Nuôi biển - thế mạnh của kinh tế biển Quảng Ninh
Vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Đây là cơ hội lớn cho địa phương này phát triển mạnh kinh tế biển.
Nhiều lợi thế
Quảng Ninh có diện tích trên 12.000 km2, gồm hơn 6.200 km2 đất liền và hơn 6.100 km2 mặt biển là ngư trường khai thác rộng lớn. Tỉnh có đường bờ biển dài 250 km, với hai vịnh lớn (vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long) và 2.077 hòn đảo - chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước. Tỉnh còn có trên 40.000 ha bãi triều, trên 20.000 ha diện tích eo biển và vịnh kín.
Do đặc điểm địa lý, vùng biển Quảng Ninh là tập hợp của nhiều hệ sinh thái biển khác nhau như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển… Sự đa dạng của các hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú, nhiều loài có giá trị kinh tế cao là lợi thế của Quảng Ninh. Mặt khác, với diện tích vùng biển lớn, kín gió, nhiều đảo lớn nhỏ, nước biển trong, sạch được bao bọc bởi hệ thống đảo phía ngoài chính là điều kiện lý tưởng để phát triển nuôi biển.
Ngư trường Quảng Ninh là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, với trữ lượng nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng, được xác định ở mức hơn 86.000 tấn, có khả năng cho phép khai thác bền vững khoảng 52.000 tấn/năm. Đây cũng là lợi thế quan trọng để Quảng Ninh phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.
Về giao thương, Quảng Ninh là trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu của miền Bắc sang thị trường quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc. Đây là những tiềm năng, lợi thế nổi trội của Quảng Ninh, tạo tiền đề để kinh tế biển trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tăng nuôi trồng, giảm khai thác
Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, với nhiều lợi thế trong nuôi biển, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Trong đó, có nhiều chỉ đạo quan trọng trong phát triển thủy sản nhằm nâng nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò, kinh tế thủy sản, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Quảng Ninh đã quy hoạch khoảng 45.000 ha trên vùng biển của 9 địa phương, gồm Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái dành cho nuôi biển. Tổng diện tích đã đưa vào khai thác nuôi thủy sản đạt trên 42.300 ha, theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gắn với phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.
Tính trong 10 năm (2013-2023), sản lượng thủy sản nuôi của tỉnh tăng từ 89.000 tấn lên hơn 175.000 tấn/năm. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn về sử dụng vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi thành công 10 triệu quả phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường.
Tại Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh, tổ chức trong tháng 4/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ rõ: “Quảng Ninh sẽ trở thành một nơi đổi mới sáng tạo của ngành hàng nuôi biển, sẽ có các trung tâm nghiên cứu về giống, chiến lược. Thủy sản sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh, các quyết sách của Trung ương cũng xác định Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi tỉnh có sự quyết tâm hành động của lãnh đạo, ngành chuyên môn, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của người dân”.
Sau bão số 3, tỉnh Quảng Ninh có gần 3.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề, thậm chí có hộ bị thiệt hại 30-70%, nhiều hộ mất trắng tài sản, con giống do bão. Để người nuôi trồng thủy sản khẩn trương bắt tay khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế, các địa phương có biển trên địa bàn tỉnh này đã và đang thực hiện thủ tục giao biển cho các cá nhân, tổ chức, hợp tác xã. Bên cạnh đó, chính quyền, một số ngân hàng cũng đã xây dựng một số giải pháp, chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn tin tưởng, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm “sống vì biển, làm giàu từ biển”, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh sớm vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất một cách bền vững.
Với quan điểm phát triển thủy sản theo hướng sinh thái - xanh - sạch gắn với quy trình sản xuất hiện đại trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế biển đảo, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, thủy sản Quảng Ninh sẽ phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm. Thủy sản sẽ trở thành ngành mũi nhọn gắn với thế mạnh kinh tế biển của tỉnh. Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm nuôi biển lớn của miền Bắc.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nuoi-bien---the-manh-cua-kinh-te-bien-quang-ninh-d228731.html