Nước sông Lô cạn, người nuôi cá lồng lao đao
Thời gian gần đây, mực nước sông Lô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có nhiều biến động. Nước sông thường cạn nhiều vào ban đêm do vận hành của đập thủy điện.
Có khu vực, nước sông cạn độ sâu chỉ còn khoảng 10 cm làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc nuôi cá lồng của các hộ dân. Để có phương án phòng tránh do nước sông Lô cạn bất thường, tỉnh Tuyên Quang đang triển khai nhiều giải pháp giúp các hộ nuôi cá lồng giảm bớt thiệt có thể xảy ra.
Tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và xã có hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, hộ nuôi cá trên sông Lô thuộc địa bàn quản lý, hướng dẫn, lựa chọn điểm nuôi cá lồng, bè đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở nuôi cá lồng, bè nước ngọt.
Theo đó, vị trí đặt lồng, bè phải nằm trong vùng quy hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản hoặc phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, không bị ảnh hưởng bởi lũ, phương tiện giao thông thủy, mực nước không bị thay đổi đột ngột, không có dòng xoáy và không bị ảnh hưởng của các nguồn gây ô nhiễm; đáy lồng, bè phải cách đáy sông, hồ ít nhất 0,5 m vào lúc mức nước thấp nhất.
Đối với những trường hợp đặt lồng, bè thành từng cụm thì khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10 m và khi đặt so le, nối tiếp cách nhau tối thiểu 200 m...
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền được thông báo về lịch mở, đóng van xả nước vận hành nhà máy thủy điện cần kịp thời thông tin ngay đến các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, hộ nuôi cá trên địa bàn để chủ động phòng tránh, di dời đến địa điểm nuôi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra…
Với lợi thế về hệ thống sông, hồ phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi thủy sản, những năm gần đây, nuôi cá lồng đã giúp rất nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 2.200 lồng cá; trong đó có 1.100 lồng cá đặc sản; giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 đạt trên 296,9 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2019.