Nước sông Sa Lung chưng cất bầu rượu thơ

(Nhân đọc tập thơ “Căn cước niềm tin” của Nguyễn Hữu Thắng)

Nhà thơ Nguyễn Hữu Thắng lớn lên bên dòng sông Sa Lung xanh trong. Có phải dòng sông Sa Lung là dòng sông thơ ca của đất Rồng- Vĩnh Long?. Những năm tháng mộng mơ ngồi trên ghế giảng đường sư phạm bên dòng Hương Giang, anh có thơ đăng đều đặn trên trang văn nghệ báo Dân và tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên, lấy bút danh Nguyễn Hoài Chung. Năm 1977 khi mới 20 tuổi, Nguyễn Hữu Thắng vinh dự là hội viên trẻ nhất của Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Bình Trị Thiên.

Bìa tập sách “Căn cước niềm tin” - NXB Thuận Hóa -Ảnh: T.N

Bìa tập sách “Căn cước niềm tin” - NXB Thuận Hóa -Ảnh: T.N

Thấm thoắt mới đó đã gần 50 năm, chàng sinh viên thư sinh trắng trẻo mơ mộng ngày nào, nay thành “lão nhà thơ 67 mùa lá vàng rơi”. Sự nghiệp đời anh hanh thông là niềm mơ ước của lứa bạn đồng niên; bước đầu là người thầy mẫu mực dạy Văn, đến nhà quản lý. Ở vị trí nào, anh cũng đều hoàn thành xuất sắc vị trí đảm nhiệm.

Dù thơ là “nghề tay trái” nhưng sức viết của anh thật đáng nể phục. Hình như trong anh có sẵn một “bồ chữ” đầy, nên khi vừa nắm bắt thông tin, sự kiện, tứ thơ chợt đến, anh hoàn thành một bài thơ khá nhanh. Thơ anh tràn trề sinh lực, dồi dào cảm xúc, bút pháp linh hoạt, nắm chắc các thể loại thơ, gieo vần nhuần nhuyển.

Thơ chính luận thì ngôn ngữ thơ nghiêm ngang nhưng lối viết nhẹ nhàng, dễ hiểu; thơ đời thường thì lời thơ hài hước, tếu táo, bông đùa nhưng lại khá sâu sắc. Anh chung thủy với các thể thơ truyền thống.

Phần lớn nhà thơ một đời xuất bản hơn một tập thơ là sự cố gắng rất lớn. Vậy mà Nguyễn Hữu Thắng xuất bản liên tục đến 7 tập thơ riêng, được đánh giá là những tập thơ chất lượng, với hơn ngàn bài thơ.

Trong tập thơ thứ 7 mang tựa đề: “Căn cước niềm tin” gồm 75 bài, do NXB Thuận Hóa ấn hành tháng 7/2023. Thơ Nguyễn Hữu Thắng hay nhắc nhớ về vĩ tuyến 17, ranh giới nỗi đau chia cắt giữa hai miền Nam-Bắc.

Nhà thơ tự hào là con dân vĩ tuyến 17 lịch sử. Nơi đó có chiếc cầu Hiền Lương mang hai màu sơn xanh và vàng chia đôi hai miền. Đầu cầu phía Bắc có lá cờ đỏ sao vàng rộng chín sáu mét vuông tung bay trên đỉnh cột cờ cao ba mươi tám mét, như là biểu tượng niềm tin. Nhà thơ đau nỗi đau chia cắt hai miền và đặt câu hỏi: “Bến Hải ơi, giới tuyến tạm thời/ Tạm thời chi mà cách xa đằng đẵng/ Hiền Lương ơi, một vạch sơn giới hạn/ Giới hạn chi mà nghẽn lối, ngăn đường” (Một thời Bến Hải)

Quê Nguyễn Hữu Thắng ở Vĩnh Linh đất thép, địa đầu giới tuyến, tiền đồn miền Bắc XHCN nên đế quốc Mỹ ném bom hủy diệt không kể ngày đêm: “Chẳng thể nào quên được người ơi/ Thuở quê hương chìm trong lửa đạn/ Bom cháy, bom bi, pháo chùm, pháo hạm/ Đêm đêm pháo sáng đỏ trời/ Thuở ấy chúng tôi lên chín, lên mười/ Một chiều thu xa nhà đi sơ tán/ Người lớn gọi đây “kế hoạch K8”/ Đưa chúng tôi ra gặp Bác Hồ...K8 một thời để tôi có hôm nay” (Ký ức K8).

Trong những năm tháng chiến tranh đánh phá ác liệt từ vĩ tuyến 17 trở ra, trẻ con đến người già sợ nhất con ác quỷ B52 thả bom rải thảm, san bằng mặt đất bán kính đến vài cây số, tang tóc kể sao cho hết: “B52 rải thảm đất Vĩnh Linh/ 37 lần chiếc/ Mỗi chiếc ba mươi tấn bom/ Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn/ Dải đất bờ Bắc Hiền Lương/ Bom nối bom, nhà cháy nối nhà/ ...B52 lần đầu dội xuống Vĩnh Linh/ Nơi tuyến đầu miền Bắc/ Địa đạo, chiến hào khoét sâu vào lòng đất/ Người vẫn kiên cường bám trụ giữ quê hương (Có ai còn nhớ ngày này).

Nhà thơ Nguyễn Hữu Thắng chọn bài thơ Căn cước niềm tin” làm tựa đề tập thơ. Niềm tin trong cuộc sống mang đến

cho ta nguồn sức mạnh để hành động, nếu không có niềm tin, sẽ không làm được gì cả. Với cảm nhận trực quan nhạy bén, nhà thơ ngợi ca hình ảnh những cán bộ chiến sĩ công an ân cần làm “căn cước công dân” là loại giấy tờ tùy thân cho cư dân thành phố, nông thôn, miền xuôi, miền ngược: “Ngày nối ngày, đêm lại nối đêm/ Chiến dịch làm căn cước/ Cho anh hiểu thêm thế nào là hạnh phúc/ Khi được nhận về mình căn cước của niềm tin. (Căn cước niềm tin).

Nhà văn Andersen người Đan Mạch nói: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”. Quả đúng như vậy, hơn bốn mươi năm trôi qua nhưng nhà thơ Nguyễn Hữu Thắng vẫn nhớ như in những năm tháng mới ra trường làm “Người kỹ sư tâm hồn” tại thị xã Đông Hà sau giải phóng.

Biết bao khó khăn vây bủa thầy giáo trẻ: Trường lớp dựng tạm lợp bằng mái tôn cũ, thiếu sách giáo khoa, trò đói nên nhặt từng mảnh bom dọc đường đến lớp bán phế liệu, còn thầy đói cồn cào tay phấn cứ run run. Tôi và nhà thơ lúc ấy cùng cảnh ngộ, nghĩ về quá khứ không khỏi bùi ngùi xa xót: “Bếp tập thể bữa sắn, bữa khoai/ Tháng chậm lương chia nhau từng nắm gạo/ Đứng trước học sinh vẫn nụ cười hiền hậu/ Vẫn say sưa bài giảng tiết cuối cùng/ Mấy dãy nhà tôn tạm gọi là trường/ Ghế không đủ ngồi, học trò thay nhau đứng/ Thầy giảng bài mà cồn cào đói bụng/ Mượn áo nhau san sẻ rách, lành” (Ký ức Đông Hà).

Hầu hết nhà thơ các thế hệ đều làm thơ ca ngợi mẹ. Mẹ không chỉ là người “mang nặng đẻ đau” mà mẹ còn đảm đang, tần tảo, thương yêu chồng con quên cả bản thân mình. Trong thơ Nguyễn Hữu Thắng hình ảnh mẹ mình vẫn manh áo vá, đội nón lá, lội ruộng, gánh gồng nuôi anh ăn học thành tài. Bây giờ con trai mẹ “chăn ấm nệm êm” là nhờ công ơn trời biển của mẹ: “Con như cây lúa trên đồng/ Nhờ ơn gieo cấy vun trồng mà nên” (Vu lan nhớ mẹ).

Bên cạnh thơ tự sự trữ tình, nhà thơ sắp bước vào tuổi “thất tuần” nên đôi lúc trầm tư, chiêm nghiệm cuộc đời: “Người già thường tỉnh giấc trong đêm/ Nhìn đồng hồ biết ngày còn xa ngái/ Đêm cứ dần dài ra/ Giấc ngủ thì ngắn lại/ Người già thường nghĩ về quá khứ/ Giấc ngủ cứ ngắt ra từng quãng/Thấy dáng mình ở phía thanh xuân” (Đêm của người già).

Tôi tin những lúc tỉnh ngủ, nhà thơ Nguyễn Hữu Thắng nhẹ nhàng bật đèn pin nằm nghiêng người làm thơ, che ánh sáng sợ đánh thức giấc mộng của “một nửa” nằm bên. Những bài thơ như những dấu mốc đáng nhớ: “Câu thơ trên đỉnh tháp”, “Những gương mặt, những linh hồn”, “Ghi trong ngày hội trường”, “Có một nàng dâu Quảng Trị”, “Khúc ca từ những mái trường”, “Đầu xuân trở lại Tân Kỳ”, “Bản làng nhớ mãi tên anh”, “Sinh nhật đích tôn”, “Ngày quốc tế đàn ông”, “Về quê nói trạng”...

Tôi thích cái lối viết ẩn dụ, hóm hỉnh, ngôn từ bình dị nhưng khiến những vần thơ lục bát của anh hấp dẫn lạ thường: “Tôi về hỏi đám trẻ con/ Chúng đều ngơ ngác mắt tròn nhìn tôi/ Xa làng từ thuở đôi mươi/ Nay về làng trẻ còn tôi đã già” (Về làng); “Tép đồng nấu với me chua/ Khoai deo hầm đậu mạ vừa dọn ra/ Xa quê thèm ruốc, thèm cà/ Linh tinh ba thứ gọi là ngày xưa ” (Hương vị quê nhà); “Cho anh vay một nụ cười/ Lãi suất anh trả bằng mười nụ hôn/ Nụ cười hãy giữ nghe em/ Mỗi ngày anh lại vay thêm để dành” (Nụ cười); “Tiền còn một ít để tiêu/ Thơ còn một ít để phiêu với đời/ Tim còn một ít bồi hồi/ Bạn còn một ít - những người tâm giao” (Còn một ít); “Nợ em một thoáng vô tình/ Đường đời xuôi ngược không nhìn thấy nhau/ Chợ chiều ế một buồng cau/ Chợ mai ế một mớ trầu chờ têm” (Nợ mùa đông); “Có ai bán cái dửng dưng/ Tôi mua một mớ lận lưng dùng dần/ Có ai mua cái phân vân/ Để tôi bán rẻ giá gần như cho” (Dửng dưng); “Tôi đi mấy vạn ngày đàng/ Bạc đầu còn nhớ mấy lằn roi tre/ Tôi thành giám đốc, giáo sư/ Nhờ ơn trách phạt thầy cô thuở nào”(Có ai còn nhớ)...

Bên cạnh mê thơ, nhà thơ còn say môn “túc cầu”. Hầu hết các trận bóng đá của đội tuyển Việt Nam trên đấu trường quốc tế, anh đều có thơ cập nhật. Anh chuẩn bị cho xuất bản tập thơ: “Bóng đá và thơ”. Hiện nay thơ in nhiều, nhưng chất lượng phần lớn không như mong đợi. Tập thơ “Căn cước niềm tin” là món quà tinh thần có giá trị cho những người yêu thơ hứng thú thưởng thức cái hay trong mỗi bài thơ.

Nguyễn Xuân Sang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nuoc-song-sa-lung-chung-cat-bau-ruou-tho-190263.htm