'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một'

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Hiểu được điều này, các thế lực thù địch, chống phá cách mạng nước ta luôn tìm mọi cách để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng đủ các chiêu trò, thủ đoạn hạ đẳng, xảo trá như xuyên tạc, tung tin giả, dựng chuyện nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo, chia rẽ vùng miền, đồng bào các dân tộc.

Luận điệu xuyên tạc của các tổ chức phản động, chống phá.

Luận điệu xuyên tạc của các tổ chức phản động, chống phá.

Sáng 28/9, tại Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Công tác dự báo, cảnh báo, thông tin - truyền thông, lãnh đạo, chỉ đạo, phòng chống, khắc phục hậu quả bão được làm tương đối tốt và hạn chế tối đa thiệt hại có thể, nhất là về người. Đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, bên cạnh đó, có những việc chưa làm được do các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, nhưng nguyên nhân khách quan là chủ yếu.

Quán triệt sâu sắc các bài học kinh nghiệm, thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu vẫn là không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói, bị rét, không có chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, bệnh nhân được chữa bệnh; nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Thủ tướng đề nghị các bộ, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện và 6 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ. Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn; cũng như khi miền Trung bị bão lũ thì miền Bắc, miền Nam làm bù cho miền Trung, trước đây trong thời kỳ chiến tranh thì tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2024, năm 2025 và của cả nhiệm kỳ...

Những chỉ đạo kịp thời, sâu sát, toàn diện đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình nghĩa đồng bào sâu nặng của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ, định hướng chiến lược cho các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, tiếp tục đà tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.

Vậy nhưng dưới góc nhìn méo mó, tư duy thiển cận cùng ngón nghề “bới bèo ra bọ”, “đâm bị thóc chọc bị gạo”, cố tình bẻ câu ngắt chữ, dựng chuyện để kích động gây chia rẽ, thù hằn dân tộc của bè lũ chống phá, phản động ở hải ngoại thì tinh thần thi đua yêu nước, nghĩa tình đồng bào sâu nặng của dân tộc lại trở thành “Đảng, Chính phủ có chủ trương bóc lột miền Nam để bù cho thiệt hại của miền Bắc”; “Dân miền Nam bị kêu gọi làm việc gấp hai để nuôi miền Bắc”; “Báo hiệu cho việc các tỉnh phía Nam sẽ bị yêu cầu tăng tỷ lệ nộp ngân sách để “bù đắp” cho miền Bắc. Làm 10 phần, giữ lại 2-3 phần, còn lại gửi ra Bắc để xây tượng đài, quảng trường”...

Không bàn đến tính thống nhất, tầm vĩ mô trong chiến lược điều hành phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia, bởi lẽ mục đích của đám chống phá, phản động nhắm đến không phải là tính hiệu quả, cần thiết của các giải pháp, mục tiêu mà ý đồ của chúng là kích động, chia rẽ vùng miền, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, gây nghi ngờ, suy giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng, Chính phủ, từ đó thực hiện các mưu đồ chính trị hèn mạt.

Lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi ra đời tới nay là lịch sử dựng nước và giữ nước. Dựng nước và giữ nước luôn luôn gắn chặt với nhau. Phải xây dựng được đất nước hùng mạnh về mọi mặt mới có điều kiện, khả năng giữ nước, đồng thời phải giữ được nước mới có điều kiện để xây dựng đất nước. Người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đều nhắc nhở nhau: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Quá trình dựng nước và giữ nước đã hình thành nên truyền thống đoàn kết Việt Nam. Truyền thống đó trở thành nguồn gốc làm nên sức mạnh của cộng đồng người Việt và trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là mỗi khi đất nước bị thiên tai, địch họa. Lịch sử chỉ ra rằng, khi nào dân tộc bị chia rẽ, bè phái thì đất nước rơi vào tình trạng trì trệ, suy yếu và bị thôn tính.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất 18/11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Khoản 1, Điều 5, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát, gói trọn cả niềm tự hào, tự cường dân tộc của bao người dân đất Việt. Đó là chân lý về độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể hiện tinh thần đoàn kết cao độ của toàn dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng ý chí và tinh thần đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là sau gần bốn thập niên tiến hành công cuộc đổi mới, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta tiếp tục được phát huy với nhiều hình thức tổ chức và vận động Nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đoàn kết cùng nhau giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam.

Đảng ta đã lãnh đạo cả hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội; triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Trên lãnh thổ Việt Nam đâu cũng là con Lạc cháu Hồng, gắn bó máu thịt với nhau trong nghĩa đồng bào sâu nặng. Truyền thống đoàn kết, đạo lý sống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chung tay góp sức cùng nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn, vươn lên xây dựng cuộc sống thanh bình, phồn thịnh luôn là nguồn sức mạnh vô địch giúp dân tộc Việt giành chiến thắng. Không một thế lực nào có thể xuyên tạc, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân của Việt Nam, cũng như không thể chống phá, ngăn cản Việt Nam vươn lên phát triển hùng cường, thịnh vượng. Đó là chân lý thời đại!.

Vũ Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nuoc-viet-nam-la-mot-dan-toc-viet-nam-la-mot-219963.htm