Nuôi chồn hương chi phí thấp, lợi nhuận cao

Từ 7 con chồn hương giống ban đầu, đến nay, ông Nguyễn Văn Của (ấp Phước Thới, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đã có trang trại gần 60 con chồn hương bố mẹ, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Của thành công với mô hình nuôi chồn hương sinh sản

Ông Nguyễn Văn Của thành công với mô hình nuôi chồn hương sinh sản

Sức khỏe yếu, có bệnh nền, không thể thức khuya, dậy sớm để kinh doanh quán ăn như trước nên ông Của tìm các mô hình phát triển kinh tế khác, trong đó ông đặc biệt quan tâm đến các mô hình chăn nuôi mới, lạ và mang về giá trị kinh tế cao. Sau nhiều lần trăn trở, ông “bén duyên” với mô hình nuôi chồn hương sinh sản. Ông Của bộc bạch: “Sau khi lên mạng tìm hiểu mô hình nuôi chồn hương sinh sản tại TP.HCM, tôi mua 7 con chồn hương với giá 7 triệu đồng để nuôi thử nghiệm. Ban đầu do chưa am hiểu kỹ thuật nên chồn hương phát triển chậm, do đó, tôi dành 1 năm để nghiên cứu tập tính của chồn hương. Sau một thời gian, tôi làm chủ hoàn toàn kỹ thuật nuôi”.

Ông Của đưa chúng tôi đi tham quan khu vực chuồng trại nuôi chồn hương nằm ngay phía sau nhà với diện tích gần 100m2. Mỗi kiểu chuồng được ông thiết kế phù hợp với từng thời kỳ phát triển của chồn. Cụ thể, chồn hương trong giai đoạn phối giống sẽ ở một dãy riêng, chia thành từng chuồng, trong từng chuồng sẽ chia thành 4 ô riêng có cửa ngăn cách từng con. Ông Của cho biết: “Chồn hương chưa thể thuần chủng được nên vẫn còn bản tính hoang dã, nếu nhốt chung, chúng sẽ cắn chết nhau, vì vậy phải xây dựng ô để nuôi riêng”.

Thức ăn cho chồn hương chủ yếu là chuối, đầu cá,... Mỗi ngày cho chồn ăn 2 lần sáng và chiều, chi phí thức ăn từ 1.000-2.000 đồng/con/ngày. Sau khi phối giống thành công khoảng 2 tháng, chồn bắt đầu đẻ, mỗi năm đẻ 2 lần, mỗi lần đẻ từ 4-5 con, nuôi từ 2-3 tháng là xuất bán chồn hương giống, với giá 12 triệu đồng/cặp. Khi nuôi chồn hương phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, tránh tiếng ồn, cho ăn đúng giờ, đúng liều lượng, thức ăn phải tươi sống.

Chồn hương cũng là loài có sức đề kháng tốt nên chỉ mắc các bệnh thường gặp về đường hô hấp, đường ruột như bệnh tiêu chảy. Khi thấy chồn có triệu chứng bệnh thì nhanh chóng tách chuồng để tránh lây lan, dùng thuốc thú y thông thường để điều trị là khỏi. Bà Hồ Thị Phấn (vợ ông Của) cho hay: “Nuôi chồn hương rất dễ, ít chi phí và nhẹ công chăm sóc. Trung bình, mỗi con chồn hương cái đem về doanh thu khoảng 30 triệu đồng/năm”.

Nuôi chồn hương công đoạn khó nhất là phối giống. Theo đó, con cái đến thời kỳ động đực mới thả con đực vào giao phối. Thời kỳ động đực của con cái chỉ kéo dài từ 2-3 ngày nên phải theo dõi kỹ. Khi thấy chồn bố mẹ không còn quấn quýt với nhau nữa xem như việc phối giống thành công và phải tách ra ngay, nếu không chúng sẽ cắn nhau đến chết.

Chồn hương là loài động vật hoang dã, được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm. Không chỉ vậy, chồn hương còn được biết đến là món đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng. Có nguồn gốc tự nhiên, nhu cầu sử dụng lại cao nên đầu ra của chồn hương khá ổn định. Bà Phấn cho biết: “Vợ chồng tôi nhận được rất nhiều điện thoại đặt hàng nên không đủ cung cấp cho thị trường. Dự kiến thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng chuồng trại; đồng thời, khi đáp ứng được nguồn giống, trang trại sẽ cung cấp thêm chồn thịt để tạo sự đa dạng trong đầu ra sản phẩm”.

Dù “tay ngang” vào nghề nhưng với bản tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi, mô hình nuôi chồn hương sinh sản của gia đình ông Của đang mang về thu nhập khá cao cho gia đình./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nuoi-chon-huong-chi-phi-thap-loi-nhuan-cao-a140877.html