Nuôi cá cảnh mang lại thu nhập ổn định

Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã phát triển rộng khắp trong hội viên Hội Nông dân xã Mỹ Hội (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), bằng nhiều mô hình, cách làm hiệu quả đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, nhất là mô hình nuôi cá cảnh.

Hội Nông dân xã Mỹ Hội hiện có 1.954 hội viên, sinh hoạt tại 4 chi hội và 48 tổ hội. Năm 2015, xã Mỹ Hội đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất cá cảnh xã Mỹ Hội với 12 thành viên. Lúc này, tình hình hoạt động của Tổ hợp tác chưa được tập trung, các hộ nông dân tự sản xuất, chưa có liên kết tạo đầu ra tiêu thụ sản phẩm và chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua tự phát.

Năm 2016, Hội Nông dân xã Mỹ Hội phối hợp với các ngành liên quan triển khai Dự án Phát triển mô hình sản xuất cá cảnh trên bể lót bạt. Theo đó, dự án đã hỗ trợ cho 12 hộ nuôi cá cảnh, với mỗi hộ được hỗ trợ 300 con cá giống và 100 kg thức ăn; đồng thời, tổ chức các lớp hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật nuôi con giống và phương thức cải tạo lại quy mô sản xuất.

Mô hình nuôi cá cảnh tại xã Mỹ Hội giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Từ vài hộ nuôi ban đầu, tới nay mô hình nuôi cá cảnh đã phát triển rộng khắp trên địa bàn xã Mỹ Hội, với gần 40 hộ nuôi cá cảnh, diện tích hơn 55.000 m2. Số hộ nuôi cá cảnh ở đều 4 ấp, tập trung nhiều nhất ở ấp Mỹ Trung và ấp Mỹ Thuận. Mô hình đa dạng về chủng loại cá cảnh giống như bảy màu, lia thia, hồng kim, hạt lựu, bing bong, tỳ bà... Điển hình như hộ ông Đặng Văn Sết với 15 bạt, 30 hồ xi măng, diện tích ao nuôi hơn 5.000 m2, là nông dân tiêu biểu vươn lên làm giàu, đi đầu trong phát triển mô hình nuôi cá cảnh của xã.

Với kinh nghiệm làm nghề trên 15 năm, ông Sết chia sẻ, nghề nuôi cá cảnh không hề đơn giản, cần sự kiên trì và lòng đam mê với nghề, nhưng đổi lại là đầu tư vốn ít, dễ bắt đầu cho người mới khởi nghiệp. Tuy nhiên, để nuôi được cá cảnh, người nuôi cần nắm vững đặc tính các dòng cá, kỹ thuật, chăm sóc và dưỡng cá bột. Đồng thời, phải đặc biệt chú trọng môi trường nước nuôi cá, đảm bảo ao, bể cá phải sạch, nước không ô nhiễm.

Ngoài ra, bể nuôi cần được chú trọng về nhiệt độ, ánh sáng, nồng độ oxy. Đối với các hộ nông dân khởi nghiệp từ cá cảnh, cần chú trọng trong chiến lược phát triển mô hình, ao nuôi diện tích khoảng 200 m2 cần nghiên cứu sản xuất các dòng cá dễ nuôi, ít bị hao hụt; ngược lại, nuôi trong bể diện tích nhỏ sẽ dễ kiểm soát môi trường nuôi, cần chọn các dòng cá cảnh có giá trị kinh tế để tối ưu lợi nhuận.

Mô hình nuôi cá cảnh của xã Mỹ Hội đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần đưa thu nhập bình quân của hội viên, nông dân xã đạt 63 triệu đồng/người/năm và toàn xã có trên 780 hộ nông dân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Từ đó, các gương điển hình ở địa phương đã tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, ủng hộ các quỹ: “Hỗ trợ nông dân”, “Vì người nghèo”, “Khuyến học”… giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Thành công của ông Sết đã mở ra phong trào nuôi cá cảnh ở xã Mỹ Hội, từ đó giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tiêu biểu cho nhiều hộ phất lên từ nuôi cá cảnh, như ông Nguyễn Thành Lâm với 15 bạt, diện tích ao hơn 4.000 m2; ông Nguyễn Văn Đạt với 10 bạt, 15 bể xi măng, diện tích ao hơn 5.000 m2; ông Nguyễn Văn Triều với 7 bạt, 10 bể xi măng, diện tích ao hơn 4.000 m2… sau nhiều năm phấn đấu chuyển sang nuôi cá cảnh, với thu nhập mỗi hộ khoảng 50 - 60 triệu đồng/tháng. Đối với các hộ nông dân có diện tích sản xuất khiêm tốn khoảng 500 m2 cũng mang lại lợi nhuận ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh thực hiện tốt phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với lan tỏa sâu rộng mô hình nuôi cá cảnh, Hội Nông dân xã Mỹ Hội đã tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân trong công tác khuyến nông, khuyến ngư, dịch vụ vật tư nông nghiệp. Phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Tiền Giang mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, tạo việc làm cho người lao động; thường xuyên cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật chiết, ghép và cải tạo vườn tạp, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại cây ăn quả, xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp bể khí sinh học…

Hằng năm, Hội Nông dân xã Mỹ Hội còn hỗ trợ các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, tham gia vào các chương trình dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội kết hợp sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay giúp cho 27 hộ với số tiền 270 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân; 305 hộ vay với số tiền trên 7,6 tỷ đồng thông qua các chương trình tín dụng chính sách; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho 205 hộ vay trên 7,2 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất...

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hội Lê Văn Tùng cho biết, mô hình nuôi cá cảnh là một trong những mô hình chủ lực của xã, mang lại đời sống ấm no cho người dân xã Mỹ Hội. Giá trị mà mô hình cá cảnh không chỉ mang lại về mặt kinh tế, mà còn phát huy vai trò tương trợ, tạo công việc ổn định cho người lao động nông thôn từ việc sử dụng nguồn lao động địa phương; đồng thời, cho lợi nhuận cao, đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn sau khi đầu tư.

Mặt khác, xã Mỹ Hội với thế mạnh hệ thống kinh, rạch, thuận lợi cho việc lấy nước nuôi cá, cũng như hệ thống giao thông thuận lợi, phương tiện lưu thông đến tận nơi phục vụ cho việc vận chuyển, mua bán cá cảnh. Một số hộ sản xuất cá cảnh được tiếp cận nguồn vốn vay với mức ưu đãi, giúp hộ nuôi cá cảnh có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Để nghề cá cảnh xã Mỹ Hội vươn xa hơn nữa, mang thương hiệu sản phẩm đặc trưng của xã, thời gian tới, Mỹ Hội sẽ phấn đấu thành lập Hợp tác xã cá cảnh nhằm liên kết các hộ sản xuất cá cảnh, tạo đầu ra ổn định cho người nông dân... Đồng thời, xã cũng định hướng đưa việc sản xuất cá cảnh vào du lịch sinh thái gắn với tham quan vườn cây ăn trái, nâng cao thu nhập người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

LÊ MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202311/nuoi-ca-canh-mang-lai-thu-nhap-on-dinh-995771/