Nước sạch về nông thôn
Nhờ chủ động cung cấp nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các công trình cấp nước sạch, hàng ngàn hộ dân ở nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch.
99% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh
Theo Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh - Hà Văn Thiệp, từ năm 2016 đến nay, đơn vị tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phân bổ 296,782 tỉ đồng vốn ngân sách tỉnh, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) cho 107 danh mục công trình nông thôn ở các xã biên giới, xã gặp khó khăn về nước sinh hoạt, các xã NTM để xây mới, nâng cấp, mở rộng hệ thống đường ống, châm chất khử trùng; phân bổ 33 tỉ đồng cho 17 danh mục công trình bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2015-2016, 2019-2020. Việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước nông thôn theo kế hoạch hàng năm được các chủ đầu tư thực hiện hoàn thành và giải ngân 100% vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Qua đó, các công trình cấp nước nông thôn được đầu tư xây mới giai đoạn 2016-2020 có quy mô lớn, liên xã đã góp phần nâng tỷ lệ nước sạch cho người dân, thay thế dần các công trình cấp nước quy mô nhỏ, kém bền vững; duy trì và giữ vững tiêu chí 17.1 xã NTM, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường; sức khỏe tại cộng đồng được cải thiện rõ rệt, các bệnh tật liên quan đến nguồn nước kém vệ sinh ngày càng giảm thiểu; ý thức sử dụng nước sạch trong cộng đồng ngày càng được nâng lên.
Đồng thời, các công trình giao cho đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp quản lý tăng lên 8,27%, đây là mô hình quản lý bền vững, chất lượng nước đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT). Bên cạnh đó, đơn vị tham mưu Sở theo dõi, đôn đốc triển khai cơ bản hoàn thành các dự án cấp nước vùng hạ 2 huyện Cần Đước, Cần Giuộc do doanh nghiệp thực hiện, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch trên toàn tỉnh.
Theo kết quả điều tra Bộ chỉ số năm 2019, toàn tỉnh hiện có 1.547 trạm cấp nước nông thôn, cấp nước cho khoảng 251.321 hộ dân, trong đó, hộ dân nông thôn sử dụng nước máy đạt 76,98%, chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm, 25,4% hộ dân nông thôn còn lại sử dụng nguồn nước nhỏ, lẻ (nước mặt, giếng khoan nông, nước mưa); hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 93,9% (năm 2015) lên 99% cuối năm 2019, ước cuối năm 2020 đạt 99,2%; hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 02:2009/BYT tăng từ 16,6% (năm 2015) lên 51,82% cuối năm 2019, ước cuối năm 2020 đạt 52%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra (nước hợp vệ sinh 98%, nước sạch 45%).
Người dân phấn khởi
Cần Giuộc và Cần Đước là 2 địa phương xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng nhất của tỉnh trong nhiều năm qua. Trong đợt hạn, xâm nhập mặn vừa qua, có hơn 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh đã thực hiện nhiều dự án cấp nước có quy mô tại các xã vùng hạ như: Dự án cấp nước cho huyện Cần Giuộc và Cần Đước; dự án cấp nước cho 2 xã Phước Lại, Long Hậu (huyện Cần Giuộc); dự án cấp nước cho 5 xã vùng hạ huyện Cần Giuộc; dự án cấp nước cho 4 xã vùng hạ huyện Cần Đước;… Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng mang tính chiến lược là đầu tư tuyến ống chính dẫn nước từ Nhà máy Cấp nước Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) để đưa nước sạch về khu vực Chợ Trạm (huyện Cần Đước). Hệ thống đường ống chính dẫn nước này đã được triển khai đầu tư xong với công suất hơn 20.000m3/ngày, đêm. Từ điểm cấp nước Chợ Trạm, nguồn nước tiếp tục được các đơn vị cung cấp đến các hộ dân thuộc thị trấn Cần Giuộc và các xã vùng hạ của 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Nhờ đó, cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các xã vùng hạ.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ khi có nguồn nước sạch về đến từng hộ dân, người dân không còn lo lắng nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, chuyên tâm hơn vào việc lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Việt, ngụ xã Phước Đông, huyện Cần Đước, cho biết: “Lúc trước thiếu nước, người dân ở đây chủ yếu sử dụng nguồn nước mưa dự trữ hoặc nước sông không bảo đảm vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau thời gian đầu tư triển khai đưa nguồn nước sạch về với các hộ dân, hiện nguồn nước sạch được duy trì ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân địa phương”.
Tại huyện Tân Trụ, người dân cũng vô cùng phấn khởi khi được đầu tư đường ống cấp nước về đến từng hộ dân vùng sâu, vùng xa. Hiện huyện có trên 65% hộ dân sử dụng nước sạch. Nhựt Ninh được biết đến là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, hàng năm vào mùa khô rất nhiều hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, nhưng nay người dân không phải lo thiếu nước. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã - Trần Hồng Phong cho biết: “Để bảo đảm người dân đủ nước sinh hoạt, từ đầu năm 2020, các công ty cấp nước cùng địa phương đã đầu tư trên 2,6 tỉ đồng để đấu nối các đường ống cấp nước đến từng hộ dân. Hiện toàn xã có 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có trên 65% hộ sử dụng nước sạch đạt chuẩn”. Phấn khởi khi được hỗ trợ lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt về tận nhà để sử dụng, chị Trần Thị Hòa chia sẻ: “Vào mùa khô, để có nước sinh hoạt, gia đình tôi phải dự trữ nước mưa. Tuy nhiên, nguồn nước này không bảo đảm vệ sinh. Bây giờ có nước sạch về đến tận nhà, nhờ đó mà bảo vệ sức khỏe cho gia đình, không phải lo thiếu nước”.
Theo ông Hà Văn Thiệp, để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, thời gian tới, đơn vị sẽ cùng địa phương tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng nước các công trình cấp nước nông thôn do doanh nghiệp, tư nhân quản lý; tuyên truyền, hướng dẫn quy trình xử lý nước, khử trùng nước để đạt chất lượng nước sạch; tăng cường biện pháp xử phạt nhằm chấn chỉnh các cơ sở cấp nước phải nâng cấp, đầu tư hệ thống khử trùng nước để đạt chất lượng nước sạch. Tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư công cấp nước nông thôn, trong đó chú trọng xây dựng các công trình có quy mô lớn, liên xã, liên huyện; từng bước xóa bỏ các công trình có quy mô nhỏ, chất lượng nước kém; hạn chế mô hình UBND xã và cộng đồng quản lý là những mô hình hoạt động kém hiệu quả, chuyển từ cơ chế phục vụ sang cơ chế dịch vụ. Hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Long An, trong đó tập trung vào các nội dung: Bảo đảm sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ cấp nước cho người nghèo, các khu vực đặc biệt khó khăn; bảo đảm cấp nước an toàn có tính đến biến đổi khí hậu, chỉ tiêu về tỷ lệ thất thoát nước; ưu tiên khai thác các nguồn nước mặt, từng bước giảm khai thác nước ngầm; tăng tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch;…
Ước cuối năm 2020, toàn tỉnh có 52% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch. Mục tiêu cuối năm 2025, toàn tỉnh có 65% hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nuoc-sach-ve-nong-thon-a102743.html