Nuôi cá trê vàng nhẹ công chăm sóc, lợi nhuận cao
Thời gian qua, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển nhiều mô hình nuôi cá đồng các loại như: cá rô, cá lóc, cá sặc rằn, cá trê phi… Tuy nhiên, cá trê vàng ít người nuôi, bởi nguồn cá giống thả nuôi không dồi dào, mặc dù đây là loài cá có giá bán khá tốt trên thị trường so với các loại cá đồng khác do thịt cá thơm ngon. Nắm bắt được điều đó, Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá trê vàng tại hộ chị Thái Thị Ngọc Thêm, ấp Tân Lợi, xã Thạnh Tân, bước đầu đem lại kết quả khả quan.
Hiện nay, với giá trị về kinh tế do con cá trê vàng đem lại, nhiều trại giống đã sản xuất thành công cá trê vàng giống cung cấp cho người nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ dân ở vùng nông thôn tận dụng ao, mương sẵn có để phát triển mô hình. Để tìm hiểu thực tế mô hình nuôi cá trê vàng thương phẩm tại hộ chị Thái Thị Ngọc Thêm do Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị hỗ trợ, chúng tôi đã tìm đến tham quan mô hình đúng lúc chị đang thu hoạch cá. Qua mấy tháng nuôi, từng con cá vàng ươm bắt mắt, nhảy vọt ra bên ngoài tấm lưới kéo cá liên tục, làm người kéo lưới gặp khó, vì mẻ lưới kéo cả trăm ký cá.
Chị Thái Thị Ngọc Thêm, ấp Tân Lợi, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) bên ao nuôi cá trê vàng của gia đình được Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị hỗ trợ thực hiện (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp). Ảnh: TL
Hồ hởi đem thau cá trê vàng vừa mới thu hoạch từ dưới ao lên cho khách xem độ lớn nhanh của cá, chị Ngọc Thêm bộc bạch: “Tận dụng mương gần nhà, trong nhiều năm qua, tôi thả nuôi cá tra làm nguồn thực phẩm cho gia đình hàng ngày nên khi biết tôi có nhiều năm nuôi cá, Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị đã hỗ trợ mô hình nuôi cá trê vàng thương phẩm. Tôi rất phấn khởi khi nhận được sự hỗ trợ trên, vì biết con cá trê vàng có giá bán tốt, nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, chắc chắn sau thu hoạch sẽ đem lại nguồn thu nhập cao. Với diện tích ao 500m2, số lượng cá trê giống thả xuống ao là 100kg, hơn 5 tháng thả nuôi, tôi đã thu hoạch cá. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã thu hoạch 5 đợt cá, sản lượng 1 tấn và đang tiếp tục thu hoạch các đợt tiếp theo, ước tính tổng sản lượng cá trê vàng thu về sau thời gian thả nuôi là 1,6 tấn”.
Cũng theo chị Ngọc Thêm, với số lượng cá trê vàng như trên, sau thu hoạch bán ra sẽ thu lại số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, chị không bán cá tươi mà để số cá trên làm mắm bò hóc, bởi so với một số loại cá khác dùng làm mắm thì con cá trê vàng làm mắm bò hóc ngon hơn, thịt cá chắc, thời gian cá ươn nhanh, khi làm mắm sẽ thuận lợi hơn trong các công đoạn tạo ra mắm bò hóc thành phẩm. Chính vì vậy, tận dụng nguồn cá trê vàng nuôi tại hộ làm mắm bò hóc bán quanh năm, chị Ngọc Thêm chỉ thu hoạch cá hơn 100kg/lần để làm mắm, chứ không thu hoạch hết 1 lần. Theo tính toán, số lượng cá trê vàng tươi thu hoạch được sau nuôi sẽ dùng hết sản xuất mắm bò hóc, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận hơn 130 triệu đồng.
“Cá trê vàng là một trong những loài thủy sản dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, ít dịch bệnh, phù hợp đối với hộ dân tại các địa phương muốn tận dụng ao, mương của gia đình để tăng nguồn thu nhập. Riêng với mô hình nuôi cá trê vàng thương phẩm, Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ cho hộ Thái Thị Ngọc Thêm đã đem lại kết quả tốt, góp phần giúp hộ có thêm mô hình mới để chăn nuôi, nhất là tạo điều kiện để hộ xây dựng nguồn nguyên liệu lâu dài, ngay tại chỗ dùng sản xuất mắm bò hóc, giảm chi phí mua nguồn cá làm mắm, tăng lợi nhuận. Đồng thời, thông qua mô hình làm điểm để nhân rộng đến bà con có nhu cầu thực hiện mô hình nuôi cá trê vàng trong thời gian tới…” - Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị Tô Ngọc Quới chia sẻ.