Nuôi biển chưa bền vững vì hạ tầng nghề cá còn yếu kém

Cơ sở hạ tầng hạn chế, con giống không rõ nguồn gốc, thức ăn, công nghệ nuôi lạc hậu, liên kết tiêu thụ lỏng lẻo… khiến quá trình nuôi biển chưa bền vững.

Hôm nay (18/12), tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Phát triển nuôi biển bền vững”. Nhiều giải pháp được đề xuất phát triển nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển, đặc biệt là các vùng biển xa.

Việt Nam với hơn 3.200 km bờ biển, diện tích mặt biển hơn 1 triệu km2, vì thế có tiềm năng rất lớn trong việc nuôi trồng thủy sản trên biển. Những năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển có bước chuyển biến tích cực.

Thủy sản nuôi trồng đã có đóng góp chủ yếu giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,6 tỷ USD. Tuy vậy, lĩnh vực này hiện đang gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng hạn chế, con giống không rõ nguồn gốc, thức ăn, công nghệ nuôi lạc hậu, liên kết tiêu thụ lỏng lẻo…

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, tại nhiều địa phương, chủ yếu nuôi trồng ven bờ, mang tính tự phát, số lồng nuôi quá tải, vùng nuôi đối mặt với ô nhiễm, dịch bệnh, thiên tai.

“Phải có hạ tầng nghề cá thì mới có được nuôi biển theo hướng công nghiệp và thức ăn, dinh dưỡng cũng là yếu tố cần nghiên cứu. Cùng với đó, cần có công nghiệp hỗ trợ về lồng, tàu, sà lan để phục vụ cho nuôi biển như các nước phát triển. Ngoài cơ sở hạ tầng còn có nguồn vốn, ưu đãi về vốn, thuế cũng như chuỗi khép kín thị trường từ nguyên liệu đầu vào, con giống đến quy trình nuôi. Khi có lồng bè phù hợp, hiện đại, không ô nhiễm môi trường, gắn với sơ chế và chế biến tốt, chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ./.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nuoi-bien-chua-ben-vung-vi-ha-tang-nghe-ca-con-yeu-kem-825053.vov