Nuôi cá, trồng rau khép kín tại gia

Mô hình hỗ trợ người dân về công nghệ cũng như kỹ thuật để sản xuất thực phẩm sạch tại gia

Mô hình thủy canh kết hợp nuôi cá, trồng rau là mô phỏng hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng chất thải từ cá để làm chất dinh dưỡng cho rau mà không sử dụng đất, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Đầu tư ít, năng suất cao

Mô hình có tên Aquaponics là sự kết hợp từ Aquaculture (nuôi trồng thủy sản) và Hydroponics (thủy canh). Đây là mô hình trồng cây thủy canh hữu cơ kết hợp nuôi cá theo nguyên tắc tuần hoàn khép kín. Mô hình này sử dụng ít nước hơn so với phương thức nuôi cá và trồng rau thông thường nhưng vẫn có thể cho năng suất cao, không cần phải làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới nước cho cây.

Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng tăng cao của người dân, vấn đề quy trình sản xuất nguồn thực phẩm ra sao được nhiều người quan tâm. Nhiều người muốn tự mình trồng rau, nuôi gà, cá… để bảo đảm nguồn thực phẩm trong ăn uống mỗi ngày có xuất xứ rõ ràng, sạch. Tuy nhiên, việc trồng cây gì, nuôi con gì cũng không phải là chuyện dễ dàng, nhất là đối với những gia đình ở thành phố với quỹ đất hạn hẹp. Bên cạnh đó, nhịp sống hiện đại căng thẳng, luôn phải chạy đua với thời gian thì nhu cầu người dân càng có xu hướng tìm đến giải pháp phát triển sản xuất tại gia, tự cung cấp thực phẩm sạch vừa thư giãn. Mô hình thủy canh nuôi cá được coi là mô hình sinh thái xanh thu nhỏ đem lại hiệu quả kinh tế và tinh thần rõ rệt cho người dân.

Mô hình nuôi cá, trồng rau thủy canh tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao

Mô hình nuôi cá, trồng rau thủy canh tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao

Mô hình này đang được Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM giới thiệu rộng rãi đến người dân áp dụng và thực hiện thành công. Mô hình hỗ trợ người dân về công nghệ cũng như kỹ thuật để sản xuất thực phẩm sạch cũng như góp phần bảo vệ đến môi trường sống. Với mô hình này, việc trồng rau chỉ cần một diện tích nhỏ ở ban công hay sân thượng hoặc nhà màng nhỏ để bố trí mà không trồng trực tiếp trên đất, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên tránh được nhiều bệnh lây nhiễm, các bệnh do côn trùng gây ra. Ngoài ra, việc tận dụng phân cá để làm dinh dưỡng nuôi rau giúp tiết kiệm kinh phí cũng như bảo đảm nguồn rau không sử dụng phân bón hóa học, vừa tiết kiệm công lao động cho việc làm đất, tưới cây.

Có thể nhân rộng

Một số hộ nông dân được tiếp cận mô hình này từ sớm đã phát triển mô hình ở quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế rất cao như mô hình của anh Đinh Quang Tiệp (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), với tổng diện tích gần 1.000 m2.

Anh Tiệp cho biết trong quá trình triển khai, từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch, từng giàn rau sẽ được theo dõi các yếu tố như nhiệt độ, nồng độ dinh dưỡng để bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao. Anh Tiệp trồng rất nhiều loại rau như: xà lách, cải bó xôi, cải bẹ xanh, cải bẹ dún, cải ngọt, cải thìa… Bình quân một ngày, vườn rau của anh cho thu hoạch hơn 20 kg rau tươi, sạch, an toàn, chủ yếu cung cấp cho khách hàng tại địa phương, giá bán trung bình từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Song song đó, anh nuôi 6.000 con cá chình, đang phát triển tốt, mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Với mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá của anh Lê Văn Chinh (thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An), chi phí đầu tư ban đầu khoảng 120 triệu đồng trên diện tích 300 m2 để trồng các loại rau cải, tần ô, xà lách và nuôi cá rô phi, trê. Sau một thời gian canh tác, gia đình anh có thu nhập ổn định hằng tháng. Anh Chinh cho biết anh bán sỉ rau cho các đầu mối với giá khoảng 25.000 đồng/kg, thêm nguồn thu từ nuôi cá, mỗi tháng, gia đình anh thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Anh Vi Văn Quân (phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) thì thành lập mô hình hợp tác xã thủy canh trên diện tích 300 m2 trồng dưa chuột, cà chua, cải bó xôi, cần tây, rau muống, xà lách… Mô hình này cho năng suất cao hơn khá nhiều so với canh tác trên đất. Đối với rau muống, sau 7 ngày trồng là có thể thu hoạch, giá bán 25.000 đồng/kg; giống xà lách nhập từ Mỹ, thời gian thu hoạch là 48 ngày, đạt năng suất khoảng 200 g/cây, giá bán 50.000 đồng/kg… Với ưu điểm tươi ngon, an toàn cho sức khỏe và có thể bảo quản lâu trong tủ lạnh, các sản phẩm rau sạch của anh Quân được khách hàng thân quen sử dụng. Hiện nguồn cung của anh chưa đủ số lượng để bán rộng rãi ra thị trường. Ngoài nguồn thu từ rau, anh Quân còn nuôi cá rô, cá lăng, cá trê để bán và lấy chất thải bón rau.

Mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá đang đi đúng hướng và có thể nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bài và ảnh: Thủy Phan

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/nuoi-ca-trong-rau-khep-kin-tai-gia-20230824212233428.htm