Nước sông Mê Kông lên mức trung bình nhiều năm
ĐBSCL sẽ hết khô hạn từ tháng 6 do nước sông Mê Kông tăng lên mức trung bình nhiều năm.
Ủy hội Sông Mê Kông Quốc tế (MRC) cho biết, tuy vẫn thấp hơn mực nước cùng kỳ mùa khô 2 năm 2018 và 2019 nhưng mực nước trên phần lớn hạ lưu sông Mê Kông hiện đã tăng lên mức trung bình nhiều năm. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng hạn, mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.
Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) cho biết, mực nước trên sông Mê Kông đầu tháng 5 đã đạt mức bình thường so với nhiều năm, nhờ một số trận mưa sớm trên toàn khu vực Mê Kông kể từ tuần thứ ba của tháng Tư vừa qua. Hiện mực nước ở Trạm quan trắc Chiang Saen, Thái Lan – trạm quan trắc xa nhất về phía thượng nguồn của khu vực hạ lưu Mê Kông đang ở mức 3m, cao hơn 1,2m so với mức trung bình. Ở Vientiane, Lào là trên 2m, trong khi mức trung bình ở đây thường là 1,13m.
Mực nước sông Mê Kông đoạn chảy qua nhiều tỉnh của Campuchia như Stung Treng, Kratie và Kompong Cham của đều trên mức trung bình. Trong khi đó, do tác động của thủy triều, tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, mực nước sông Mê Kông ở Tân Châu và sông Ba thắt ở Châu Đốc đều biến động quanh mức trung bình.
MRC dự báo bốn quốc gia hạ lưu Mê Công sẽ đón thêm các trận mưa vừa đến mưa to trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay, giúp cải thiện đáng kể tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tiến sĩ An Pitch Hatda, Giám đốc Điều hành Ủy hội sông Mê Công Quốc tế( MRC) nói: "Các trận mưa sớm đã giúp cải thiện tình hình ở một số khu vực như ở phía Bắc Campuchia và vùng Đông bắc Thái Lan nhưng không may là tình hình vẫn chưa được cải thiện ở Đồng bằng Sông Cửu Long và khu vực miền trung Việt Nam. Theo dự báo của chúng tôi thì lưu lượng nước từ sông Mê Kông chảy vào biển Hồ sẽ diễn ra vào tháng 6. Và cùng thời điểm đó, với tác động của lưu lượng nước trên sông Mê Kông và có nhiều mưa hơn trong tháng 6 sẽ giúp chấm dứt tình trạng hạn hán ở Đồng bằng Sông Cửu Long".
Theo dự báo của MRC, tình trạng khô hạn ở cả bốn quốc gia diễn ra đến hết tháng 5. Đến tháng 6, Campuchia và Thái Lan dự báo sẽ có mưa nhiều hơn Lào và Việt Nam. Vào tháng 7, Campuchia, Lào và Thái Lan sẽ đón nhận một lượng mưa rất lớn, trong khi ở Việt Nam, lượng mưa sẽ thấp hơn./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nuoc-song-me-kong-len-muc-trung-binh-nhieu-nam-1048584.vov