'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một' Bài 3: Đất nước giàu đẹp, đâu cũng là quê hương
Đầu năm 2025, cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đón “làn gió mới” về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trước quyết tâm chính trị mạnh mẽ, hành động quyết liệt, nhất quán trong “cuộc cách mạng” này ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, người dân cả nước bày tỏ niềm tin và kỳ vọng.

Một số thông tin sai trái về sáp nhập tỉnh, thành.
Trong khi đó, các thế lực thù địch và một số tài khoản mạng xã hội (MXH) lại đăng tải những nội dung có tính chia rẽ, phân biệt vùng - miền, hòng gieo rắc những “hạt mầm” xấu độc trong tư tưởng người dân.
Dẫn dắt dư luận với thông tin xuyên tạc, chia rẽ
Trên các nền tảng MXH, lợi dụng các thông tin về sắp xếp, bố trí nhân sự các cấp, nhất là nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước ta, các trang mạng thiếu thiện chí với Việt Nam lại tung ra các luận điệu xuyên tạc nhân sự, trong đó có thủ đoạn thâm độc là đặc biệt nhấn mạnh đến tính vùng - miền, “phe phái”, tỉnh, thành. Người xem nếu không vững vàng về lập trường, tư tưởng chính trị, rất dễ bị cuốn theo những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật, từ đó suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Chẳng hạn, tài khoản MXH tb… có hơn 90 ngàn lượt thích và hơn 670 ngàn người theo dõi, mỗi ngày đăng nhiều clip phân tích về tình hình nhân sự của bộ máy chính quyền các cấp ở Việt Nam, trong đó có những từ ngữ như: “phe cánh”, “thanh thế”, “Bắc tiến”… Còn trang Facebook Việt Tân - tổ chức mà cơ quan chức năng Việt Nam đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố vẫn hàng giờ, hàng ngày đăng nhiều tin chống phá Đảng, Nhà nước ta, trong đó có thông tin “phân tích”, “bình luận” xuyên tạc, cũng như “dự báo” vô căn cứ về tình hình nhân sự các cấp, tập trung xuyên tạc, xoáy vào tính chất vùng - miền, “phe phái” một cách vô căn cứ, để dẫn dắt dư luận xã hội.
Nhận thấy chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính thu hút dư luận, trang R. liên tục tung ra những tin, bài, clip dưới dạng trích dẫn bình luận của các “chuyên gia” tự xưng. Trong đó có những tin bài có nội dung quy chụp, xuyên tạc như: “Sáp nhập tỉnh: động cơ chính trị và hệ lụy”, hay lan truyền phương án sáp nhập tỉnh khi chưa có phương án dự kiến hay quyết định chính thức.
Rõ ràng, những thông tin vô căn cứ mà các thế lực thù địch đưa ra không phải ngẫu nhiên mà hoàn toàn có chủ đích, tập trung vào các nội dung xuyên tạc về phe nhóm, vùng miền…, từ đó vẽ nên bức tranh chính trị u ám của Đảng, Nhà nước ta, cũng như mong muốn tạo sự phân biệt giữa các vùng - miền. Mục tiêu của chúng là làm cho nhân dân dần suy giảm niềm tin, cũng như phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân. Nguy hiểm hơn, chúng còn cài cắm thông tin kích động chống phá chính quyền, kêu gọi hòng gây rối, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tần suất xuất hiện của các nội dung thông tin xấu độc này nhiều và đặc biệt dày đặc trong giai đoạn gần đây khi Việt Nam thực hiện tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, cũng như chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đây rõ ràng là chiến dịch truyền thông thâm độc, là biểu hiện cụ thể của âm mưu diễn biến hòa bình, phá hoại tư tưởng, xuyên tạc, đả kích chế độ, đòi đa nguyên, đa đảng và mục tiêu cuối cùng là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Khi chủ trì cuộc làm việc với Tiểu ban KTXH Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư TÔ LÂM nhấn mạnh, sáp nhập không phải chỉ là cho gọn lại để tiết kiệm được tiền chi tiêu, cái đó là một phần thôi, mà động lực để cho phát triển, dư địa để cho phát triển mới là quan trọng. “Khi sáp nhập có tâm lý, tâm trạng về quê hương…, tôi hết sức chia sẻ. Nhưng đất nước chính là quê hương, chúng ta phải vì sự phát triển chung” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Đất nước là quê hương
Trong bối cảnh công cuộc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được tiến hành theo tinh thần khẩn trương “vừa chạy vừa xếp hàng”, bên cạnh dòng tâm trạng chủ lưu là đồng thuận, hưởng ứng và kỳ vọng trong nhân dân, thì vẫn còn tâm lý lẻ tẻ của một số người “lo sợ mất quê”, “mất gốc”, tâm lý cục bộ, địa phương “tỉnh anh”, “tỉnh tôi”…, từ đó dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra tâm lý chia rẽ, phân biệt vùng miền. Điều này không chỉ kích động sự mâu thuẫn giữa người dân các địa phương, giữa các khu vực, vùng miền với nhau, mà còn ảnh hưởng đến khối đoàn kết toàn dân tộc. Nguy hiểm là, từ các tình huống nhỏ, đơn lẻ này, các đối tượng thù địch, phản cách mạng lợi dụng triệt để nhằm tiến hành thủ đoạn can thiệp sâu hơn, đậm hơn, với mong muốn tạo thành “điểm nóng”.
Khi sáp nhập các tỉnh, thành trở thành “chủ đề nóng” được thảo luận nhiều trên các nền tảng MXH, có không ít bài viết, video clip sử dụng những từ ngữ kích động, xúc phạm giữa các địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Mới đây, một cán bộ Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh khi bình luận trên một bài viết liên quan đến thông tin sáp nhập tỉnh trên MXH TikTok, đã dùng những từ ngữ khiếm nhã, phân biệt người dân tỉnh khác. Người này đã bị đơn vị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng.
Trước đó, một số tài khoản MXH đã đăng tải các video có nội dung “bất mãn” với Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với giọng điệu mỉa mai, giễu cợt, một tài khoản TikTok đăng tải thông tin so sánh điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh Thừa Thiên Huế với các địa phương khác trong cả nước, gây môi trường tranh luận tiêu cực, kích động gây chia rẽ phân biệt vùng miền.

Các kênh mạng xã hội tổ chức bàn tròn xuyên tạc chủ trương sáp nhập tỉnh, thành. Ảnh: chụp màn hình
Những bình luận tiêu cực liên quan đến phân biệt vùng miền rất phản cảm, thậm chí nguy hại, khiến nhiều người dân bức xúc.
Chị Đoàn Diệu Ý (ngụ thành phố Biên Hòa) cho biết, có thể mỗi người được sinh ra, lớn lên, có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội khác nhau nhưng đã là người một nước thì phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. “Tôi quê ở Quảng Bình, vào Đồng Nai lập nghiệp gần 15 năm nhưng chưa bao giờ phân biệt nơi này, nơi kia. Đồng Nai là địa phương quy tụ nhiều dân nhập cư, do đó tôi tiếp xúc với rất nhiều người đến từ các tỉnh, thành khác nhau trên cả nước. Ở đâu cũng có người nọ, người kia nhưng đều là đồng bào, “tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”” - chị Ý chia sẻ.
Cả nước đang nỗ lực chung tay để các địa phương cùng phát huy nội lực để phát triển hài hòa, công bằng, người dân đều được thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng bền chắc.
Mở rộng không gian phát triển, vì lợi ích bền vững của đất nước
Tại Kết luận 127-KL/TW về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xác định đối với cấp tỉnh: “Ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển KTXH, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới...”. Do đó, việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã hoàn toàn không phải là việc lắp ghép cơ học, mà có những tiêu chí hết sức rõ ràng, khoa học nhằm tạo không gian phát triển. Từ đó phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay.
Trên thực tế, mỗi địa phương, vùng, miền đều có những đặc trưng, bản sắc riêng, điều kiện tự nhiên, KTXH khác nhau song lại hòa quyện vào tổng thể thống nhất của đất nước. Không một địa phương, vùng miền nào nằm ngoài khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì vậy tư tưởng phân biệt “tỉnh giàu”, “tỉnh nghèo”, vùng này, vùng kia nhằm miệt thị, kích động gây chia rẽ vùng miền là rất phiến diện, rất đáng lên án.
Có thể nói, trước một chủ trương lớn, có sức tác động rộng khắp, bao giờ cũng có những băn khoăn. Do đó, cán bộ, đảng viên chính là những người phải “đi trước” ngay cả trong tư tưởng, để khơi thông, kiên quyết loại bỏ tư tưởng cục bộ, địa phương, manh mún làm kìm hãm sự phát triển chung của đất nước. Từ đó, tích cực đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái nhằm lấy chủ trương, chính sách của Đảng làm chủ đề thực hiện các chiến dịch “truyền thông bẩn” hòng kích động dư luận xã hội theo hướng tiêu cực.