Nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển
Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển của nước ta. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Chiều ngày 25/3, tại Hà Nội. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thông tin về "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau”.
Theo ban tổ chức, từ ngày 31/3-1/4/2024, tại TP. Hạ Long, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh".
Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chủ trì, dự kiến thu hút khoảng 300-350 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thế mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như Úc, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Hội nghị cũng sẽ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị, đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn, Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh phát triển kinh tế biển và thủy sản. Quảng Ninh đã quy hoạch 50.001 ha nuôi nội địa và 45.246 ha nuôi biển, chiếm khoảng 12% diện tích nuôi biển của cả nước. Diện tích thu hút đầu tư là 13.400 ha; các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã khảo sát, nghiên cứu đầu tư gần 4.000 ha tập trung tại 6 địa phương: Vân Đồn, Cẩm Phả, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Hạ Long, phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao hình thành chuỗi giá trị lấy doanh nghiệp là nòng cốt, kết nối với 8 cảng cá, 11 cụm công nghiệp chế biến thủy sản tại Quảng Yên, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Cô Tô và Móng Cái.
Thông tin tại cuộc họp báo, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, hiện nay nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại. Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới...
Theo ông Trần Đình Luân, tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ, đặc biệt là về công nghệ và cơ chế chính sách trong cấp phép giao mặt biển.
Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh được tổ chức với mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, tháo gỡ khó khăn trong cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.