Tiếp sức nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật
Hiện nay, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là việc làm cần thiết để hướng đến sản xuất xanh, phát triển bền vững. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh Long An chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều buổi tham quan, tập huấn, hội thảo,... nhằm hỗ trợ nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp.
Hiệu quả rõ rệt
Trước đây, ông Phạm Văn Tú (ấp 1, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống. Tuy có nhiều kinh nghiệm nhưng ông không ngừng học tập, tìm hiểu, nghiên cứu thêm kiến thức mới để tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm nông sản sạch, an toàn. Ông được Hội Nông dân xã Lạc Tấn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ hỗ trợ tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ để áp dụng vào sản xuất.
Hiện tại, ông trồng hơn 1ha lúa và 0,6ha dừa. Ruộng của ông được chọn làm thí điểm trồng lúa công nghệ cao. Ông được tập huấn về cách chọn giống, mật độ gieo sạ; cách dùng phân bón hữu cơ vi sinh; cách cày ải và xử lý rơm, rạ;... Từ khi áp dụng, ông nhận thấy năng suất lúa tăng lên, tiết kiệm giống, ít dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, ông còn học thêm kỹ thuật chăm sóc dừa, giải pháp sinh học phòng, chống đuôn, sâu, bệnh, tăng năng suất, chất lượng nước ngọt hơn. Ông được Hội Nông dân huyện, xã mời đi tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài tỉnh như nuôi ốc bươu đen ở tỉnh Đồng Tháp, trồng mít ở tỉnh Tiền Giang, tham gia đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh.
Năm 2006, Câu lạc bộ (CLB) Nông dân ấp 1, xã Lạc Tấn được thành lập với 14 thành viên. Đến nay, CLB này có 28 thành viên và được đổi tên thành CLB Nông dân làm giàu. Với vai trò chủ nhiệm CLB, ông Tú đã kết nối, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều nông dân về vốn và tiếp cận khoa học - kỹ thuật, công nghệ. Theo đó, cứ 3 tháng, CLB họp 1 lần, các thành viên cùng góp tiền để giúp vốn cho những nông dân còn khó khăn với lãi suất ưu đãi. Nếu cuối năm chưa có khả năng trả thì đáo hạn, chỉ trả lãi. Trong những lần họp, Ban Chủ nhiệm CLB thường mời Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đến tập huấn cách trồng lúa công nghệ cao và một số loại hoa màu,... Ngoài ra, khuyến nông xã cũng thường mở các lớp tập huấn cho nông dân. Nhờ đó, nhiều nông dân được tiếp cận kỹ thuật mới, tự tin và ý thức hơn trong sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn.
HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) do ông Nguyễn Quốc Cường làm Giám đốc, hiện có 34 thành viên góp vốn và hơn 100 thành viên liên kết. Từ khi bắt đầu làm mảng nông nghiệp, ông Cường đã nhận thấy ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất là cần thiết và xu hướng của tương lai. Do đó, ông và vợ thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, hội thảo, tham quan để học hỏi, tiếp thu, đúc rút những gì cần thiết cho mình. Hiện tại, HTX Mỹ Thạnh ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật như hệ thống tưới tự động trực tiếp sử dụng điện, không dùng máy xăng; máy bay không người lái và công nghệ ozone trong xử lý rau, củ trước khi xuất bán. Phó Giám đốc kinh doanh HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Lê Thị Hằng cho biết: “Những chuyến đi tham quan, tập huấn, hội thảo rất bổ ích. Nhờ đó, Hợp tác xã được tìm hiểu, tiếp cận nhiều công nghệ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào quá trình sản xuất”.
Hộ kinh doanh Tâm Foods (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) với mặt hàng dầu đậu phộng và đậu phộng cháy tỏi ớt cũng là doanh nghiệp thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, hội thảo, tham quan. “Chúng tôi mong muốn vực dậy và đưa đậu phộng Đức Hòa vươn xa hơn. Sản xuất hay tiêu thụ nếu biết áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn” - đại diện hộ kinh doanh Tâm Foods - Võ Hoàng Trúc Lâm chia sẻ.
Nhiều cách thức hỗ trợ
Hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương hỗ trợ các HTX xây dựng và nhân rộng những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới; hỗ trợ quy trình VietGAP cho 2 HTX điểm, hỗ trợ mô hình canh tác rau hữu cơ và đăng ký chứng nhận cho 2 HTX điểm.
Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ bổ sung năm 2024 và năm 2025, trong đó đề xuất đưa vào kế hoạch các nhiệm vụ hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát triển sản phẩm như hỗ trợ sử dụng phân hữu cơ vi sinh (tại các HTX rau, HTX cây ăn trái,...), ứng dụng đèn led tiết kiệm năng lượng xử lý ra hoa cho cây thanh long (các HTX thanh long tại huyện Châu Thành). Bên cạnh đó, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện 1 mô hình trình diễn áp dụng cơ giới hóa (APV) trong việc giảm lượng giống gieo sạ vụ Đông Xuân 2023-2024 và giảm phát thải khí cacbon.
Hội Nông dân tỉnh tổ chức 6 lớp tập huấn, truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phổ biến kiến thức về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, cây rau, cây chanh, cây thanh long tại 5 huyện: Cần Giuộc, Thủ Thừa, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Châu Thành và TP.Tân An với 596 lượt người tham dự. Hội cũng tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao năm 2024 tại các huyện: Đức Hòa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Châu Thành và Cần Đước với 441 lượt người tham dự.
Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức 12 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ lồng ghép với triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trên địa bàn 11 huyện: Châu Thành, Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường với khoảng 1.800 lượt người tham dự.
Trong tháng 8/2024, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Ngày hội trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các huyện, thị xã, thành phố tại huyện Đức Hòa cho hội viên nông dân, thành viên các tổ hợp tác, HTX, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, có 15 huyện, thị xã và thành phố tham gia trưng bày, giới thiệu với 30 gian hàng là các sản phẩm của từng địa phương.
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật về đất và dinh dưỡng cây trồng; tập huấn kỹ thuật về công nghệ xét nghiệm đất trong canh tác nông nghiệp;...
Qua những buổi tham quan, tập huấn, hội thảo,... các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có điều kiện tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, ứng dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất, kinh doanh./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tiep-suc-nong-dan-tiep-can-tien-bo-ky-thuat-a185709.html