Nuôi biển ở Kiên Giang chậm phát triển

Kiên Giang có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nghề nuôi biển. Nhưng do thiếu đầu tư về cơ sở hạ tầng, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp nên ngành nghề này chậm phát triển.

TIỀM NĂNG LỚN

Kiên Giang có chiều dài bờ biển phần đất liền trên 200km, hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ. Vùng biển Kiên Giang nằm trọn trong vịnh Thái Lan, có diện tích khoảng 63.290km2. Thời tiết và thủy văn tương đối thuận lợi, ít bão, sóng gió vừa phải, môi trường nước biển cơ bản ổn định quanh năm.

Đó chính là những tiềm năng, lợi thế để tỉnh có thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản đa dạng loại hình nuôi, đối tượng nuôi, trong đó nghề nuôi biển được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển thời gian qua.

Giai đoạn 2017-2021, các hộ dân nuôi biển trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo hình thức lồng bè, tập trung quanh các đảo thuộc huyện Kiên Hải, TP. Phú Quốc, một số xã đảo thuộc huyện Kiên Lương và TP. Hà Tiên.

Năm 2021, diện tích nuôi biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang khoảng 21.000ha, sản lượng gần 69.300 tấn, chiếm 7,5% diện tích nuôi trồng thủy sản, chiếm 24,3% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản. Tính riêng nuôi cá lồng bè trên biển là 3.612 lồng, sản lượng 3.900 tấn; nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như sò huyết, vẹm xanh, hến biển… diện tích hơn 20.200ha, sản lượng 66.179 tấn.

Nuôi trai cấy ngọc nhân tạo tập trung ở TP. Phú Quốc với diện tích hơn 200ha, sản lượng thu hoạch từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn viên ngọc thành phẩm/năm. Nghề nuôi ngọc trai nhân tạo đã góp phần tạo nên nét đặc trưng riêng thu hút khách du lịch đến đảo ngọc Phú Quốc và Kiên Giang nói chung.

Hiện một số doanh nghiệp có năng lực về nuôi biển đã đầu tư tại Kiên Giang, bước đầu mang lại kết quả. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Trấn Phú đang triển khai nuôi cá biển (cá chim trắng, cá hồng mỹ) bằng lồng tròn theo công nghệ Na Uy tại TP. Phú Quốc, với quy mô 4 lồng nuôi, năng suất trung bình 25 tấn/lồng.

Bên cạnh đó, 2 doanh nghiệp hàng đầu về nuôi biển là Tập đoàn Mavin và Công ty Autralis Việt Nam đã đến khảo sát chọn quần đảo Nam Du là vùng nuôi biển tập trung.

THIẾU ĐẦU TƯ

Những năm gần đây, nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có phát triển, tạo ra nguồn thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.

Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển chưa được đầu tư đúng mức. Lồng bè nuôi hầu hết theo kiểu truyền thống, kết cấu thô sơ, chủ yếu bằng cây gỗ, khả năng chịu sóng kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu gặp bão, áp thấp nhiệt đới.

Trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất cá giống chất lượng. Nguồn con giống phục vụ nghề nuôi cá biển nhập từ nơi khác về nên không đảm bảo số lượng, khó kiểm soát về chất lượng.

Người dân xã Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) nuôi cá bớp trong lồng bè.

Người dân xã Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) nuôi cá bớp trong lồng bè.

Do nuôi gần bờ nên các lồng bè cá chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nguồn chất thải khác, dịch bệnh khó kiểm soát. Nghề nuôi biển còn thiếu cơ chế, chính sách để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp và người dân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao nuôi xa bờ cho sản lượng hàng hóa lớn.

Tỉnh Kiên Giang còn thiếu các nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp, chế biến xuất khẩu cá thương phẩm, các trại sản xuất con giống tại chỗ quy mô để phục vụ nghề nuôi biển phát triển.

Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025 số lượng lồng nuôi biển của tỉnh đạt 7.500 lồng, sản lượng 113.530 tấn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, để đạt mục tiêu trên, tỉnh cần có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nghề nuôi biển. Trước mắt, tỉnh đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nuôi biển công nghệ cao, nuôi xa bờ, xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tiên phong đến đầu tư nuôi biển tại Kiên Giang.

Đối với nuôi cá lồng bè trên biển, tỉnh Kiên Giang khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư quy mô, ứng dụng công nghệ nuôi mới, thiết kế lồng bè có sức chống chịu tốt, nuôi xa bờ nhằm tận dụng tiềm năng mặt nước biển khơi chưa được khai thác, không bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường gần bờ.

Song song đó, tỉnh tổ chức sắp xếp lại các lồng bè nuôi cá thương phẩm trên biển nhỏ lẻ, phân tán, chú trọng phát triển các mô hình hợp tác xã…

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/nuoi-bien-o-kien-giang-cham-phat-trien-11774.html