Quảng Bình tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai

Ròng rã nhiều ngày qua, hàng nghìn hộ dân tại tỉnh Quảng Bình phải gồng mình giữa lũ lớn, mưa to.

Một số trường học trên địa bàn Quảng Bình tiến hành dọn dẹp để sớm đưa học sinh trở lại trường.

Một số trường học trên địa bàn Quảng Bình tiến hành dọn dẹp để sớm đưa học sinh trở lại trường.

Lũ nhấn chìm làng mạc

Lệ Thủy và Quảng Ninh là 2 huyện phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lũ. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến tối 29/10, tỉnh Quảng Bình vẫn còn hơn 30.000 hộ dân bị ngập lụt.

Nước lũ trên các sông Kiến Giang (Lệ Thủy), sông Long Đại (Quảng Ninh) xuống chậm, vẫn trên mức báo động 3. Vì cửa biển Nhật Lệ bị bồi lắng, thu hẹp nên bình quân trong 1h nước lũ rút được 5cm-10cm.

 Nhiều ngôi nhà tại huyện Lệ Thủy vẫn chìm trong biển nước.

Nhiều ngôi nhà tại huyện Lệ Thủy vẫn chìm trong biển nước.

Sáng nay, nước lũ tại 2 huyện này tiếp tục rút. Song, còn nhiều ngôi nhà vẫn ngập trong biển nước. Mưa lũ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống mưu sinh của người dân.

Sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt, chị Nguyễn Thị Tuyên (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) phải dành nhiều giờ liền để dọn dẹp nhà cửa ngay khi nước rút.

“Nước lũ dâng nhanh nhưng rút rất chậm. Người dân chúng tôi vừa canh lũ, vừa dọn dẹp khi nước rút, làm cách này sẽ đỡ vất vả về sau”, chị Tuyên chia sẻ.

 Công an Quảng Bình hỗ trợ lương thực cho người dân vùng ngập sâu.

Công an Quảng Bình hỗ trợ lương thực cho người dân vùng ngập sâu.

Khác với tình cảnh của chị Tuyên, gia đình chị Võ Thị Đoài (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vẫn căng mình trong lũ. Cả gia đình đang phải sinh hoạt trong lo âu vì mực nước vẫn cao xấp xỉ 1m.

“Không riêng gì tôi, người dân Lệ Thủy đã khá quen với cảnh chạy lũ. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, tình người vẫn ở đó khi người dân sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ lương thực, thực phẩm ít ỏi”, chị Đoài chia sẻ.

Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình, nước lũ trên hạ lưu sông Kiến Giang - Nhật Lệ đang rút nhưng và vẫn ở mức cao. Mực nước lúc 1h ngày 30/10 tại trạm Lệ Thủy (TT Kiến Giang) 3,44m trên báo động 3 0,74m; trên sông Nhật Lệ tại Hàm Ninh 3,15m trên báo động 3 0,55m.

Tình người mùa lũ

Sau khi nhận thông tin kêu gọi hỗ trợ của người dân trên mạng xã hội, nhiều chuyến hàng cứu trợ do cá nhân, tổ chức vận động đã đến tay người dân vùng lũ Lệ Thủy và Quảng Ninh.

Từ chiều 29/10, huyện Lệ Thủy đã thành lập Ban tiếp nhận cứu trợ tại 2 khu vực là ngã tư Cam Liên, QL1 (xã Cam Thủy) và chợ Động (xã Mai Thủy). Sau tiếp nhận, những nhu yếu phẩm này sẽ được các đoàn vận chuyển tiếp tế cho khu vực cô lập.

 Các mẹ, các chị tại xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) làm cá khô gửi vào vùng lũ.

Các mẹ, các chị tại xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) làm cá khô gửi vào vùng lũ.

Theo ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, việc thành lập các điểm tiếp nhận sẽ giúp phân bổ lương thực, thực phẩm phù hợp, tránh tình trạng dồn về một vùng.

Huyện Lệ Thủy khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển bằng ghe, thuyền vừa để tránh nguy hiểm, vừa tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng cứu hộ tiếp cận khu vực ngập sâu.

 Người dân xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) quyên góp, hỗ trợ người dân vùng thiên tai.

Người dân xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) quyên góp, hỗ trợ người dân vùng thiên tai.

Với tinh thần tương thân tương ái, người dân nhiều nơi tại xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bị ảnh hưởng do lũ lụt. Trong sáng nay, các mẹ, các chị tại địa phương đã chung tay góp sức làm ra những hộp cá khô gửi vào người dân vùng “rốn lũ”.

Là người đứng ra kêu gọi hỗ trợ, anh Võ Văn Sĩ (xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Dù trong lũ hay khi lũ rút thì bà con vùng thiên tai vẫn khó khăn trong sinh hoạt, thiếu nước và thực phẩm. Trước mắt, chúng tôi kêu gọi người dân ủng hộ những hàng hóa thiết yếu như nước đóng chai, thuốc, mì tôm, lương khô, bánh sữa”.

Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, các địa phương vùng lũ phải chủ động lên phương án tiếp nhận, điều phối cứu trợ, triển khai hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian sớm nhất.

Các ngành chức năng phải kịp thời triển khai phương án xử lý hệ thống nước, đảm bảo hệ thống điện, thông tin liên lạc, hướng dẫn người dân các kỹ năng sử dụng điện an toàn. Cảnh báo tình trạng ngập lụt cho người dân huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại khu vực sườn dốc vùng núi, sạt lở bờ sông.

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, mưa lũ đã làm hơn 32.000 ngôi nhà bị ngập lụt (huyện Lệ Thủy có hơn 19.000 ngôi nhà, huyện Quảng Ninh có hơn 12.000 ngôi nhà ngập trong nước).

Mưa lũ làm 3 người chết và 1 người mất tích, hiện công tác tìm kiếm người mất tích vẫn đang được triển khai.

Lan Nhi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quang-binh-tap-trung-moi-nguon-luc-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-post706614.html