'Nuôi' bonsai, dưỡng tâm hồn

Người xưa có câu: 'Nuôi cá dưỡng tâm, nuôi chim dưỡng trí, nuôi cây dưỡng thần'. Nghề trồng cây cảnh, đặc biệt là bonsai không đơn giản. Để có được bonsai đẹp, người trồng không chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận, tỉ mỉ, mà còn phải dồn vào đó nhiều tâm sức, ý tưởng, sự sáng tạo. Nhiều người yêu cây cảnh ở Lào Cai đã chọn bonsai để thỏa mãn đam mê tạo hình cho cây, cũng là để nuôi dưỡng tâm hồn yêu cái đẹp của mình.

Kinh doanh chậu cây cảnh tự làm đã mấy chục năm nay, ông Nguyễn Minh Tiến, ở tổ 17, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) trồng thêm bonsai để hỗ trợ việc bán chậu cảnh của gia đình. Ông Tiến cho biết: Tôi tìm mua các cây cảnh nhỏ hoặc cây đã được tạo sẵn cốt bonsai, sau đó chăm sóc, tạo thế cho cây. Tùy vào hình dáng của cây, tôi sẽ trồng vào các chậu cảnh phù hợp, làm mẫu cho khách hàng dễ lựa chọn. Tôi thích các loại bonsai có hoa nên chọn cây sứ để dễ trồng và chăm sóc. Cây sứ rất sai hoa, lại có rất nhiều màu hoa mà ít khi bị phá dáng.

Tuy số lượng cây không nhiều, nhưng vườn cây cảnh với khoảng hơn chục chậu bonsai nho nhỏ được ông Tiến bày ngay bên đường thu hút sự chú ý của nhiều người qua lại. Theo ông Tiến, mặc dù việc trồng thêm cây cảnh, đặc biệt là bonsai chủ yếu để hỗ trợ việc bán chậu cảnh của gia đình, nhưng mỗi ngày, được ngắm nhìn những bonsai do chính mình chăm sóc, nuôi dưỡng khoe dáng và nở hoa rực rỡ, ông thấy cuộc sống thêm phần thú vị, tươi đẹp.

Người yêu cây sẽ tự mày mò, nghiên cứu và hiểu được đặc tính sống của cây. Như cây sứ bonsai mà tôi “nuôi” bao năm nay là loại cây rất dễ chăm sóc, cây không cần tưới quá nhiều nước mà cần nhiều ánh sáng và bón phân định kỳ trước mỗi đợt hoa. Thời gian hoa sứ nở kéo dài từ tháng 1 đến tháng 7 hằng năm nên người chơi loại cây này sẽ được ngắm hoa liên tục hết đợt này đến đợt khác

Ông Tiến cho biết thêm

Trong giới chơi cây cảnh chuyên nghiệp, đặc biệt là bonsai ở Lào Cai, ít ai không biết đến anh Trần Văn Kiêm, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố Lào Cai. Với kinh nghiệm gần 15 năm chuyên trồng, chăm sóc bonsai, anh Kiêm đang sở hữu vườn cây cảnh giá trị trên tầng thượng, với hơn 10 loài và gần 100 cây.

Xuất thân là kỹ sư xây dựng nhưng lại được sinh ra trên vùng đất có truyền thống làm nghề trồng cây cảnh (Nam Định) nên anh Kiêm có niềm đam mê với cây cảnh từ khi còn trẻ. Trước đây, anh Kiêm chơi cây cảnh chỉ đơn thuần là sở thích, mỗi khi đi làm về căng thẳng, mệt mỏi được ngắm nhìn, cắt tỉa, tạo dáng cho cây, thấy quên đi hết mọi lo âu nhưng càng ngày càng đam mê, dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi để chăm sóc tốt hơn cho vườn cây của mình.

Lúc đầu tôi chỉ trồng vài chậu cây để ngắm mỗi khi rảnh, nhưng sau này đam mê quá nên cứ nghe đâu có cây lạ, đẹp hoặc tình cờ nhìn thấy thì tôi sẽ tìm mua bằng được. Dần dần tôi nghỉ công việc làm xây dựng và chuyển hẳn sang trồng cây cảnh chuyên nghiệp. Chăm bonsai thực ra không quá vất vả nhưng cần sự quan sát tỉ mỉ và có điều chỉnh phù hợp để đảm bảo cây có vừa đủ ánh sáng, nước và dinh dưỡng.

Anh Trần Văn Kiêm chia sẻ

Vườn bonsai của anh Kiêm có những cây có tuổi đời gần trăm năm, có cây đã gắn bó với anh từ hơn chục năm trước, có những cây khi mua về đã thành dáng đẹp nhưng có những cây khi về với anh vẫn chỉ là cốt đầu. Anh đã phải dành thời gian, tâm sức để tạo thế: Kích mầm, kích nhánh, cắt, tỉa, uốn… nhiều năm mới thành.

Theo kinh nghiệm “nuôi” bonsai của anh Kiêm thì khi cây đã vào thế, sống ổn định trong chậu rồi thì không thay chậu mà chỉ tuân thủ việc chăm bón định kỳ, phòng, trừ sâu bệnh, đặc biệt là phòng “cháy” nắng cho thân cây. Gốc bonsai đều là những cây có tuổi đời cao, sức chịu đựng thời tiết khắc nghiệt kém hơn các loại cây thông thường nên nếu để thân cây bị nắng gắt chiếu vào lâu dễ bị “cháy” nắng. Khi cây đã bị “cháy” nắng, cần rất nhiều thời gian phục hồi, có thể 2 - 3 năm, cũng có thể 5 - 7 năm nên người chơi cần đặc biệt chú ý.

“Vườn bonsai của tôi lúc nào cũng có sẵn tấm lưới đen che nắng khi cần thiết. Làm nghề này không thể vội vàng, đốt cháy giai đoạn, mà bắt buộc phải kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ và có óc sáng tạo", anh Kiêm chia sẻ thêm.

Để tạo được một dáng cây ưng ý, cần đợi cây nuôi từng cành nhỏ tới lớn, khi nào phù hợp với thế cây mong muốn của mình. Không phải thời điểm nào trong năm hoặc trong ngày cũng uốn cây được, mà thường mỗi năm chỉ 2 lần tạo dáng cho cây, vào khoảng tháng 4 - 5 và tháng 7 - 9. Phải uốn khi thời tiết nắng ráo, thường vào buổi trưa để cành cây có nhiều nhựa, mềm, dẻo dễ uốn.

Bonsai có nhiều dáng: Trực, nghiêng, xuyên, huyền, đổ… mỗi dáng mang một vẻ đẹp riêng, tùy vào cảm nhận và mắt nhìn của mỗi người, đồng thời cũng thể hiện tính cách của người chơi. Yêu cây và dành nhiều tâm huyết cho cây nên dường như cây cũng biết trả ơn người. Ở vườn bonsai của anh Kiêm có những cây khi mới mua về chỉ có giá trị vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhưng sau vài năm, đã tăng giá trị gấp 5 - 7 lần. Vì vậy, giờ đây, vườn cây không chỉ là những “đứa con tinh thần” giúp anh Kiêm xua tan mệt mỏi, lo toan vì cuộc sống, mà còn trở thành tài sản quý để anh nâng niu, giữ gìn mỗi ngày.

Hội Sinh vật cảnh thành phố Lào Cai có hơn 80 hội viên, trong đó có hơn chục hội viên đam mê trồng bonsai chuyên nghiệp. Không gì tuyệt vời hơn khi đam mê vừa nuôi dưỡng tâm hồn, vừa góp phần ổn định cuộc sống.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nuoi-bonsai-duong-tam-hon-post384830.html