Nước trái cây lên men cũng có cồn như bia, rượu
Một số loại nước trái cây lên men công nghiệp có nồng độ cồn etylic 3%-5%, đây là nồng độ tương ứng với độ cồn trong bia.
Theo BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, ngoài rượu bia thì một số đồ uống khác có cồn mà người tiêu dùng thường lầm tưởng không có cồn. Theo đó, người dân cần lưu ý khi tham gia giao thông cần tránh các loại đồ uống này.
BS Diệp lấy ví dụ như nước trái cây lên men công nghiệp có nồng độ cồn etylic 3%-5%, đây là nồng độ tương ứng với độ cồn trong bia. Hay nước trái cây lên men tự làm vẫn chứa cồn etylic, một số loại có nồng độ cồn đến 12%.
Cũng theo vị chuyên gia này, trên thực tế một số loại đồ uống, thực phẩm khác cũng có cồn. Tuy nhiên, BS Diệp lại cho rằng thức ăn tự nhiên khó thể sinh ra cồn, hơn nữa thực phẩm là acid hữu cơ nên không thể nào thổi qua hơi thở do quá trình hấp thu của cơ thể rất chậm. Một số thuốc như sirô ho, người uống theo liều lượng chỉ định của bác sĩ rất ít, không thể uống một lần mấy trăm mililít để sinh ra cồn được...
Trước đó, Bộ Y tế cũng thông tin trong các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể. Bởi thực tế thì hàm lượng cồn từ các loại thực phẩm này rất thấp, tùy thuộc vào lượng sử dụng, thời điểm đo độ cồn và cũng suy giảm, đào thải rất nhanh. Thông thường sau khi ăn, chỉ cần uống nước lọc, súc miệng và sau khoảng 15-30 phút sẽ không còn nồng độ cồn.
Ngoài ra, CSGT khi xử phạt nồng độ cồn còn phải căn cứ vào các biểu hiện của người vi phạm như tình trạng tâm lý, diễn biến hành vi, lời nói, cử chỉ, sắc mặt, hơi thở khi nói chuyện để có căn cứ xử lý người vi phạm có sử dụng rượu bia. Nên trường hợp này sẽ không bị xử phạt.
Việc dừng xe kiểm tra độ cồn chỉ xảy ra khi có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được phê duyệt. Hoặc người tham gia giao thông có dấu hiệu vi phạm như mặt đỏ gay, đi loạng choạng, phóng nhanh, vượt ẩu; hay khi chúng ta phạm một lỗi khác mà cảnh sát nghi ngờ bạn có uống rượu bia.
Đồng thời Bộ Y tế cũng thông tin sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng nắm được với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng để xử phạt.