Nước thải từ vùng nuôi trồng thủy sản nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước

Xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh từ lâu được xem là 'thủ phủ' nuôi trồng thủy sản của tỉnh, chủ lực là nuôi cá lóc và ba ba thương phẩm. Tuy nhiên, do phát triển ồ ạt, lượng nước thải phát sinh số lượng lớn không qua xử lý đang chảy thẳng ra kênh thủy lợi, đe dọa nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của cả vùng.

Các ống nhựa lớn dẫn nước thải từ ao nối thẳng ra kênh với dòng nước màu xanh, đục, bốc mùi. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Các ống nhựa lớn dẫn nước thải từ ao nối thẳng ra kênh với dòng nước màu xanh, đục, bốc mùi. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Theo ghi nhận của phóng viên tại tuyến kênh nội đồng T08 (nguồn nước chảy từ địa phận xã Phước Ninh sang xã Phước Minh), hai bên bờ chật kín ao nuôi cá lóc, ba ba. Các ống nhựa lớn dẫn nước thải từ ao nối thẳng ra kênh với dòng nước màu xanh, đục, bốc mùi hôi tanh.

Bà Nguyễn Thị Kim Huyền, người dân sống cạnh tuyến kênh nội đồng T08, thuộc Phước Minh cho biết, trước đây, nước kênh T08 trong vắt, trẻ con trong xóm thường đến bắt cá và tắm mát buổi trưa hè. Bây giờ dòng kênh ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối nên không ai dám bén mảng đến. Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề, sinh kế suy giảm, người dân rất khổ tâm và mong Nhà nước có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.

Xã Phước Minh hiện có hàng chục trang trại nuôi thủy sản, có diện tích rộng từ khoảng 2.000 đến 5.000 m2, lấy nước từ kênh thủy lợi bơm vào, rồi sau mỗi chu kỳ nuôi lại xả thải trở lại ra kênh, với lượng nước thải lớn chưa qua xử lý như: thức ăn thừa, phân cá, thuốc kháng sinh…

Ông Nguyễn Văn Trí, tại ấp B4, xã Phước Minh, người có thâm niên nuôi cá lóc cạnh bờ kênh thủy lợi cho biết, người dân biết rõ việc xả thải ra kênh là không đúng, nhưng vì mưu sinh, nên chúng tôi không còn cách nào khác. Bởi do diện tích nuôi thủy sản nhỏ, người dân còn nghèo nên không có kinh phí để làm bể lọc. Đây cũng là cái nghề, nguồn sống chính của nhiều bà con nơi đây và đã tồn tại hàng chục năm qua.

Ông Đào Phạm Minh Hòa, Cán bộ Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản tỉnh Tây Ninh nhận định, với mật độ nuôi 70–80 con/m2, chỉ sau 2–3 tuần thì phải thay nước ao một lần. Mỗi lần như vậy vài chục khối nước thải đổ thẳng xuống kênh.

Theo phân tích của các chuyên gia ngành thủy sản, đặc trưng của mô hình nuôi cá lóc và ba ba là mật độ nuôi cao, thức ăn chủ yếu là cá tạp, thịt xay hoặc cám công nghiệp, nên lượng chất thải trong ao rất lớn. Nếu không được xử lý, lượng hữu cơ trong nước thải sẽ làm giảm hàm lượng oxy, dẫn tới chết cá, thối nước và bốc mùi.

Hiện nước thải theo kênh T08 chảy ra hệ thống kênh Đông, gây ô nhiễm nguồn nước tưới cho hàng trăm ngàn ha đất nông nghiệp và nguồn nước phục vụ công nghiệp, sinh hoạt. Ngoài ra, còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên thủy sản của khu vực.

UBND xã Phước Minh cho biết, mô hình nuôi cá lóc, ba ba nhỏ lẻ đã tồn tại hơn 20 năm. Dù đã tổ chức nhiều hội thảo, cung cấp tài liệu tuyên truyền, song việc xử lý nước thải vẫn còn gian nan, do phần lớn hộ dân nuôi quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư.

Theo ông Đỗ Hoàng Phúc, Quyền Chủ tịch UBND xã Phước Minh, xã đã lập biên bản nhắc nhở nhiều hộ dân, nhưng chưa thể xử phạt mạnh vì sợ đẩy người dân vào khốn khó. Hiện đang xây dựng lộ trình quy hoạch vùng nuôi tập trung, có hệ thống xử lý chung. Tuy nhiên, để triển khai cần sự vào cuộc đồng bộ của huyện, tỉnh, nhất là trong hỗ trợ vốn và kỹ thuật. UBND xã Phước Minh kiến nghị huyện, tỉnh áp dụng biện pháp hành chính răn đe với doanh nghiệp lớn, đồng thời kèm theo chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, hướng dẫn xây bể lắng, xử lý sinh học tại chỗ cho các hộ nuôi trồng nhỏ lẻ.

Các ống nhựa lớn dẫn nước thải từ ao nối thẳng ra kênh với dòng nước màu xanh, đục, bốc mùi. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Các ống nhựa lớn dẫn nước thải từ ao nối thẳng ra kênh với dòng nước màu xanh, đục, bốc mùi. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Tây Ninh Đinh Hùng Danh, đơn vị rất quan tâm đến chất lượng nguồn nước bởi nguồn nước có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước tốt thì sản phẩm nông nghiệp tốt và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, ô nhiễm nguồn nước có chiều hướng gia tăng.

Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ cho thống kê toàn bộ điểm xả thải trực tiếp vào công trình thủy lợi để chuyển danh sách cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, nguồn lực mỏng, nhiệm vụ chính là phục vụ tưới tiêu nên ông Danh kêu gọi sự chung tay vào cuộc của các ngành chuyên môn để xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Tài nguyên nước, đặc biệt kênh mương thủy lợi là huyết mạch của nông nghiệp và sinh hoạt. Khi kênh bị “đầu độc”, người thiệt thòi nhất chính là người dân – họ mất nguồn nước sạch, nguồn thu nhập bị đe dọa.

Đã đến lúc các cấp chính quyền, ngành nghề liên quan và chính mỗi nông hộ phải cùng chịu trách nhiệm, hành động đồng bộ để bảo vệ môi trường, duy trì sinh kế bền vững. Bởi chỉ khi nguồn nước được hồi sinh, sức khỏe cộng đồng và sản xuất mới có thể phát triển hài hòa lâu dài.

Bài và ảnh: Thanh Tân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nuoc-thai-tu-vung-nuoi-trong-thuy-san-nguy-co-gay-o-nhiem-nguon-nuoc-20250521112143671.htm