Nuôi cá chim bằng lồng HDPE: Hiệu quả bền vững

3 năm triển khai dự án nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE đảm bảo an toàn thực phẩm ở vùng biển Vạn Ninh, kết quả thu được rất phấn khởi. Vật liệu lồng nuôi hiện đại, chống được bão, cá phát triển tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đó là những ưu điểm của lồng HDPE so với lồng nuôi theo kiểu truyền thống và cần được nhân rộng.

Triển khai 3 lồng tròn nuôi cá chim vây vàng

Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá biển, ông Nguyễn Sang (xã Vạn Thạnh) nếm trải không ít thành công và thất bại. Điều ông Sang cũng như hầu hết người nuôi trồng thủy sản (NTTS) nơi đây đúc kết đó là việc nuôi biển cần phải từng bước đổi thay theo hướng hiện đại, bền vững. Chính vì vậy, đầu năm 2023, ông chuyển hình thức nuôi cá chim trong bè gỗ truyền thống sang nuôi trong lồng tròn HDPE. “Tôi đầu tư lồng tròn vật liệu HDPE có chu vi 60m, lưới sâu 3,5m, thể tích lồng đạt 1.000m3 với số vốn đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ tôi 50% chi phí con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cho cá và quy trình nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm với số tiền hỗ trợ hơn 760 triệu đồng. Tháng 2, tôi thả nuôi khoảng 35.000 cá giống chim vây vàng. Đến nay, cá phát triển tốt, dự kiến sẽ thu hoạch trong tháng 11 với kích cỡ đạt trên 0,7kg/con” - ông Sang chia sẻ.

Nông dân Vạn Ninh nuôi cá chim trong lồng HDPE.

Nông dân Vạn Ninh nuôi cá chim trong lồng HDPE.

Trước đó, vào năm 2022, hộ ông Nguyễn Tấn Dũng ở vùng nuôi Cổ Cò, xã Vạn Thạnh cũng tham gia mô hình nuôi cá chim vây vàng đảm bảo an toàn thực phẩm trong lồng tròn HDPE. Hình thức và quy mô triển khai cũng giống như hộ ông Sang với kết quả đáng khích lệ. Ông Dũng cho biết, ông thả 35.000 con giống. Đàn cá chim vây vàng nuôi trong lồng HDPE có áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm, được cán bộ chuyên môn theo dõi sát sao và hướng dẫn kỹ thuật quản lý, chăm sóc cá kịp thời nên tốc độ sinh trưởng tốt, tỷ lệ hao hụt thấp. Cá sau 9 tháng nuôi đạt kích cỡ thu hoạch từ 0,7 đến 0,75kg/con. Mô hình ông Dũng thu hoạch được hơn 17 tấn cá. Với giá bán 120.000 đồng/kg, ông lãi hơn 150 triệu đồng từ lứa cá này.

Đây là 2 trong số 3 hộ NTTS ở Vạn Ninh nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE đảm bảo an toàn thực phẩm. Hộ còn lại là bà Nguyễn Thị Ca ở vùng NTTS xã Vạn Thạnh, áp dụng vào năm 2021. 3 mô hình này nằm trong dự án khuyến nông Trung ương về xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai trong 3 năm qua (mỗi năm 1 hộ). Dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Phân viện Nghiên cứu NTTS Bắc Trung Bộ - Viện Nghiên cứu NTTS I tổ chức triển khai, với hình thức hỗ trợ là người dân đầu tư lồng tròn vật liệu HDPE, Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí giống, thức ăn và tuân thủ quy trình nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cần nhân rộng

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu NTTS Bắc Trung Bộ - Chủ nhiệm dự án, qua 3 năm triển khai, 3 mô hình nuôi cá chim vây vàng trong lồng tròn HDPE ở vùng NTTS xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh đã giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu rủi ro, tăng thu nhập cho ngư dân và tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. “Triển khai mô hình tại Khánh Hòa, chúng tôi đặt mục tiêu đạt năng suất từ 15,7kg cá/m3 lồng trở lên; tỷ lệ cá sống trên 70%, trọng lượng cá đạt từ 0,7kg/con, sản phẩm thu hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đạt được các mục tiêu này, cá được nuôi theo quy trình an toàn sinh học, lồng nuôi đặt ở khu vực không ô nhiễm, cá cho ăn bằng thức ăn công nghiệp chất lượng cao, lồng, lưới thường xuyên được vệ sinh, thay mới, hạn chế tối đa sử dụng thuốc và hóa chất trong nuôi và phòng trị bệnh. Ngoài ra, cá nuôi còn được bổ sung thêm một số vitamin, khoáng chất và men tiêu hóa... Các mục tiêu của mô hình triển khai ở Vạn Thạnh, Vạn Ninh đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Song hành với quá trình triển khai mô hình, cơ quan chuyên môn đã chuyển giao kiến thức, kỹ thuật thông qua các đợt tập huấn đầu bờ và nhận được nhiều sự quan tâm của người dân trong vùng và một số tỉnh khác. Nhiều đoàn cán bộ, ngư dân đã đến tham quan học tập. Do vậy, chúng tôi mong muốn mô hình sẽ được người NTTS và chính quyền địa phương quan tâm nhân rộng, giúp người dân nuôi cá biển với năng suất và sản lượng cao hơn so với hình thức nuôi truyền thống", Thạc sĩ Thủy cho biết.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, trên địa bàn huyện có hơn 39.000 lồng, 1.232 bè NTTS. Hơn 75% trong số này nuôi ở vùng nuôi xã Vạn Thạnh, chủ yếu là các bè gỗ truyền thống, đối tượng nuôi chính là cá bớp, cá chim, tôm hùm… Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân đã chuyển đổi sang nuôi lồng HDPE, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm, cá. Đến nay, toàn huyện có 15 tổ chức, cá nhân nuôi biển trong lồng nuôi được làm từ vật liệu HDPE và composite FRP với tổng cộng 140 ô lồng. Việc chuyển đổi vật liệu ô lồng còn kéo theo sự thay đổi về quy mô sản xuất ngày một lớn hơn, ngư dân cũng đã từng bước ứng dụng quy trình nuôi biển an toàn, thân thiện môi trường. Người nuôi mong muốn Nhà nước tiếp tục triển khai các chương trình khuyến khích, hỗ trợ họ trong quá trình chuyển đổi từ ô lồng NTTS truyền thống sang các vật liệu bền vững và có khả năng chống chịu với sóng gió tốt hơn; đồng thời trợ giúp người nuôi kết nối với các đầu mối thu mua quy mô lớn, sản xuất theo đơn đặt hàng nhằm giúp cho thị trường tiêu thụ tôm, cá ổn định và bền vững.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202311/nuoi-ca-chim-bang-long-hdpe-hieu-qua-ben-vung-8c10c23/