Nước tràn qua đập, một xã ở ngoại thành Hà Nội huy động người dân ứng cứu
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mực nước trên sông Tích ngày một dâng cao ảnh hưởng tới nhiều địa phương trong đó có huyện Thạch Thất (Hà Nội). Nước tràn qua đập tại xã Đồng Trúc và gây sạt lở; toàn bộ lực lượng tại chỗ được huy động tham gia ứng cứu.
Chiều nay (11/9), tại xã Đồng Trúc, mực nước sông Tích dâng cao đã tràn qua đập Gò Sui, Bồ Nành và khiến một đoạn bị sạt lở cao khoảng 6m. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã Đồng Trúc đã huy động nhân dân, lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên ra đắp chặn và khắc phục vị trí sạt lở.
Ông Nguyễn Đình Nghi, Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong những ngày vừa qua, địa bàn huyện Thạch Thất nói chung và xã Đồng Trúc nói riêng đã chịu thiệt hại rất nặng nề. Thời gian cơn bão đổ bộ vào địa bàn Hà Nội, xã Đồng Trúc đã huy động các lực lượng. Cơn bão đã ảnh hưởng rất nhiều đến cây cối hoa màu của bà con nhân dân.
Trên địa bàn xã Đồng Trúc hiện nay các vùng trũng thấp đã bị ngập úng cao, đặc biệt là tại các vị trí đập Gò Sui, Bồ Nành do xã Đồng Trúc quản lý. Hiện nay, mực nước sông tích đang dâng cao và đã tràn lên mặt đập.
“Để thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai của huyện, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai xã Đồng Trúc, chúng tôi đã thực hiện nghiêm các cái văn bản chỉ đạo của huyện. Thứ nhất, chúng tôi thực hiện phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo trực 100% quân số, 24/24. Trong quá trình xử lý, hiện nay trên địa bàn xã, các vị trí đê đập bị suy yếu, nhất là đoạn đê đập Gò Sui, Bồ Nành đã bị sạt lở khoảng 6m, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ, gồm lực lượng dân quân, công an, xung kích và toàn thể bà con nhân dân trên địa bàn xã tham gia ứng cứu” – ông Nguyễn Đình Nghi cho biết.
Ông Nghi cũng cho hay, ngày 10/9, toàn bộ chiều dài khoảng 1.500m có nguy cơ bị tràn. Xã đã huy động toàn bộ nhân dân tham gia đắp đê, đắp đập, ngăn nước tràn vào địa bàn. Trong ngày 10/9, xã đã nhận được sự hỗ trợ của lực lượng quân đội. Đó là Tiểu đoàn 12 Trường Sĩ quan Chính trị gồm 50 chiến sĩ; tiểu đoàn 371 gồm 25 chiến sĩ. Lực lượng xung kích của huyện đã tăng cường cho xã để đắp dọc tuyến đập Gò Sui, Bồ Nành để tránh nước sông Tích tràn vào.
Về công tác tìm kiếm cứu nạn, xã Đồng Trúc đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để ứng phó với thiên tai. Trong cơn bão số 3 vừa qua, xã đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đảm bảo nhu yếu phẩm cũng như các phương án khi bão hoặc mưa to ảnh hưởng đến bà con nhân dân. Đồng thời, xã cũng đã cho rà soát các hộ ở vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập úng, có phương án di chuyển lên các hộ cao an toàn; rà soát các hộ có nhà ở không an toàn để di dời sang các hộ gia đình an toàn. Và đặc biệt quan tâm đến hộ người già cô đơn, các hộ chính sách người nghèo, không đảm bảo. Xã đã di dời các hộ lên vị trí an toàn.
Ngoài ra, mực nước sông Tích lên cao ảnh hưởng đến 365 hộ dân với 1.538 nhân khẩu tại huyện Thạch Thất, trong đó có 15 hộ với 206 nhân khẩu phải di chuyển, cụ thể: Xã Cần Kiệm bị ngập 90 hộ với 388 nhân khẩu, trong đó: 18 hộ với 59 nhân khẩu bị ngập đến nền nhà, 72 hộ với 329 nhân khẩu ngập đến sân, vườn và công trình phụ. Các hộ dân đã chủ động kê kích tài sản, đồ đạc và khắc phục sinh hoạt, hiện tại chưa phải di dời.
Xã Lại Thượng bị ngập 86 hộ với 369 nhân khẩu trong đó: 40 hộ với 172 nhân khẩu bị ngập vào nhà đã di dời, 46 hộ với 197 nhân khẩu ngập đến sân, vườn và công trình phụ. Các hộ dân chưa di dời đã chủ động kê kích tài sản, đồ đạc và khắc phục sinh hoạt, hiện tại chưa phải di dời.
Xã Kim Quan có 13 hộ với 51 nhân khẩu trong đó: 04 hộ với 9 nhân khẩu bị ngập vào nhà, đã di dời đến nơi an toàn, 9hộ với 42 nhân khẩu ngập đến sân, vườn và công trình phụ. Các hộ dân đã chủ động kê kích tài sản, đồ đạc và khắc phục sinh hoạt, hiện tại chưa phải di dời.
Xã Phú Kim bị ngập 149 hộ với 630 nhân khẩu, trong đó: 08 hộ với 3 nhân khẩu bị ngập vào nhà (đã di dời), 141 hộ với 597 nhân khẩu nước ngập vào nền nhà, sân, vườn và công trình phụ, công. Các hộ còn lại chủ động kê kích tài sản, đồ đạc và khắc phục sinh hoạt, hiện tại chưa phải di dời.
Thị trấn Liên Quan bị ngập 27 hộ với 100 nhân khấu, trong đó: 2hộ với 06 nhân khẩu nước ngập vào nhà phải dị đời, 52 hộ với 94 nhân khẩu bị ngập đến sân, vườn và công trình phụ, hiện tại chưa phải di dời…
Cũng theo báo cáo của huyện Thạch Thất tính đên 15h30 ngày 11/9/2024, tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão sô 3 tại huyện Thạch Thất 164 hộ với 441 nhân khẩu (trong đó: 97 hộ với 207 nhân khẩu di dời do nguy cơ sạt lở, các nhà tạm không đảm bảo yêu cầu chống bão số 3; 57 hộ với 234 nhân khẩu di dời do nước sông Tích lên cao gây ngập đến nền nhà). Hiện tại đã có 79/151 hộ phải di đời đã trở về nơi ở cũ. May mắn chưa có thiệt hại về người.
Để đề phòng, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão, UBND xã Lại Thượng đã cử lực lượng tổ chức chặn, không cho các phương tiện lưu thông qua Cầu Gấu - thôn Phú Thụ đi xã Cố Đông thị xã Sơn Tây, UBND xã Cần Kiệm không cho các phương tiện lưu thông qua cầu Phú Lễ đi Yên Lạc cũ (cầu qua sông Tích), Cầu Phú Kim ở Thôn Nội. Cử lực lượng trực, hướng dẫn các phương tiện và Nhân dân đi theo các đường khác để đảm bảo an toàn.
Tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân tổ chức khắc phục các hậu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là các diện tích lúa, cây hoa màu bị đổ, bị ngập. Ngay sau khi cơn bão tan, nhân dân trên địa bàn huyện đã xuống đồng nhanh chóng dựng lại diện tích lúa bị đổ, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng... cho cây nhanh chóng phục hồi; chỉ đạo tiêu nước đệm giảm nguy cơ ngập úng khi có mưa lớn…
Theo chia sẻ của lãnh đạo huyện Thạch Thất, trong những ngày tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và huyện trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục tập trung cao độ công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3; đồng thời nâng cao cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn huyện. .
Chỉ đạo các xã, thị trấn, nhất là các xã ven sông Tích rà soát, thực hiện Phương an di dời các hộ dân bị ảnh hưởng do mức nước sông Tích dâng đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn; cung cấp các nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm để nhân dân phải di chuyển chỗ ở ổn định đời sống. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn có các tuyến đường bị ngập sâu phối hợp với các cơ sở giáo dục, bố trí phương tiện đưa học sinh đến trường trên địa bàn đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị các xã, thị trấn tập trung kiểm tra các cầu qua sông, nhất là các cầu qua sông Tích trên địa bàn để kịp thời phát hiện những dấu hiệu không an toàn; đồng thời chỉ đạo tạm dừng đối với các phương tiện giao thông lưu thông trên những cầu không đảm bảo an toàn (nếu có)…