Nước sạch nông thôn: Cần tiếp tục đầu tư
Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là số trạm cấp nước sạch khu vực nông thôn vẫn còn thiếu, nhiều nơi bị xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân, và là một trong các tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao. Những năm qua, việc đưa nước sạch đến với người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đầu tư, qua đó nâng cao tỷ lệ người dân được tiếp cận nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. Nhiều công trình cấp nước tập trung giải quyết tốt nhu cầu về nước sinh hoạt cho những hộ dân vùng nông thôn.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là số trạm cấp nước sạch khu vực nông thôn vẫn còn thiếu, nhiều nơi bị xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong khi đó, lại có những trường hợp, người dân ở gần các nhà máy, trạm cấp nước nhưng không chịu đấu nối nguồn nước sạch mà vẫn sử dụng nước giếng khoan.
Nước sạch thay thế nước phèn
Hơn 10 năm qua, người dân sống dọc theo tuyến đường 796, thuộc ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành không còn lo lắng về tình trạng nước sinh hoạt nhiễm phèn nặng.
Bà Trần Thị Thái, ngụ tổ 9, ấp Bến Cừ cho biết, trước đây, người dân ở khu vực này thường sử dụng nước giếng (giếng đào hoặc giếng khoan) để phục vụ ăn uống, tắm giặt. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm tại đây bị nhiễm phèn nặng đã ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân; bà Thái thường mang bình 30 lít đi chở nước từ nơi khác về phục vụ việc ăn uống của cả nhà.
Theo bà Thái, do sử dụng nước nhiễm phèn nên các vật dụng như bồn nước, thau, chậu đều bị ám màu vàng đỏ, các van nước thì thường xuyên hư hỏng, quần áo giặt không sạch, đặc biệt là quần áo trắng chỉ cần qua một vài lần giặt đều bị ố vàng.
Từ khi công trình cấp nước sạch tập trung của ấp Bến Cừ đi vào hoạt động, dù đường ống lúc đó còn cách nhà gần 500m, nhưng gia đình bà và các hộ xung quanh đã đăng ký lắp đặt đường ống cấp nước sạch. Mỗi tháng gia đình bà tốn chưa đến 100.000 đồng phí cấp nước, nhưng được sử dụng nước sạch, không phải vất vả đi chở nước sạch từ nơi khác về sử dụng, không lo ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ông Lê Long Hổ- quản lý Trạm cấp nước sạch ấp Bến Cừ cho biết, trạm có tổng công suất 5m3/giờ, phục vụ cho 290 hộ dân tại hai ấp Bến Cừ và Gò Nổi của xã Ninh Điền. Hiện tại, đường ống dẫn nước của trạm mới được đầu tư dọc hai bên đường 796 và đường Lò Than (thuộc ấp Bến Cừ), do đó, còn nhiều hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch từ trạm nhưng chưa thể đấu nối.
Hiện nay, các công trình cấp nước tập trung được đầu tư ở khu vực có đông dân cư, còn đối với những khu vực dân cư thưa thớt, khoảng cách giữa các hộ dân xa, việc đầu tư công trình cấp nước tốn chi phí lớn, không mang lại hiệu quả… Để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, từ năm 2018, nhiều địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ hệ thống lọc nước sinh hoạt hộ gia đình theo Nghị quyết số 38/2017/NQ-HĐND ngày 8.12.2017 của HĐND tỉnh và Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21.3.2018 của UBND tỉnh.
Ông Đỗ Văn Hạnh- Trưởng ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho biết, khu vực tổ 7 là vùng có nguồn nước bị nhiễm phèn nặng của địa phương, dân cư lại thưa thớt, cách xa trạm cấp nước xã Suối Dộp nên đời sống người dân tại đây gặp nhiều khó khăn. Được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình ông Hạnh đã lắp đặt hệ thống lọc nước tự động trị giá hơn 6 triệu đồng. Sau hơn 2 năm sử dụng hiệu quả, nước gần như không còn bị phèn, ông Hạnh đã vận động thêm nhiều hộ trang bị hệ thống này.
Nơi cần không có, nơi có không cần
Nhiều năm qua, gia đình ông Phạm Văn Ky, ngụ ấp Phước Tây, xã Long Phước, huyện Bến Cầu phải dùng nước giếng bơm lên để lắng hai, ba ngày mới dám sử dụng tắm và giặt quần áo, còn nước uống, nấu ăn thì phải mua nước bình. Theo ông Ky, hầu hết nước giếng của vùng này đều nhiễm phèn rất nặng, nước bơm lên để vài giờ thì nổi váng, nước vàng, đến tắm giặt còn không dám chứ đừng nói là để ăn uống. Không chỉ nước giếng khoan nhiễm phèn mà ngay cả nguồn nước mặt như các giếng đào, ao hồ cũng bị ô nhiễm nặng; nước có màu vàng, mùi tanh, để lâu sẽ đóng váng.
Tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, ông Lương Huy Quang- quản lý Trạm cấp nước sạch ở địa phương cho biết, đa phần các hộ dân sinh sống trên địa bàn vẫn giữ thói quen sử dụng nước ngầm từ giếng khoan, do nguồn nước tại đây ít nhiễm phèn. Theo thiết kế, trạm cấp nước sạch xã Lợi Thuận có thể phục vụ cho 700 hộ dân, nhưng đến nay chỉ có trên 240 hộ đăng ký sử dụng nước sạch từ trạm. Còn tại một số khu vực gần nghĩa địa, khu thưa thớt dân cư, người dân có nhu cầu nước sạch sử dụng nhưng đường ống của trạm chưa được đầu tư.
Ông Huỳnh Thanh Hùng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bến Cầu cho biết, trên địa bàn huyện có 12 trạm cấp nước tập trung đang hoạt động. Trong đó có 8 trạm cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý; 1 trạm do Công ty cấp nước tỉnh quản lý; 3 trạm do UBND xã quản lý. Bên cạnh đó, từ tháng 4 năm 2023, hệ thống cấp nước Khu đô thị Mộc Bài bắt đầu đi vào hoạt động, hiện trên địa bàn huyện chỉ có xã An Thạnh được thụ hưởng nước sạch từ dự án này.
Trong khi đó, một số trạm cung cấp nước sạch khu vực nông thôn đang xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân; huyện đã đề nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Tây Ninh tiếp tục đầu tư nâng cấp, tăng công suất thiết kế để mở rộng phạm vi hoạt động của các trạm cấp nước tập trung hiện có. Đồng thời, trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các xã thực hiện chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình tại khu vực chưa có đường ống cấp nước của các trạm cố định.
Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Ông Huỳnh Tấn Phúc- Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm Nước sạch) cho biết, trên địa bàn tỉnh có 79 công trình cấp nước (78 công trình cấp nước tập trung nông thôn và 1 công trình cấp nước nhỏ lẻ), trong đó có 73 công trình do Trung tâm Nước sạch quản lý; 5 công trình cấp xã quản lý và 1 công trình hợp tác xã quản lý.
Đa số công trình cấp nước tập trung nông thôn được đầu tư từ những năm 2004, có công nghệ xử lý nước đơn giản, quy mô, công suất nhỏ từ 50 đến 500m3/ngày.đêm, cấp nước cho khu vực dân cư tập trung từ 50-500 hộ dân. So với thiết kế, hiện nay số hộ dân sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch nông thôn đạt 89,87% số hộ thiết kế (25.366 hộ/28.225 hộ); tăng 4.256 hộ dân so với cùng kỳ năm 2022.
Trong năm 2023, Trung tâm Nước sạch tiếp nhận vận hành, đưa vào khai thác 3 công trình cấp nước, gồm: Hệ thống cấp nước Khu đô thị Mộc Bài với công suất thiết kế 7.000m3/ngày.đêm, cấp nước cho 3.000 hộ dân khu vực xã An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và xã Phước Chỉ, Phước Bình thuộc thị xã Trảng Bàng; Công trình cấp nước ấp Trảng Trai với công suất thiết kế 168m3/ngày.đêm, cấp nước cho 100 hộ dân khu vực ấp Trảng Trai, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu; Công trình cấp nước Khu dân cư Cầu Sài Gòn 2 (tại ấp Cây Khế) với công suất thiết kế 2.300m3/ngày.đêm, cấp nước cho 2.685 hộ dân khu vực 4 ấp: Cây Khế, Cây Cầy, Con Trăn, Tân Thuận thuộc xã Tân Hòa, huyện Tân Châu.
Riêng hệ thống cấp nước khu đô thị Mộc Bài được đưa vào vận hành khai thác phục vụ cung cấp nước cho người dân từ đầu tháng 4.2023. Tính đến ngày 1.10.2023, hệ thống hoạt động với công suất thực tế khoảng 1.144m3/ngày.đêm, bảo đảm cung cấp nước phục vụ cho 4.950 hộ dân (bằng 16,3% so với công suất thiết kế).
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21.3.2018 của UBND tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố đã hỗ trợ lắp đặt 6.452 hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, đạt 40,75% so với mục tiêu đề ra. Tổng kinh phí thực hiện là 38,712 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 36,55 tỷ đồng (chiếm 94,42%).
Việc hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình giúp người dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng nguồn nước bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn, góp phần thực hiện tiêu chí 17.1 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Phúc, tính đến thời điểm hiện tại, Gò Dầu là huyện duy nhất chưa có công trình cấp nước tập trung. Bên cạnh đó, người dân phản ánh các công trình cấp nước ở các khu vực thuộc xã Trà Vong (Tân Biên) và các xã Long Thuận, Long Chữ, Long Khánh (Bến Cầu) hiện đã vượt công suất, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân, nhất là vào mùa khô.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nuoc-sach-nong-thon-can-tiep-tuc-dau-tu-a167058.html