Nước sạch cho đô thị Tuy Hòa

Học sinh tham quan, tìm hiểu về Nhà máy nước Tuy Hòa - nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố. Ảnh: VIỆT AN

Không khí và nước sạch là hai yếu tố quan trọng hàng đầu để đánh giá về môi trường của một đô thị sống tốt. Nước sạch đô thị dùng cho ăn uống, sinh hoạt, tưới cây, rửa đường. Nước còn dùng cho sản xuất công nghiệp… Ở đâu có nước, ở đó có sự sống.

Nguồn nước dồi dào

Nguồn nước ngọt tại đô thị Tuy Hòa do sông Ba và hệ thống thủy nông Đồng Cam cung cấp. Sông Ba có tổng lưu vực là 13.900km2, lưu lượng nước trung bình đo được tại thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) là 157m3/s.

Trước năm 1932, khi chưa có đập Đồng Cam, vào mùa khô, cả cánh đồng Tuy Hòa rộng lớn biến thành vùng thảo nguyên khô cằn. Các giếng đào sâu hàng chục mét cũng khô cạn. Sản xuất nông nghiệp chỉ làm được một vụ lúa và hoàn toàn trông chờ vào nước trời.

Nhờ có nguồn nước ngọt từ hệ thống đập Đồng Cam điều phối mà cả cánh đồng Tuy Hòa (trừ phía nam sông Bánh Lái) sản xuất nông nghiệp phát triển, thâm canh lúa tăng vụ, cây cối xanh tươi bốn mùa. Nước ngọt có mặt ở mọi nơi từ ruộng đồng, xóm làng đến kênh mương, sông hồ… Nước ngấm sâu xuống lòng đất tạo thành những mạch ngầm, những “túi nước” di chuyển về phía sông, phía biển. Dọc bờ biển Tuy Hòa, ta chỉ cần vét sâu xuống vài mét là bắt gặp nguồn nước ngọt nằm dưới lòng đất. Mặt khác, đồng bằng Tuy Hòa với địa chất phần lớn là đất cát, nên rất tốt cho lưu chuyển và thanh lọc nguồn nước ngầm trong lòng đất. Nước ngầm nơi nào cũng có, chất lượng khá tốt, ở độ sâu không lớn nên rất thuận lợi cho khai thác và cây cối phát triển.

Nước khai thác cho Nhà máy nước Tuy Hòa hiện nay là nguồn nước ngầm, mạch nông bên bờ tả sông Đà Rằng, tại trạm bơm cấp 1 xã Hòa An và xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), cách cửa biển Đà Diễn từ 4-6km về phía thượng nguồn; với khoảng cách này, nước biển không dâng lên được tới khu vực khai thác. Nước ngọt từ đây được bơm về khu xử lý tại xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa; sau khi qua khu xử lý thành nước sạch và được trạm bơm cấp 2 có công suất 28.000m3/ngày đêm đẩy đi tiêu thụ.

Nâng công suất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nước sạch

Trước ngày tái lập tỉnh năm 1989, TX Tuy Hòa chưa có nước máy, người dân dùng nguồn nước ngầm từ giếng đào, sau này dùng giếng khoan. Nhìn chung, giếng đào hay giếng khoan ở nơi đâu cũng đều có nước, chất lượng nước ngọt khá tốt; nhiều hay ít, nông hay sâu phụ thuộc vào mạch ngầm trong lòng đất.

Sau ngày tái lập tỉnh, TX Tuy Hòa trở lại là tỉnh lỵ Phú Yên. Ngay từ những ngày đầu, UBND tỉnh thành lập Ban quản lý Công trình trực thuộc Sở Xây dựng để tiến hành khảo sát, thiết kế, xây dựng Nhà máy nước Tuy Hòa. Đây là công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, cũng là công trình dân sinh đầu tiên được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách khá lớn của tỉnh, với phương châm xây dựng nhanh để có nước máy sinh hoạt và sản xuất.

Tiền thân của Ban quản lý Công trình về sau là Công ty Cấp nước Phú Yên; đến tháng 12/2005 đổi thành Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Phú Yên và tháng 11/2015 trở thành Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên. Hiện nay, công ty lớn mạnh với tổng số cán bộ công nhân viên là 220 người, với chức năng quản lý, khai thác các nhà máy cấp nước, vận hành hệ thống thoát nước tại các đô thị trong toàn tỉnh như nhà máy cấp nước, hệ thống thoát nước TP Tuy Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, La Hai, Chí Thạnh, Sông Cầu…

Theo kỹ sư xây dựng Nguyễn Tấn Thuần, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên, quy trình cung cấp nước sạch tại đô thị Tuy Hòa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 1900-2015; chất lượng nước đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn 01/2009/BYT của Bộ Y tế. Nước sạch tại TP Tuy Hòa được đánh giá là có chất lượng khá tốt so với nước tại nhiều đô thị khác.

Dịch vụ cấp nước của Nhà máy nước Tuy Hòa là 24/24 giờ, với áp lực cuối nguồn là 0,5kg/cm2 (tương đương với 5m cột nước). Vùng phục vụ của nhà máy là 12 phường nội thành với tỉ lệ dân số dùng nước máy hiện nay ước khoảng 80% và 4 xã ngoại thành với dân số dùng nước máy khoảng 12%. Ngoài ra, Nhà máy nước Tuy Hòa còn cấp nước cho các phường Hòa Vinh, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa), rồi khu công nghiệp An Phú, khu công nghiệp Hòa Hiệp.

Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Tuy Hòa và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, thì đến năm 2025, TP Tuy Hòa lên đô thị loại I thuộc tỉnh Phú Yên. Dân số thành phố và vùng phụ cận hiện tại khoảng 22 vạn người, dự kiến theo quy hoạch đến năm 2030 là 26 vạn và năm 2040 là 30 vạn người. Với tiêu chuẩn cấp nước đô thị 150 lít nước/người/ngày đêm, Nhà máy nước Tuy Hòa với công suất hiện tại 28.000m3/ngày đêm sẽ được nâng lên là 50.000m3/ngày đêm mới đáp ứng đủ nước cho thành phố và vùng phụ cận.

Hiện nay, quan niệm “nhiều như nước” không còn phù hợp vì nước ngọt là tài nguyên quý giá cần phải được quản lý, khai thác, tiết kiệm khi sử dụng. Chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ nguồn nước ngọt bằng việc trồng nhiều cây xanh để giữ nước; không thải nguồn nước bẩn chưa được xử lý ra môi trường; nạo vét khơi thông dòng chảy kênh rạch trong nội thành để nước không còn ứ đọng và ô nhiễm..

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/268608/nuoc-sach-cho-do-thi-tuy-hoa.html