Nuôi biển - nhiều tiềm năng chưa được đánh thức
Việt Nam với đường bờ biển dài 3.260km và vùng biển với diện tích khoảng 1 triệu km2, có tiềm năng, lợi thế vô cùng lớn trong việc phát triển nghề nuôi biển (cách gọi khác là nuôi trồng thủy sản).
Tuy nhiên, nghề nuôi biển hiện nay còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức. Vậy cần làm gì để phát triển nghề nuôi biển một cách bền vững, đồng thời đem lại sinh kế cho người dân ở ven biển, nâng hiệu quả kinh tế của ngành thủy sản?
Chưa giao biển, doanh nghiệp, người dân vẫn chưa dám đầu tư
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tăng Văn Phiến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ du lịch Vạn chài Hạ Long, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, hồ hởi: "Từ năm 2016, HTX của chúng tôi được tỉnh Quảng Ninh cấp phép tại khu vực bảo tồn làng chài Vông Viêng là khu vực xa nhất ở vịnh Hạ Long vừa nuôi trồng thủy sản kết hợp với làm du lịch. Mô hình đang phát huy tác dụng rất tốt về nuôi thủy sản kết hợp phát triển du lịch, trung bình mỗi năm, HTX của chúng tôi đón 200.000-250.000 khách quốc tế tới thăm làng chài. Du khách rất ấn tượng, thích thú với làng chài sống bằng nghề nuôi biển kết hợp với làm du lịch. Như vậy, nghề nuôi biển không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho từng thành viên HTX, nhờ kết hợp du lịch, các thành viên HTX có thêm thu nhập, giúp nghề nuôi biển phát triển bền vững".
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản... Tổng diện tích nuôi biển của tỉnh hiện là 10.200 ha. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh nuôi biển, Quảng Ninh sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để thực hiện Đề án phát triển bền vững nuôi biển.
Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng giải thích, doanh nghiệp nuôi biển hiện đối mặt với nhiều khó khăn, một trong những khó khăn chính là đến thời điểm này, phần lớn địa phương vẫn chưa giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý. Đây là rào cản lớn, khiến cho doanh nghiệp khó có thể đầu tư vào lĩnh vực này do vấn đề liên quan đến giấy phép và pháp lý. Rào cản này cũng khiến doanh nghiệp, người dân rất khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chuyên môn cho ngành nuôi biển còn hạn chế do chưa có ngành đào tạo chuyên sâu về nuôi biển. Mặt khác, thiếu bảo hiểm và rủi ro cao nên nhiều doanh nghiệp do dự, chưa dám đầu tư mạnh, bài bản để ngành nuôi biển phát triển bền vững.
Hàng loạt khó khăn trên khiến ngành nuôi biển ở nước ta hiện nay vẫn trong tình trạng tự phát, manh mún, chưa chuyên sâu, hiệu quả kinh tế chưa cao. Cũng do tình trạng nuôi biển ở nước ta manh mún, tự phát gây nên nhiều tác động xấu tới môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Ví dụ, việc nuôi tôm hùm ở một số địa phương ven biển, do thả nuôi với mật độ cao nên thường gây ra các đợt tôm chết hàng loạt do môi trường nuôi bị quá tải.
Nuôi biển cần gắn với du lịch
Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4-10-2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8-2 tỷ USD.
Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; phát triển nuôi biển cả trên bờ, trong vùng biển ven bờ, xa bờ và ngoài khơi xa.
Như vậy, để nghề nuôi biển phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội cho người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở các địa phương ven biển, rất cần Nhà nước, các cơ quan chức năng ở các bộ, ngành, chính quyền cần sớm tháo nút thắt về giao vùng nước biển cho các HTX, doanh nghiệp, người dân quản lý, sử dụng đầu tư nuôi biển.
Đồng thời, cần có các cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư nuôi biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn tín dụng, ứng dụng khoa học-công nghệ vào nuôi biển. Cùng với đó là công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm nuôi biển phát triển bền vững, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có chế tài xử lý nghiêm hành vi của cá nhân, các tổ chức nuôi biển không tuân thủ quy định của pháp luật gây ô nhiễm môi trường biển.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nuôi biển sẽ khó mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, nếu chúng ta không kết hợp với khai thác phát triển du lịch. Do đó, làm sao để vừa đẩy mạnh nuôi biển vừa khai thác, phát triển du lịch, như vậy mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần giảm khai thác, tăng nuôi trồng để phát triển ngành thủy sản bền vững.
Rõ ràng, nuôi biển kết hợp với du lịch nếu chúng ta làm tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, sinh kế của người dân ven biển, giảm áp lực lên khai thác thủy sản trên biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường biển, góp phần xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.