân. Từ ngày hôm qua (29/10) đến nay, các chuyến hàng cứu trợ của cá nhân, tổ chức vận động đã được trao tận tay cho người dân vùng lũ Lệ Thủy. Dự kiến, thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhu yếu phẩm cần thiết nữa được phân phát hỗ trợ cho người dân vùng "rốn lũ"…

Tập trung khắc phục hậu quả…

Ông Lê Văn Sơn cho biết thêm, hiện, mực nước vẫn còn cao, mặt khác, tình hình mưa đang diễn biến phức tạp nên địa phương đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn tiếp tục quán triệt đến người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là; không đánh bắt cá, vớt rều, củi nhằm tránh tai nạn xảy ra. Trường hợp cần thiết phải di chuyển thì phải mặc áo phao để bảo đảm an toàn.

Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh với phương châm “nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó"; khắc phục những đoạn đường giao thông bị sạt lở, cầu cống bị hư hỏng bảo đảm cho các phương tiện lưu thông thông suốt, an toàn; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, xác động vật chết, nước sinh hoạt; bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh...

Hỗ trợ người dân vùng ngập lụt Lệ Thủy.

Hỗ trợ người dân vùng ngập lụt Lệ Thủy.

Cũng theo ông Lê Văn Sơn, cần phát huy tinh thần "tương thân, tương ái" giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, chú ý quan tâm đến các đối tượng chính sách, những người già neo đơn, gia đình bị thiệt hại nặng để giúp các gia đình sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt; đồng thời rà soát lại tình hình đời sống của nhân dân sau lũ để có phương án cứu trợ, không để các gia đình bị thiệt hại nặng bị thiếu đói đứt bữa…

Những chuyến hàng cứu trợ tiếp tục đến với người dân vùng ngập lụt Lệ Thủy.

Những chuyến hàng cứu trợ tiếp tục đến với người dân vùng ngập lụt Lệ Thủy.

“Các cơ quan, đơn vị cần phân công cán bộ về tận cơ sở, thôn, bản, tổ dân phố để kiểm tra, nắm tình hình thiệt hại do bão số 6 và ngập lụt gây ra; kịp thời thăm hỏi, động viên các gia đình có người mất, những gia đình bị thiệt hại nặng; tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ kịp thời, đúng đối tượng; triển khai vệ sinh môi trường trên các tuyến đường...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn chia sẻ thêm.

Tính đến chiều 30/10, do ảnh hưởng của bão số 6, huyện Lệ Thủy có 3 người chết, 4 người bị thương; tổng số nhà ngập nước hơn 19.700 nhà; diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại hơn 600ha; số gia súc, gia cầm chết, bị cuốn trôi gần 62.000 con; diện tích nuôi cá-lúa, nuôi hồ mặt nước hơn 400ha; 52 điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó có 448 phòng học bị ngập nước, 24 điểm trường bị thiệt hại về cơ sở vật chất; hơn 16.000m kênh mương, đê bao bị sạt lở, hư hỏng… Ước tính thiệt hại gần 300 tỷ đồng.

Ngọc Hải

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202410/nuoc-rut-den-dau-khac-phuc-den-do-2222010/