Nước về làng Dao

Phụ nữ làng Dao thăm và chăm sóc vườn cây tươi tốt nhờ nguồn nước của công trình dẫn nước từ núi Hòn Đen - Ảnh: NHẬT HUY

Trong khi chờ đợi các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước giải quyết bài toán nước sinh hoạt và tưới tiêu, cộng đồng người Dao ở thôn Chư Plôi (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) đã sáng tạo, đoàn kết, đóng góp khoảng 300 triệu đồng làm đường ống dẫn nước từ núi Hòn Đen về đến nhà và lên rẫy. Nhờ vậy, cuộc sống của người Dao nơi đây đã chuyển biến tích cực.

CÓ NƯỚC, CÓ THU NHẬP

“Hơn 30 năm sinh sống tại thôn Chư Plôi, tôi chưa thấy cộng đồng người dân tộc thiểu số nào có sự sáng tạo, quyết đoán và đoàn kết cao như cộng đồng người Dao sống dưới chân núi Hòn Ðen. Tôi cho rằng mô hình công trình nước từ núi Hòn Ðen rất hay, những cộng đồng dân tộc thiểu số tại xã Ea Bar cần học hỏi”, ông Nguyễn Hữu Cương, Bí thư Chi bộ thôn Chư Plôi đã nói như vậy, khi chúng tôi nhắc đến 50 hộ người Dao đang sinh sống tại đây.

Men theo con đường bê tông phẳng lỳ từ trung tâm xã Ea Bar, chúng tôi đến với cộng đồng người Dao dưới chân núi Hòn Ðen. Ðiểm nổi bật nhất của làng này có lẽ là các vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ… Xen với đó là những đám sắn xanh um, chốc chốc lại thấy những chuyến xe máy cày vận chuyển nông sản ra trung tâm xã để bán.

Chúng tôi đến thăm vườn ông Bàn Nguyên An với hơn 600 cây bơ booth xanh tốt vừa cho trái bói. Ông kể: “Ngày trước, chúng tôi trồng cây ăn trái vất vả lắm. Có thời điểm mùa hạn kéo dài, ao hồ cạn nước, người trong làng bất lực ngồi nhìn nhau chờ trời mưa. Giờ thì khác rồi, nước chảy quanh năm; những người làm nông nghiệp như chúng tôi xem đó là yếu tố hàng đầu để phát triển kinh tế”.

Tại hộ ông Bàn Nguyên Toàn, với 2ha sắn trồng xen kẽ với sầu riêng, ông thu lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/năm, đủ chi phí trang trải cuộc sống. Theo ông Toàn, nếu không có nguồn nước, ông không thể có thu nhập như vậy.

Khi mùa màng bội thu, đời sống của người dân làng Dao cũng thay đổi rõ rệt. 40 hộ nghèo và cận nghèo trước đây giờ chỉ còn lại 20 hộ.

BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ ÐOÀN KẾT

Người viết đã từng tham gia cùng người dân làng Dao làm đường ống dẫn nước (4,5km) từ núi Hòn Ðen về đến làng. Phụ nữ nối nhau mang vật liệu xây dựng lên núi, trong khi đàn ông nghiên cứu nối đường ống nước đúng kỹ thuật… Ðó là hình ảnh sinh động và là biểu tượng của sự đoàn kết của cộng đồng dân cư tại đây.

Đồng bào làng Dao cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp dưới chân núi Hòn Đen - Ảnh: Nhật Huy

Đồng bào làng Dao cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp dưới chân núi Hòn Đen - Ảnh: Nhật Huy

Những cuộc họp bàn về cách thức xây dựng công trình, đóng góp tiền diễn ra rất sôi nổi. Người có diện tích đất nông nghiệp nhiều hơn, xa hơn thì đóng tiền nhiều hơn người chỉ có nhu cầu nước sinh hoạt. Không ai chần chừ, vì họ hiểu khi công trình nước hoàn thành và đưa vào sử dụng, cuộc sống sẽ đổi thay.

Người làng Dao có mặt ở vùng đất Ea Bar từ đầu những năm 90 thế kỷ trước. Họ chất phác, chịu thương, chịu khó trong sản xuất. Giờ đây, khi có công trình nước sinh hoạt và tưới tiêu, đời sống của người dân không những được cải thiện, mà đây còn là biểu tượng đầy ý nghĩa về sự đoàn kết của cộng đồng người Dao dưới chân núi Hòn Ðen…

Cộng đồng làng Dao ở thôn Chư Plôi có thể tự hào về công trình dẫn nước từ núi Hòn Ðen. Sau một thời gian đi vào hoạt động, công trình đã mang đến hiệu quả rõ rệt về sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt. Mới đây, chúng tôi đã chỉ đạo các bộ phận chức năng tại địa phương kiểm tra tình trạng của công trình nước này, qua đó đề xuất với UBND huyện Sông Hinh có những giải pháp hỗ trợ bà con.

Ông Nguyễn Văn Khúc, Bí thư Ðảng ủy xã Ea Bar

NHẬT HUY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/252162/nuoc-ve-lang-dao.html